Điều đáng sợ dịp Halloween: Apple muốn bán cho bạn 1 chiếc laptop gaming
Với chip M3, Apple chính thức tuyên bố MacBook là laptop gaming.
Trước đây, khi nói đến chơi game trên máy tính, thì nền tảng duy nhất mà bạn có thể nghĩ đến chính là Windows. Dù Mac cũng là một thiết bị rất mạnh mẽ và phổ biến, nhưng lại "mất hút" trong ngành game. Tuy nhiên, sau những gì diễn ra trong sự kiện Scary Fast của Apple, điều này có vẻ không còn đúng nữa.
Trên thực tế trước đó tại sự kiện WWDC 23, Apple cũng đã nhen nhóm tham vọng muốn biến Mac thành những cỗ máy chơi game. macOS Sonoma có thêm chế độ Game Mode, giúp tối ưu hóa máy Mac để chơi game, giảm các quy trình xử lý không cần thiết để đảm bảo bạn có thể chơi game ở trạng thái tốt nhất. Công ty cũng cải tiến độ trễ khi kết nối AirPods Pro và tay cầm bên thứ ba (Sony PlayStation, Microsoft Xbox), cũng như phát hành Toolkit giúp các nhà phát triển dễ chuyển game của họ sang nền tảng của Apple.
Ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhà làm game huyền thoại Hideo Kojima, thông báo rằng Death Stranding Director Cut sẽ đến với máy Mac vào cuối năm nay, bên cạnh nhiều tựa game bom tấn đến từ các hãng khác.
Nhưng những thế hệ chip M trước đó được giới thiệu là có thể chơi game, hóa ra chỉ mới là bước đệm. Chip M3 series ra mắt tại sự kiện Scary Fast này mới là phát súng tiếp theo tung ra trong đêm Halloween.
Apple Silicon M3 - bộ xử lý sẽ thay đổi cuộc chơi
Bộ xử lý M3 của Apple cung cấp sức mạnh cho MacBook Pro mới và iMac 24 inch. Về cơ bản, với tiến trình 3nm và GPU siêu mạnh mới, chúng có đủ sức mạnh để chơi những trò chơi đòi hỏi khắt khe nhất.
So với chip Apple Silicon M1, các nhân CPU hiệu năng cao của dòng chip M3 có tốc độ cao hơn 30%, trong khi các nhân tiết kiệm năng lượng có tốc độ cao hơn 50%. Đồng thời bộ xử lý AI Neural Engine cũng có tốc độ cao hơn 60%. Trong khi chip M3 được trang bị 4 nhân hiệu năng cao, 4 nhân tiết kiệm năng lượng, còn M3 Pro là 6 nhân hiệu năng cao và 6 nhân tiết kiệm năng lượng. Còn với 16 nhân trong chip M3 Max, 12 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm năng lượng.
Tiến trình 3nm đã giúp dòng chip M3 gia tăng đáng kể số lượng bóng bán dẫn cho mình. Cụ thể chip M3 có 25 tỷ bóng bán dẫn, nhiều hơn 5 tỷ so với chip M2. Bên cạnh đó, bộ xử lý này còn sở hữu 10 nhân GPU với hiệu năng nhanh hơn 65% so với chip M1. Trong khi đó, chip M3 Pro có đến 37 tỷ bóng bán dẫn và 18 nhân GPU, còn chip M3 Max có bước tiến lớn nhất đến 92 tỷ bóng bán dẫn và 40 nhân GPU.
Một khía cạnh quan trọng của M3 là kiến trúc GPU mới. Apple đã đề cập rất nhiều đến GPU của M3 trong buổi thuyết trình, thông báo kiến trúc mới hỗ trợ phần cứng ray tracing, mesh shader và bộ nhớ đệm linh hoạt Dynamic Cache. Tất cả những thay đổi này nằm trong kế hoạch lớn của Apple để gia nhập thị trường game.
Ray tracing không mới trong thị trường game, nhưng M3 đánh dấu lần đầu tiên ray tracing được hỗ trợ phần cứng trên chip Apple. Nvidia đã giới thiệu tính năng ray tracing thời gian thực vào năm 2018, kể từ đó nó đã trở thành một tính năng chính trong các game AAA. Thật khó để tìm thấy game bom tấn nào trong vài năm qua không hỗ trợ ray tracing ở một mức độ nào đó. Và một số trò chơi, chẳng hạn như Cyberpunk 2077, hỗ trợ một cách toàn diện.
Tính năng mesh shader còn tương đối mới trong lĩnh vực game. Tính năng này đã xuất hiện được vài năm, được kích hoạt thông qua DirectX 12 và phần cứng GPU chuyên dụng trên PC. Trò chơi đầu tiên yêu cầu mesh shading là Alan Wake 2, vừa được phát hành. Việc Apple hỗ trợ mesh shading trên M3 là hướng tới tương lai, thiết lập nền tảng để tương thích những game phát hành trong tương lai.
Cuối cùng là Dynamic Caching, theo thông cáo báo chí của Apple, đây là lần đầu tiên công nghệ này xuất hiện trong ngành. Do đó, Dynamic Caching vẫn còn là một ẩn số, nhưng nó có vẻ là một cách thông minh phân bổ sức mạnh của GPU. Hầu hết các card đồ họa có thể xử lý song song nhiều tác vụ, nhưng những tác vụ đó không phải lúc nào cũng tận dụng được toàn bộ tài nguyên GPU có sẵn. Tính năng này được cho là cải thiện hiệu suất bằng cách phân bổ linh hoạt tài nguyên nhằm tăng mức sử dụng trung bình của GPU.
Cụ thể theo Apple, tính năng này cho phép xác định chính xác lượng bộ nhớ cần thiết trên phần cứng cho mỗi tác vụ sử dụng GPU. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu năng của các ứng dụng đồ họa và game, cũng như hiệu quả năng lượng khi sử dụng GPU.
Dynamic Caching là một phần quan trọng để Apple biến Mac thành những cỗ máy chơi game mạnh mẽ, nhưng khả năng của nó có được như vậy hay không thì chỉ khi nào các MacBook M3 đến tay người dùng, chúng ta mới biết được. Tuy nhiên, sau sự kiện Scary Fast, Apple cũng đã mời giới truyền thông đến căn phòng trưng bày toàn những MacBook Pro đang chạy game, chứng tỏ họ rất tự tin về khả năng của chip M3.
Đáng tiếc là những chiếc máy này chỉ trang bị M3 Pro, chưa phải bản M3 Max cao cấp hơn. Theo trải nghiệm của những người tham gia, Baldur's Gate III chạy tốt ở cài đặt trung bình, một chiếc MacBook khác chạy mượt mà Lies of P, cũng ở cài đặt trung bình. Apple cũng giới thiệu một số bản demo và game như Myst. Trong khi đó, iMac M3 có thể chơi Stray ở cài đặt cao.
Cuộc tổng tiến công của Apple vào thị trường game sau nhiều năm chuẩn bị
M3 là kết quả của nền móng mà Apple đã đặt ra trong khoảng một năm nay. Với những trò chơi như Resident Evil 4 sắp ra mắt trên iPhone và sự xuất hiện của huyền thoại game Hideo Kojima tại WWDC vào đầu năm nay, không có gì ngạc nhiên khi Apple đang đẩy mạnh lĩnh vực chơi game. Nhưng quan trọng hơn cả, Apple đã và đang xây dựng nền tảng công nghệ cho phép các game chạy trên máy Mac.
Phần lớn trong số đó xoay quanh bộ công cụ Game Porting Toolkit. Được phát hành WWDC năm nay, nhưng bị lu mờ bởi các phần mềm phổ biến khác như iOS và macOS, công cụ phần mềm này về cơ bản tạo ra một môi trường mô phỏng Windows trên máy Mac. Đó là điều mà các bên thứ ba đã cố gắng giải quyết trong nhiều năm. Apple tuyên bố các nhà phát triển có thể xem trò chơi của họ sẽ chạy như thế nào trên Apple silicon chỉ trong vài phút, thay vì mất hàng tuần như trước đây.
Ngoài ra, Apple đã phát triển MetalFX, một công cụ upscale như Deep Learning Super Sampling (DLSS) của Nvidia và FidelityFX Super Resolution (FSR) của AMD rất cần thiết để chạy các trò chơi đòi phần cứng khắt khe. MetalFX đã có màn thể hiện ấn tượng ở Resident Evil Village. Đây chính là công nghệ cho phép Resident Evil 4 chạy trên iPhone.
MetalFX và Game Porting Toolkit hiện như "hổ mọc thêm cánh" với M3, mang đến thêm ray tracing, mesh shader và Dynamic Caching.
Apple đã có đầy đủ công cụ cần thiết, chỉ cần một chìa khóa nữa để khuynh đảo ngành game
Phần cứng và hệ sinh thái đã sẵn sàng, nếu các trò chơi AAA mới có thể xuất hiện trên nền tảng này với hiệu suất ổn định, thì Apple cuối cùng đã có thể đã đặt chân thị trường game đầy béo bở.
Tuy ngoài mặt ta chưa thấy nhiều cái tên lớn công bố hỗ trợ nền tảng của Apple, nhưng với khả năng của mình, Apple có lẽ đã và đang tìm những thỏa thuận với các nhà phát triển để đưa trò chơi lên nền tảng Mac hay thậm chí là iPhone. Để máy MacBook trở thành gaming laptop thực thụ, cần phải có tiêu chuẩn trong việc phát hành trò chơi.
Có vẻ như bánh răng đã bắt đầu chuyển động. Những tựa game như Lies of P và Baldur's Gate 3 được phát hành trên Mac trong năm nay cùng thời điểm với Windows và đó là hai game thuộc hàng AAA. Apple cần tận dụng điều này bằng cách làm việc với các nhà phát triển/phát hành để đảm bảo có phiên bản phát triển cho Mac đồng thời với Windows.
Hy vọng rằng điều đó đã sớm xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà thương hiệu Resident Evil lại xuất hiện nhiều như vậy trong những lần giới thiệu game của Apple, rất có thể Apple đang phát triển mối quan hệ với Capcom để phát hành game cho chip Apple silicon. Tương tự, những game chuyển nền tảng như Death Stranding có thể đặt nền móng cho các trò chơi bom tấn khác trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Giờ này năm ngoái còn "cháy hàng", vậy mà giờ màu Titan Tự nhiên đã bị người Việt hắt hủi trên iPhone 16 Pro Max
"Cả thèm, chóng chán" là những gì để nói về màu Titan tự nhiên.
Nếu ngồi xe mà thấy những dấu chấm trên màn hình iPhone, đừng lo lắng vì nó sẽ là “cứu tinh” cho ai mắc triệu chứng này