Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào

    Tấn Minh,  

    Là một sự kiện công nghệ rất được chờ đón diễn ra mỗi năm, MWC 2020 đang đứng trước nguy cơ "vắng tanh như chùa bà Đanh".

    GSMA, hiệp hội công nghiệp di động đứng đằng sau Mobile World Congress (hay MWC 2020) đã khẳng định rằng sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện quan trọng vốn diễn ra đều đặn mỗi năm này. Họ rõ ràng đang cảm thấy lo sợ cho MWC 2020, vốn sẽ diễn ra vào ngày 24/2 tới đây, khi mà các công ty tham dự sự kiện đang đau đầu vì đại dịch virus Corona trên toàn thế giới. Liệu việc tụ họp đến hơn 100.000 người, ở thời điểm mà nhiều người lo ngại sự kiện có thể trở thành một ổ dịch mới, có thực sự quan trọng hay không?

    Nhiều công ty lớn đã đưa ra câu trả lời: Không. Và đi kèm với đó là quyết định rút lui khỏi MWC 2020. Và GSMA đã chính thức công bố sẽ hủy bỏ sự kiện này vào ngày hôm nay.

    Những ai đã rút lui khỏi MWC 2020 vì virus Corona? 

    Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào - Ảnh 1.

     Đầu tiên, hãy nói về những công ty đã quyết định không đến Tây Ban Nha tham dự MWC 2020 nữa. LG là cái tên lớn đầu tiên hủy bỏ kế hoạch đến MWC 2020 vì lo sợ virus Corona. Gần như đồng thời với LG là ZTE, vốn quyết định vẫn tham dự sự kiện nhưng sẽ không tổ chức bất kỳ buổi họp báo nào đã công bố trước đó. Tiếp theo là Ericsson - dù hãng này không sản xuất điện thoại, họ luôn là một tên tuổi lớn tại MWC và cũng có một gian hàng như bất kỳ hãng nào khác; và trong bối cảnh 5G là một trọng tâm lớn của MWC 2020, công bố của Ericsson quả thực là một bất ngờ lớn.

    Vào ngày 7/2, nhà tài trợ MWC là Nvidia cho biết sẽ không gửi bất kỳ nhân viên nào đến sự kiện năm nay. Lý do của công ty cũng như những hãng khác: "...xét những nguy cơ y tế cộng đồng liên quan virus Corona, đảm bảo sự an toàn cho các đồng nghiệp, đối tác, và khách hàng là mối quan tâm cao nhất của chúng tôi".

    Vào ngày 9/2, Amazon cũng rút lui với lý do tương tự. Ngày 10/2, Sony công bố sẽ không đến MWC, không lâu sau đó là TCL - cũng như ZTE, hãng này vẫn duy trì một gian hàng nhưng hủy bỏ mọi cuộc họp báo.

    Vào ngày 11/2, ba cái tên mới gia nhập danh sách rút khỏi MWC 2020 là Intel, Vivo, và NTT Docomo. Ngoài ra còn có AT&T, Nokia và HMD Global, Facebook, MediaTek, và Sprint.

    Không chỉ MWC phải đối mặt với thảm họa. Cuộc chạy đua Hong Kong Marathon diễn ra vào tháng 2 đã bị hủy bỏ; một số công ty hủy kế hoạch tham dự Singapore Airshow; Swatch hủy sự kiện Time to Move ở Zurich; và thậm chí nhiều sao K-Pop cũng hủy nhiều sự kiện tại châu Á vì virus Corona.

    >> Virus Covid-19 ảnh hưởng ra sao tới kinh tế?

    MWC 2020 có đang đặt mọi người vào vòng nguy hiểm?

    Tính đến ngày 10/2, đã có 910 người chết vì virus Corona, và có hơn 40.000 ca dương tính trên toàn thế giới. Các thành phố với hàng triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, bao gồm Vũ Hán - trung tâm của bệnh dịch - đều đã bị cách ly, và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã ban hành các lệnh cấm du lịch và tụ họp ở nơi công cộng. Các hãng hàng không hủy bỏ mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, các du thuyền bị cách ly trên toàn thế giới, số lượng người bị nhiễm ngoài Trung Quốc đang tăng lên, cộng với nhiều chi tiết liên quan con virus tai quái này vẫn đang được khám phá - quá đủ lý do để quan ngại.

    Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào - Ảnh 2.

    Tất cả những điều đó đã đặt các công ty tham dự MWC 2020 vào tình thế cực kỳ khó khăn. Ray le Maistre, tổng biên tập lightreading.com, đã viết về việc Ericsson rút lui với lý do đảm bảo sức khỏe và an toàn cho các nhân viên và khách ghé thăm như sau: "Nếu các công ty không chia sẻ quan điểm đó, họ sẽ mạo hiểm với hình ảnh của mình ra sao? Nếu một công ty nói 'Chúng tôi vẫn sẽ đến MWC', nhân viên công ty sẽ nghĩ gì?"

    Không may là, số lượng người chết và tỉ lệ lây nhiễm không phải là những con số duy nhất được cân nhắc khi đưa ra các quyết định liên quan MWC 2020. Những con số khác ở đây chính là những con số với ký tự dollar đứng đằng trước chúng!

    Tiền bạc là thứ đưa ra quyết định tại MWC 2020

    Giống như bất kỳ triển lãm nào, MWC là một "con bò sữa" khổng lồ. Đó không chỉ là dịp để các công ty cải thiện tỷ suất hoàn vốn thông qua marketing, hay cơ hội để các công ty ký kết những hợp đồng tiềm năng. Quan trọng là làm sao để có mặt tại đó và được xướng danh. Nhà phân tích di động Ben Wood nói rằng: "Đối với các công ty  lớn, rõ ràng họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để xây dựng các gian hàng, lo cho đội ngũ nhân viên, chi trả các chuyến bay, nơi lưu trú, và nhiều thứ khác, nhưng họ có thể vượt qua vấn đề tài chính dễ dàng hơn các doanh nghiệp nhỏ, bởi nguồn lực tài chính lớn của họ. Với các công ty nhỏ, tác động có thể đáng kể hơn nhiều, khi mà MWC thường là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của họ trong năm".

    >> Các doanh nghiệp ứng phó ra sao với virus cúm mới? Bấm ngay để xem!!!

    Cọc trước 50% là yêu cầu của GSMA để được tham dự MWC, và khoản tiền đó sẽ không được hoàn lại. Nếu có chính sách bảo hiểm tốt, các công ty có thể lấy lại tiền nếu đạt được điều kiện mang tên "bảo hiểm bệnh truyền nhiễm". Điều kiện này không phải lúc nào cũng có, và nó cũng không thường được đưa vào các chính sách tiêu chuẩn. Chính vì vậy các công ty luôn rơi vào một tình thế khó xử.

    MWC còn là một sự kiện đặc biệt giá trị với GSMA và thành phố Barcelona. Đây là một trong những sự kiện lớn của GSMA, với mức lợi nhuận nó mang lại cho GSMA vào khoảng 283 triệu USD mỗi năm. MWC 2020 càng bị ảnh hưởng bởi virus Corona, con số đó càng giảm đi. Theo ước tính, chỉ riêng gian hàng khổng lồ của Ericsson (nay "vườn không nhà trống") đã có giá đến 6,5 triệu USD. Bên cạnh đó, tiền còn xoay vần ngoài phạm vi sự kiện. MWC 2019 đã mang về cho nền kinh tế địa phương ước tính 517 triệu USD và tạo ra 14.000 công việc bán thời gian.

    Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào - Ảnh 3.

    Nơi diễn ra MWC 2020 tại Barcelona

    Thời điểm vàng để hủy bỏ đã qua

    May mắn cho những ai đã đặt cược vào MWC, bao gồm Barcelona và GSMA, đã quá trễ để nhiều tên tuổi lớn khác hủy bỏ kế hoạch tham dự. Một vị lãnh đạo (giấu tên) thường xuyên đảm nhiệm khâu tổ chức tại MWC cho biết chi phí liên quan, và khung thời gian để đưa ra quyết định trì hoãn đã không còn nữa.

    "Tôi nghĩ họ (các công ty tham dự) không còn lựa chọn nào trừ việc đến tham dự", và lý do chính là ở khâu hậu cần. Nhiều tuần trước sự kiện, các công ty có thể hủy bỏ và chỉ mất phí thuê không gian ở MWC, nhưng càng gần ngày diễn ra, mọi chuyện không còn đơn giản như vậy nữa.

    "Một chỗ nhỏ cũng có thể tốn đến nửa triệu đô" - một nguồn nói, nhấn mạnh thêm rằng đó chỉ là 1/3 tổng chi phí tham dự mà thôi.

    "Ngay cả khi bạn không lấy lại được đồng nào, bạn vẫn có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển sản phẩm, khách sạn, và máy bay". Với những công ty đã bắt đầu khâu vận chuyển, hủy bỏ không phải là một lựa chọn tốt về mặt tài chính. "Có lẽ họ nên đeo khẩu trang và đến dự cho xong thôi".

    Sẽ còn ai rời bỏ MWC 2020?

    Nếu các công ty lớn đã bước quá sâu vào khâu chuẩn bị cho MWC, cả về hậu cần lẫn tài chính, liệu điều đó có nghĩa sẽ chẳng còn ai rút lui từ nay cho đến ngày sự kiện bắt đầu? Một số quyết định sẽ không tham dự với nhiều lý do không liên quan đến virus Corona. Ví dụ, Asus nói rằng sẽ không dựng gian hàng tại MWC 2020, nhưng quyết định đó không trực tiếp liên quan đến các vấn đề sức khỏe và an toàn do virus. Các lãnh đạo của các công ty có thể đơn giản là quyết định không đến dự mà cũng chẳng cần gạch bỏ tên công ty khỏi danh sách MWC. Đó dường như giải pháp mà Samsung lựa chọn.

    Vậy còn các công ty Trung Quốc dự định đến MWC thì sao? Huawei dự kiến sẽ cách ly toàn bộ số nhân viên tham dự MWC trong 14 ngày trước sự kiện, và làm điều đó ở bên ngoài Trung Quốc, nhằm giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh. Và hãng này vẫn có thể rút lui vào phút chót. Chuyên gia PR và marketing Sean Upton-McLaughlin, chuyên hợp tác với các công ty Trung Quốc và hiện đang ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc, cho biết: "Tôi nghĩ nhiều quyết định có đến dự hay không của các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong tuần này là muộn nhất, nếu họ chưa có quyết định cuối cùng. Trong nội bộ các công ty công nghệ Trung Quốc thường có rất nhiều việc được thực hiện cùng nhau, mọi thứ thường rất gấp rút hoặc được thực hiện vào phút cuối cùng. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ vẫn muốn chờ xem có bao nhiêu người tham dự trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".

    Kỳ nghỉ tết Âm lịch kéo dài của Trung Quốc đã kết thúc vào ngày 9/2, có nghĩa là nhiều công ty đã trở lại công việc thường ngày, và các công bố mới liên quan MWC 2020 sẽ sớm được đưa ra trong vài ngày tới.

    Những lo ngại về virus Corona ở MWC 2020 có hợp lý không?

    Rất khó để trả lời. Một lượng lớn thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện nay về virus Corona thường đến từ các nguồn không đáng tin cậy, và nhiều người cho rằng những dữ liệu chính thức được công bố thì không hề chính xác. Những tin tức khác được đưa ra bởi các tờ báo lá cải, có thể được chính tờ báo đó tung ra, hoặc dẫn lại của một số người nào khác. Cộng thêm vấn đề tài chính liên quan MWC như đã nói ở trên, bạn sẽ có công thức hoàn hảo giải thích cho sự lo lắng.

    Thực tế thì sao? Các bác sỹ cho biết sự kiện này sẽ "không gặp nguy hiểm gì", rằng sẽ có các cửa kiểm tra y tế đặt tại các sân bay, virus đòi hỏi phải tiếp xúc rất gần mới lây lan, và rửa tay sẽ là phương thức phòng vệ hiệu quả nhất trước mọi thứ. Nghe khá là an lòng! Tuy nhiên, vào ngày 8/2, kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc Xinhua nói rằng "những con đường lây lan virus bao gồm truyền qua dịch tiết và các hạt bắn ra từ đường hô hấp". Tại cuộc họp báo công bố điều này, người ta đã khuyến cáo rằng các cuộc tụ họp công cộng nên bị hủy bỏ, và cửa sổ phải được mở thường xuyên để duy trì sự tuần hoàn không khí. Chúc bạn may mắn khi đi lại trong sảnh kín của MWC!

    >> Bạn cần trang bị những gì trong dịch cúm Covid-19?

    GSMA tiếp nhận điều này rất nghiêm túc. Vào ngày 9/2, CEO GSMA là John Hoffman gửi một email đến mọi công ty tham dự, nói rằng sự kiện sẽ tiếp tục như dự định, và liệt kê mọi giải pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm không cho phép bất kỳ ai từ tỉnh Hồ Bắc đến tham quan, và mọi khách Trung Quốc cần đưa ra bằng chứng họ đã ở ngoài Trung Quốc trong 14 ngày, cộng thêm việc giám sát nhiệt độ với mọi người, cùng các cơ sở chăm sóc y tế ngay tại nơi diễn ra sự kiện. Thị trưởng Barcelona nói rằng chúng ta nên nghe theo lời khuyên khoa học từ các chuyên gia, và rằng MWC 2020 "có thể diễn ra với sự tự tin".

    Còn WHO thì sao? Lời khuyên của họ rất đơn giản: đừng đến tỉnh Hồ Bắc, và chỉ đi đến những nơi còn lại của Trung Quốc nếu cần thiết. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo không nên đến Trung Quốc. Còn đến Tây Ban Nha? Văn phòng Nước ngoài và Thịnh vượng chung của Anh "không khuyến cáo không nên đến các quốc gia, lãnh thổ nào khác vì nguy cơ virus Corona".

    Trừ khi bạn đến Trung Quốc, nhìn chung bạn có thể an tâm về virus Corona. Nhưng điều đó thay đổi thế nào với một sự kiện như MWC?

    Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào - Ảnh 4.

    Một MWC 2020 ảm đạm?

    MWC, và mọi sự kiện lớn khác, đều khác biệt

    Đây là một sự kiện với hơn 100.000 người từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, cùng đứng trong một khu vực khép kín, trong gần 1 tuần liền. Bất kỳ ai từng đến MWC đều biết khả năng bị cảm lạnh hoặc cảm cúm ở đây cao đến thế nào. Chỉ cần một ca nghi vấn nhiễm virus Corona cũng sẽ gây ra tình trạng hoảng loạn tại MWC 2020, và mọi người trong khu vực triển lãm của sự kiện sẽ tràn ra ngoài với tốc độ điên cuồng mà không cánh cửa nào chịu nổi.

    Không ai muốn nhiễm virus Corona. Không công ty nào muốn chịu trách nhiệm khi một nhân viên bị nhiễm virus Corona. GSMA không muốn sự kiện của mình trở thành trung tâm của đại dịch virus Corona ở Tây Ban Nha, và các công dân Barcelona cũng vậy. Mọi thứ sẽ được thực hiện để đảm bảo MWC 2020 là một sự kiện an toàn. Vậy nên, tốt nhất hãy để nó được dừng lại.


    Virus Corona đã biến MWC 2020 thành một cơn ác mộng như thế nào - Ảnh 5.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ