Với Galaxy M20, Samsung đã tìm ra "gót chân Achilles" của Xiaomi
Cuối cùng thì Samsung cũng đã có câu trả lời trực tiếp dành cho chiến lược mà Xiaomi đã theo đuổi bấy lâu nay để giành giật lấy thị phần smartphone.
Trong suốt 3 năm qua, cứ đến mỗi kỳ báo cáo tài chính thì mảng di động của Samsung gần như luôn lặp đi lặp lại một câu chuyện: vẫn đứng đầu thế giới, nhưng thị phần thì liên tục sụt giảm trước các đối thủ Trung Quốc. Hiện tượng này không có gì khó hiểu, bởi thay vì phá giá cấu hình Samsung đã luôn chọn cách tập trung vào những yếu tố khác của trải nghiệm người dùng như màn hình, camera, thiết kế v...v... Dẫu rằng chiến lược của gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn có điểm hấp dẫn của riêng mình, rõ ràng là Samsung sẽ không thể chiến thắng trên những thị trường đặt nặng cấu hình và giá bán lên trên trải nghiệm.
Thế rồi, những ngày đầu năm 2019, một hiện tượng bất ngờ xảy ra: một sản phẩm Samsung ra mắt và cháy hàng tại Ấn Độ. Một thị trường vốn từng hạ bệ Samsung để đưa Xiaomi lên vị trí số 1, một thị trường vốn có phần đông là người mua hạn hẹp kinh phí và ám ảnh với cấu hình, nay đã trở lại phát cuồng vì Samsung.
Chiến lược của Xiaomi
Galaxy M20 đã tạo thành một cú sốc tại Ấn Độ, thị trường vốn đã luôn ưu ái Xiaomi trong thời gian gần đây.
Lý do cho chiếc Galaxy M20 cháy hàng tại Ấn Độ không có gì khó hiểu: Samsung giờ mới thực sự tuyên chiến cùng Xiaomi. Mẫu Galaxy rất "hot" này ra mắt cùng chip Exynos 7904 và mức giá chỉ khoảng 11.000 rupee, không chỉ ngang ngửa sức mạnh với Mi A2 mà còn rẻ hơn hẳn. Chưa cần tính đến những đặc điểm hấp dẫn như màn hình giọt nước và camera kép 13MP phía sau, rõ ràng là Samsung đã dám thực sự tạo ra một sản phẩm "phá giá cấu hình", điều mà bạn không thể dùng để nói về bất cứ dòng Galaxy J hay Galaxy A nào trước đây.
Nhắc đến "phá giá cấu hình" là nhắc đến Xiaomi. Không giống như bất kỳ đối thủ nào khác trong top 5 thế giới – vốn dùng tiềm lực từ các mảng khác để xây dựng vị thế smartphone, Xiaomi đặt tên mình lên bản đồ thế giới chỉ bằng một chiến lược duy nhất: bán điện thoại ở mức giá rẻ hơn hẳn so với các sản phẩm cạnh tranh có cùng cấu hình. Rất nhanh chóng, Xiaomi đã góp phần "đẩy" Samsung ra khỏi quê nhà Trung Quốc và đến năm ngoái thì đoạt luôn vị trí số 1 tại Ấn Độ, thị trường hiện đang được coi là điểm nóng giúp các hãng smartphone tiếp tục tăng trưởng.
Nhưng những thành tích đáng nể ấy đã không thể giúp được Xiaomi xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc. Như Galaxy M20 đã chứng minh, smartphone Xiaomi sẽ không còn sức hấp dẫn nếu như một ông lớn nào đó sẵn sàng tung ra một chiếc điện thoại "phá giá cấu hình".
Samsung vốn chưa từng có câu trả lời trực tiếp dành cho những chiếc Xiaomi giá rẻ. Galaxy M20 đã thay đổi điều đó.
Sẽ chỉ tồi tệ hơn
Ngay đến cả các blogger/YouTuber Ấn Độ, vốn từng hết sức quảng bá cho Xiaomi, nay cũng đã lên tiếng ủng hộ Galaxy M20. Sau thành công bước đầu của mẫu này, Samsung đã bộc lộ rõ tham vọng tiếp tục đánh mạnh vào phân khúc giá rẻ với sản phẩm tiếp theo là M10 và M30.
Các mẫu Galaxy M mà đi đầu là M20 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Samsung: khi doanh thu silicon đã suy giảm nặng nề, Samsung không còn lý do gì để nương tay với các đối thủ/đối tác Trung Quốc nữa cả. Không trông chờ lợi nhuận đến từ RAM, flash hay cảm biến CMOS bán cho Xiaomi, Huawei và OPPO, Samsung sẽ trở lại, quyết tâm đánh đến cùng trong cuộc chiến di động.
Xiaomi sẽ phải đối mặt với thử thách ấy một cách đầy gian khó. Dù doanh số smartphone vẫn cán mốc 100 triệu trong năm 2018, trong 2 quý đầu năm Xiaomi đều lỗ trên dưới 1 tỷ USD và trong quý 3 chỉ lãi vỏn vẹn 365 triệu USD. Các nhà đầu tư khi đến hạn phần lớn đều bán tháo cổ phiếu, cho thấy họ không tin chiến lược phá giá cấu hình rồi "vẽ" ra tương lai bằng Internet.
Không còn lợi thế về giá bán/cấu hình, Xiaomi lấy gì ra cạnh tranh với Samsung?
Đáng sợ hơn, lượng smartphone phân phối tại Trung Quốc của Xiaomi trong những tháng cuối năm còn suy giảm tới 35% (số liệu IDC). Điều này cho thấy khi thị trường Trung Quốc bão hòa và giá trung bình tăng thì phép màu phá giá cấu hình cũng hết nhiệm màu: khi người dùng đã dư dả hơn, khi đã đặt nặng trải nghiệm và tâm lý "ăn chắc mặc bền" lên trên cấu hình, Xiaomi sẽ chẳng còn điểm hấp dẫn gì cả. Thiết kế của hãng này vẫn cứ ăn theo Apple, phần mềm vẫn cứ "nhái iOS", tính năng cũng chẳng có lấy nổi một nét riêng đi đầu thị trường: qua bao nhiêu năm, sức hấp dẫn duy nhất của Xiaomi vẫn chỉ xoay quanh cấu hình và giá.
Samsung hiểu rõ điểm yếu đó. Ẩn mình chờ đợi đến khi thị trường bão hòa, Samsung nay mới tung ra những chiếc điện thoại "phá giá cấu hình" đầu tiên, xóa bỏ toàn bộ những lợi thế đã từng giúp smartphone Xiaomi thu hút người dùng. Và, trong khi Xiaomi đang mất dần các nhà đầu tư, khi lợi nhuận vẫn là bài toán vật lộn, Samsung vẫn còn có hàng chục tỷ USD dự trữ tiền mặt, vẫn còn rất nhiều mảng kinh doanh khác để dựa dẫm. Cuộc đấu smartphone sẽ đổi chiều, và xem ra, mọi chuyện sẽ sớm trở nên cực kỳ tồi tệ cho "Apple của Trung Quốc".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"