Vingroup vừa chứng minh vì sao dịch chuyển sang công nghệ và công nghiệp lại đúng đắn đến thế
"Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở Không Xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch"- Ông Nguyễn Việt Quang Tổng giám đốc Vingroup cho biết.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid 19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 3/4/2020 Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (Xâm nhập và Không Xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Theo đại diện của VinGroup, dự kiến các lô linh kiện của Máy thở Không Xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở Xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện, VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển giao sang Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Cuộc chuyển đổi của ngành công nghiệp xe hơi
Thực tế, Vingroup không phải là tập đoàn thực hiện chuyển dịch siêu tốc vào lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ và ngành công nghiệp xe hơi đã tham gia sản xuất các trang thiết bị y tế để góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.
Tại Anh, nhiều tên tuổi lớn như Rolls-Royce, Jaguar, Ford đã hưởng ứng lời "hiệu triệu" của chính phủ nước này trong nỗ lực sản xuất máy thở. Đại học London (UCL) phối hợp cùng bộ phận sản xuất động cơ F1 của Mercedes-Benz phát triển máy thở CBAP.
Tại Mỹ, Ford và GM cùng sản xuất máy thở cho bộ phận y tế của General Electrics, còn Tesla chuyển dịch một nhà máy vốn được sử dụng để sản xuất pin điện mặt trời sang sản xuất máy thở của Medtronic.
Lợi thế của VinGroup
Theo thông báo chính thức của Vingroup, thiết kế của Medtronic cũng sẽ được Vingroup sử dụng để sản xuất máy thở Xâm nhập với giá thành khoảng 160 triệu đồng. Máy thở Không Xâm nhập từ hãng này sẽ dùng thiết kế mở của Đại học MIT, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Tuy chưa có kinh nghiệm sản xuất thiết bị y tế trước đây, Vingroup rõ ràng có lợi thế khi tham gia cung cấp thiết bị cho tuyến đầu chống Covid 19. Hiện tại, tập đoàn này sở hữu nhà máy quy mô, dây chuyền sản xuất, nhân công lành nghề và thậm chí là một chuỗi cung ứng do chính Vingroup làm chủ. Những lợi thế này đủ để cung cấp thành phẩm trong vòng 2 tuần đến 1 tháng: tốc độ chuyển dịch siêu nhanh này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn 3, khi dịch bệnh đã bắt đầu lây lan nhanh trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Vingroup chia sẻ như sau:
"Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất".
Sự dịch chuyển đúng đắn
Điều đáng nói là nếu không thực hiện cuộc "đại chuyển dịch" sang lĩnh vực công nghiệp vào năm 2017, Vingroup ngày hôm nay sẽ không thể trợ lực cho người dân và chính phủ Việt Nam theo cách ý nghĩa như hiện tại.
Trước khi thành lập VinFast, VinSmart và các công ty con chuyên về công nghệ, Vingroup thuần túy là một tập đoàn chuyên về bất động sản, dịch vụ và bán lẻ. Khi dịch bệnh bùng phát, thị trường bất động sản cũng đã chứng kiến nguồn cung và lượng giao dịch xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Ngành du lịch gần như tê liệt, các trung tâm mua sắm, các cửa hàng thực hiện đóng cửa chống dịch - ngay chính VinPearl và VinCom cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Rõ ràng, Vingroup của năm 2017 sẽ không thể cấp tốc tham gia tuyến đầu chống dịch như Vingroup của năm 2020.
Theo khẳng định của tập đoàn, toàn bộ thiết bị được cung cấp cho Bộ Y Tế Việt Nam sẽ được tính theo giá thành linh kiện, không bao gồm chi phí sản xuất, nhân công hay vận chuyển. Thậm chí, Vingroup cũng sẽ tặng cho Bộ Y Tế 5000 máy thở Không Xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.
Nhìn về tương lai, đây là cơ hội để Vingroup bước chân vào lĩnh vực y tế. "Với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 Máy thở Không Xâm nhập và 10.000 Máy thở Xâm nhập mỗi tháng, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên Thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu - số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác", ông Nguyễn Việt Quang, tổng giám đốc Vingroup cho biết.
Xét tới bối cảnh toàn thế giới đang thiếu thiết bị y tế một cách trầm trọng, công suất khổng lồ của các nhà máy VinFast và VinSmart có thể giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp thiết bị y tế toàn cầu nói riêng cũng như các ngành công nghiệp sản xuất khác nói chung. Khi dịch bệnh qua đi, Vingroup có quyền hy vọng về nhiều cơ hội hợp tác mới - những cơ hội vốn sẽ không thể nào xuất hiện nếu như tập đoàn này đang không nắm trong tay một dây chuyền sản xuất quy mô ngay từ ngày hôm nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập