Vlogger Vinh Vật Vờ chia sẻ về lý do không dùng Facebook, mong muốn có mạng xã hội mới quan tâm đến người làm nội dung hơn
Chắc hẳn bạn đã từng đặt câu hỏi, và nhiều khả năng là vẫn đang thắc mắc: Tại sao một tiếng nói có uy tín trong làng công nghệ như Vinh Vật Vờ lại không sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới?
Tôi có một nghịch lý dành cho bạn:
Không ai không biết tới Trần Xuân Vinh, YouTuber công nghệ hàng đầu Việt Nam, hay còn được biết tới với cái tên Vật Vờ. Nếu nói đây là YouTuber công nghệ số 1 Việt Nam thì cũng không ngoa. Nổi tiếng trên YouTube là vậy, nhưng có một sự thật bất ngờ đó là Vật Vờ không hề dùng Facebook (hoặc ít ra không chính thức dùng Facebook). Nhiều người cũng như tôi, đặt dấu hỏi cho nghịch lý lớn này: Tại sao một YouTuber công nghệ từ chối sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới? Tại sao cậu không tiếp tục sử dụng Facebook như một nền tảng mở rộng độ phủ? Facebook thiếu những gì mà một người sáng tạo nội dung (content creator) nổi tiếng như Vật Vờ không thể gắn bó cùng?
Với tư cách là một người bạn tốt, tôi đợi hẳn một năm trời sau khi Vinh biến mất khỏi Facebook để hỏi cậu tại sao. Sau khi để tôi đợi mỗi nửa tiếng ở quán cafe, để rồi đền bù bằng một bát phở tái có quẩy, Vinh đã sẵn sàng kể cho tôi nghe câu chuyện đằng sau quyết định của một năm về trước.
Buổi phỏng vấn, nói đơn giản là câu chuyện tán gẫu giữa hai người bạn, diễn ra trong một buổi sáng mát trời nhưng đượm nắng. Và lý do cậu không dùng Facebook chỉ đơn giản là vì: mất tài khoản Facebook và không thể lấy lại được.
Một người nổi tiếng tới mức có Nút vàng YouTube, lại là một chuyên gia công nghệ bị mất tài khoản Facebook mà không lấy lại được thì kể cũng lạ, thế nên tôi mới phải hỏi tại sao.
Câu chuyện mất tài khoản thì ai cũng rõ rồi, nhưng tại sao Vinh không quyết định lấy lại Facebook chính chủ?
Trong sự kiện gặp mặt content creator do Facebook tổ chức, đã đưa ra câu hỏi như vậy xuất hiện: “Làm thế nào để lấy lại tài khoản đã bị hack mất? Cứ trả tiền chuộc cho hacker như vậy không ổn”.
Facebook hồi đáp rằng hãy cứ làm theo những bước họ cung cấp. Nhưng rồi khi liên lạc với Facebook, mình chỉ nhận được những tin nhắn trả lời tự động, không hề có nhân sự Facebook trực tiếp hỗ trợ. Kể cả khi mình nhờ tới những bên thứ ba, có quan hệ với Facebook nhưng cũng không khả thi.
Trong khi còn hoạt động trên Facebook, Vinh còn gặp những vấn đề gì khác, ví dụ như việc “bóp” reach và giảm độ tương tác của mình không?
Dĩ nhiên là có rồi! Ngày xưa Facebook chỉ “bóp” fanpage, về sau thấy rõ việc họ gây ảnh hưởng tới Facebook cá nhân luôn. Có thể lấy ví dụ về các tài khoản bán hàng online và có tick xanh hẳn hoi, hàng chục ngàn follower nhưng bài đăng chỉ trăm like là điều bình thường.
Vậy đâu là giọt nước tràn ly khiến Vinh Vật Vờ biến mất hoàn toàn khỏi Facebook?
Đó là đợt tháng Tư năm 2018, khi Facebook vướng vào vụ scandal bán thông tin người dùng cho Cambridge Analytica. Cũng thời điểm đó Facebook của mình cũng “bay màu” luôn.
Đó là lần mất tài khoản Facebook thứ mấy rồi?
Đó là lần thứ hai.
Lần trước mất tài khoản là do một “cửa hậu” để hacker có thể lợi dụng và chiếm quyền kiểm soát. Thông qua những ứng dụng yêu cầu quyền truy cập Facebook như “Bạn bao nhiêu tuổi”, “Bạn cầm tinh con gì” mà nhiều tài khoản đã hớ hênh trước con mắt nhòm ngó của hacker. Mình cũng chỉ là một trong nhiều nạn nhân.
Lúc mất lần đầu, mình vẫn có thể lấy lại được. Lần mất tài khoản thứ hai mới đáng nói cơ! Rõ ràng đây là tài khoản của mình, mà lại bị tố cáo là mạo danh một Trần Xuân Vinh khác. Ấy thế mà khi Trần Xuân Vinh thật liên lạc với Facebook để lấy lại tài khoản, họ chẳng giúp đỡ được gì.
Cảm giác y như Ngộ Không thật đã bị đập chết, Ngộ Không hiện tại là do các thế lực yêu quái cài vào.
Với tư cách một người làm content “chân chính” đứng từ ngoài nhìn vào, Vinh thấy môi trường sản xuất nội dung trên Facebook đã thay đổi như thế nào? Trong suốt thời gian còn làm Facebook lẫn một năm trời vừa qua?
Mình cảm thấy Facebook không phải là nơi để làm nội dung, vì đây là mạng xã hội, để người ta đăng đủ thứ trên đời, thượng vàng hạ cám có đủ cả. Ngày xưa, YouTube mới là thiên đường cho các nội dung sáng tạo như các Vlog của Toàn Shinoda hay JVEvermind, phim ngắn của HeAlwaysSmile, đó đã thực sự là nơi để người dùng tìm được những content chất lượng.
Góp mặt tại sự kiện content creator, người làm nội dung nào cũng bị đánh đồng thành “vlogger”, thậm chí cả những thành phần “xã hội đen” cũng đã trở thành các người làm nội dung nổi tiếng. Khi mọi thứ đã lẫn lộn như vậy, những người làm content chân chính còn lại sẽ bị nhìn nhận với một con mắt sai lệch.
Mình cảm thấy không được trân trọng nữa. Đáng lẽ ra cộng đồng làm nội dung đã rất khác, nhưng nhờ “ơn” những cá nhân xấu mà tập thể đã bị đánh đồng.
Nhưng có buổi gặp hôm nay là do liên lạc với Vinh qua Facebook đấy chứ nhỉ. Tại sao Vinh tiếp tục sống “ẩn dật” trên Facebook với một tài khoản “giả mạo”?
Mình lập tài khoản ảo để xem Chim Sẻ Đi Nắng đánh Đế Chế, ngoài ra chẳng có lý do gì khác cả.
Tức là Facebook vẫn có nội dung đủ hay để lôi kéo mình lại?
Đúng, một trong số ít những điểm sáng giữa những dòng content hổ lốn và vô số những bài đăng độc hại.
Khi không còn tiếp xúc với những nội dung độc hại trên Facebook, mình cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Liệu Vinh Vật Vờ có chính thức trở lại Facebook?
Mình cũng đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người, đa số họ ngạc nhiên cũng như đưa lời khuyên rằng mình nên trở lại Facebook. Mình có thể sử dụng nó như một tiếng nói chính thống từ Vinh Vật Vờ, qua đó có thể đính chính lại những tin đồn và làm rõ những khúc mắc từ phía người theo dõi.
Lý do tốt đấy chứ, nhưng tại sao Vinh lại không làm thế?
Mình nghĩ rằng bản thân đã tiếp nhận vào quá nhiều thông tin độc hại, những nội dung không hay thông qua Facebook, đơn cử như những nội dung như hình ảnh máu me ghê rợn, tin sai sự thật. Thậm chí cả những nội dung được nhiều người quan tâm như drama giữa những nhân vật nổi tiếng chẳng hạn. Mình cho rằng nó ảnh hưởng nhiều tới thế giới quan của mình, cách mình nhìn nhận cuộc sống.
Việc mình xuất hiện trên Facebook, với tư cách là một người nổi tiếng trong cộng đồng cũng lôi kéo nhiều ánh mắt GATO (ghen ăn tức ở), khiến mình rơi vào tầm ngắm của những đối tượng xấu. Đây cũng lại là lý do khiến mình mất Facebook, rồi dẫn tới việc mất cả niềm tin vào Facebook.
Còn một nỗi lo khác, đó là vấn đề bản quyền trên Facebook. Có thể toàn bộ fanpage sẽ “bay màu” chỉ sau một đêm vì Facebook nhận thấy mình đã đăng tải một nội dung vi phạm bản quyền. Từng có người gặp trường hợp bị chặn bản quyền do đăng chính nội dung mà mình tạo ra.
Việc làm nội dung trên nền tảng Facebook thực sự phiền hà và nhiêu khê. Mãi về sau, Facebook mới bắt chước được YouTube, có được khả năng chặn nội dung vi phạm bản quyền ngay lúc nội dung được tải lên.
Sau một thời gian không dùng Facebook, Vinh cảm thấy sao?
Nhiều người khuyên quay lại Facebook, vừa có sự hiện diện của mình trên mạng xã hội lại vừa có thêm nguồn thu nhập. Tuy thế, sau một thời gian bỏ Facebook, tính tới giờ đã gần tròn 1 năm, mình chẳng thấy có ảnh hưởng gì tới cuộc sống. Thậm chí chẳng ảnh hưởng gì tới cả công việc của mình.
Bây giờ Vinh chuyển sang dùng Instagram là chính nhỉ?
Mình vẫn còn fanpage trên Facebook, nhưng công việc đó dành cho những người có khả năng quản lý. Mình quay sang dùng Instagram để có được không gian riêng tư hơn. Trên đó, mình chỉ theo dõi những nội dung mình yêu thích, không còn bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh xấu mà một mạng xã hội hổ lốn đem lại.
"Đào tẩu" sang Instagram mà mình vẫn bị report tới tấp đấy chứ! Nỗi nơm nớp lo sợ mất tài khoản vẫn xuất hiện trước mỗi lần chợp mắt.
Nếu bây giờ xuất hiện một mạng xã hội tập trung vào nội dung, Vinh sẽ mong chờ điều gì?
Đầu tiên và cũng là hiển nhiên nhất, mạng xã hội đó phải có người dùng. Vì nếu không có khán giả, mình làm nội dung cũng không ai xem.
Dẫn tới điều thứ hai, trong số người dùng phải có những người tiếp cận với những nội dung mình sản xuất ra. Nếu những sản phẩm mình làm ra không để cho ai xem, công sức bỏ vào sản phẩm sẽ vô ích. Đó cũng là lý do tại sao mình không vui với việc “bóp” reach của Facebook hay của cả YouTube nữa, đôi khi cảm thấy như làm phim mà chẳng có ai ra rạp thưởng thức cả.
Thứ ba, mình cần một hệ thống công cụ đăng nội dung tốt, thế mới có được nội dung hay chứ! Khi cơ sở hạ tầng có giới hạn, độ hay của nội dung sẽ giảm theo. Một điều nữa là tốc độ tải của những nội dung như vậy, trải nghiệm người dùng sẽ giảm khi mất quá nhiều thời gian để load xong một nội dung đơn giản. Bên cạnh đó, việc chia sẻ nội dung cho bạn bè cũng phải đơn giản, dễ dàng, trực quan.
Điều cuối cùng, mình muốn nói tới khả năng hỗ trợ các content creator như mình đây. Mình tha thiết muốn một đội ngũ hỗ trợ khách hàng là người thật, chứ không phải một hệ thống bot trả lời tự động, gửi đi những tin nhắn vô ích mà chỉ thấy gây ức chế.
Chúng tôi kết thúc buổi "thẩm vấn" trong tiếng cười. Tôi đã có được câu trả lời thỏa đáng, còn Vinh thoải mái nói về những khúc mắc với Facebook xưa kia cũng như những vấn đề nhức nhối vô cùng mà mạng xã hội đang khặp phải. Chúng tôi chia tay, không quên hẹn nhau sẽ gặp lại vào một "hôm nào" đấy.
Cảm ơn Vinh vì bát phở và buổi trò chuyện đầy ý nghĩa! Khi bài viết này được chia sẻ trên Facebook, mình sẽ mời cậu một bữa sáng kèm cả trà đá, cà phê.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời