Với fan Huawei quốc tế, Android đã đánh mất chính mình khi không còn Google

    DG,  

    Android vốn là sản phẩm của Google, ấy vậy mà giờ đây lại không được phép truy cập vào hệ thống ứng dụng của công ty mẹ thì bỗng “đánh mất chính mình” cũng không có gì khó hiểu.

    Tháng 5/2019, Google đã tuyên bố rút giấy phép sử dụng Android của Huawei và chỉ cho phép nhà sản xuất Trung Quốc truy cập vào Android Open Source Project. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm, thiết bị của Huawei sẽ không thể sử dụng những dịch vụ và ứng dụng mà Google cung cấp nữa.

    Mới đây, Huawei đã chính thức ra mắt thế hệ flagship mới nhất của hãng, bao gồm P40, P40 Pro và P40 Pro ,  với rất nhiều cải tiến về cả thiết kế lẫn công nghệ (bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết này). Tuy nhiên, điều mà nhiều người dùng quốc tế quan tâm nhất là các ứng dụng của Google thì vẫn tiếp tục vắng mặt.

    Với fan Huawei quốc tế, Android đã đánh mất chính mình khi không còn Google - Ảnh 1.

    Các dịch vụ của Google tiếp tục vắng mặt trên thế hệ smartphone mới của Huawei.

    Sau gần 1 năm, người dùng Huawei tại Trung Quốc đã phần nào thích nghi với cuộc sống không Google, bởi họ còn rất nhiều sản phẩm quốc nội không hề kém cạnh khác. Tuy nhiên với người dùng quốc tế thì câu chuyện lại không đơn giản như vậy: Android đã không còn là Android mà họ biết khi không còn Google nữa.

    Mới đây, cây viết Sam Byford của chuyên trang The Verge đã tiến hành 1 thử nghiệm để xem khi không thể truy cập các ứng dụng, dịch vụ của Google, chiếc smartphone Huawei Mate 30 Pro có thể làm được những gì. Sam cho biết chúng ta không cần phải là một fan cứng cựa của Google hay Android để nhận ra tầm quan trọng của gã khổng lồ làng công nghệ này. Với người dùng quốc tế, hệ thống dịch vụ của Google đã trở nên quá phổ biến, quá quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của họ. Việc thiếu vắng Google khiến cho các smartphone của Huawei trở nên quá đắt đỏ mà không thực sự đáp ứng được hết những nhu cầu thậm chí là cơ bản nhất của người dùng.

    Kết luận là Sam đưa ra là cuộc sống của fan Huawei không hẳn là quá tệ khi thiếu Google, nhưng lại trở nên kì lạ và có phần sai sai. Dịch vụ di động của Google (GMS) đóng 1 vai trò quan trọng trong tất cả các thiết bị Android ngoài Trung Quốc. Thiếu GMS đồng nghĩa với việc người dùng Huawei sẽ không thể truy cập vào Gmail, Chrome, Play Store đã đành. Nhưng tệ hơn nữa là ngay cả những ứng dụng có liên quan khác dù không phải do Google sản xuất cũng không thể hoạt động.

    GMS và các dịch vụ Google Play đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong cách mà các smartphone Android hoạt động. Chúng chính là nền tảng giúp các web engine có thể dễ dàng nâng cấp, giúp cho hệ điều hành tự động cập nhật bảo mật (thông qua dự án Mainline). Ngoài ra, GMS và Google Play cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thiết bị người dùng khỏi các phần mềm mã độc. Ngay cả những ứng dụng mà bạn cài từ bên ngoài, không thông qua Google Play cũng được quét kĩ càng.

    Với fan Huawei quốc tế, Android đã đánh mất chính mình khi không còn Google - Ảnh 2.

    Android phone sẽ không còn là chính mình khi không có Google.

    Với người dùng phổ thông là thế, với các nhà lập trình, GMS và Google Play cũng cung cấp rất nhiều dịch vụ hữu ích - 1 vai trò quan trọng mà ít khi chúng ta để ý đến. Các dịch vụ của Google có thể cung cấp thông báo đẩy, vị trí người dùng, hỗ trợ quảng cáo và nhiều tính năng khác. Mặc dù Huawei đã nỗ lực tự xây dựng 1 hệ sinh thái ứng dụng riêng để đối phó với cuộc sống không Google, nhưng họ vẫn còn rất nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề phải giải quyết. Ví dụ đơn giản nhất mà Sam đưa ra là Mate 30 Pro thậm chí còn không có 1 ứng dụng bản đồ trực tuyến nào ra hồn.

    Huawei có thể coi Android là mã nguồn mở và tùy ý khai thác để tự xây dựng hệ điều hành cho riêng mình. Nhưng Android phone mà không có Google, đặc biệt là với người dùng ngoài Trung Quốc, thì thực sự không còn là Android phone nữa.

    Như Sam đã khẳng định, vấn đề này thực chất không phải quá kinh khủng khiếp như chúng ta tưởng, chỉ là nó quá lạ lẫm và người dùng chưa thể (hoặc không bao giờ có thể) thích nghi được mà thôi. Android vốn là sản phẩm của Google, ấy vậy mà giờ đây lại không được phép truy cập vào hệ thống ứng dụng của công ty mẹ thì bỗng “đánh mất chính mình” cũng không có gì khó hiểu. 

    Hãy thử nghĩ mà xem, nếu iOS và Windows cũng lâm vào tình cảnh tương tự, không được Apple và Microsoft hỗ trợ, chúng cũng sẽ trở nên kì lạ như Android của Huawei bây giờ. Chúng vẫn sẽ hoạt động, thậm chí là hoạt động tốt, nhưng không còn giống cái cách mà người dùng đã quen sử dụng trong nhiều năm qua nữa.

    Theo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ