Với những gì Samsung đã làm, tôi tin rằng họ sẽ đứng dậy được sau thất bại, bạn thì sao?
Ra mắt và được tán thưởng rồi chìm dần vào thảm họa không có lối thoát, Galaxy Note7 có lẽ sẽ được ghi nhớ là chiếc smartphone bi kịch nhất của Samsung.
Theo nhiều nguồn tin trên toàn cầu, Samsung đã chính thức ngưng sản xuất model Galaxy Note7. Trước đó, trong một thông báo chính thức gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đã chính thức yêu cầu các đối tác ngừng bán và khuyến cáo người tiêu dùng mang đổi trả sản phẩm đã mua.
Trong suốt hai tháng vừa qua, thảm họa Note7 đã diễn ra theo một cách không-thể-đau-đớn hơn với Samsung. Sự ra mắt của thế hệ Note mới nhất được báo giới hết lời ca tụng, nhưng khi các bài review vẫn còn chưa kịp "nguội" thì những bức ảnh Note7 phát nổ xuất hiện ngày một dày đặc trên mặt báo. Tuy không phải trường hợp nào cũng là đúng sự thật, số lượng máy gặp sự cố vẫn đủ nhiều để buộc Samsung phải tiến hành một đợt thu hồi quy mô chưa từng có trong lịch sử smartphone.
Với những người thực sự yêu quý Samsung, đợt thu hồi khổng lồ này có thể coi là một niềm đau rất khó tả. Cách đây một tháng, một người bạn của tôi khi hỏi "Mua điện thoại gì" cũng không quên nói thêm "Tao muốn mua Note7 quá mà sợ nó nổ". Tôi nói "Đợi đi mày, sắp có hàng chuẩn rồi".
Thế rồi niềm hy vọng ấy bị dập tắt. Ngay đến cả đợt hàng "an toàn" của Note7 cũng vẫn phát nổ. Giờ đây, những người yêu thích trải nghiệm stylus tiên phong của Samsung sẽ phải chờ đợi Note8.
Bởi đến cả chiếc S7 edge tuyệt đẹp cũng vẫn là không đủ để thỏa cơn khát Samsung. Như em trai tôi chẳng hạn, ngay từ khi mới "yêu" smartphone đã quyết định tích cóp để được mua mới phablet Samsung hai năm một lần., từ Note 1, Note 3 cho đến Note 5. Ấy vậy mà khi em tôi được cầm chiếc Note7 trên tay, suy nghĩ tích cóp một lần nữa để mua chiếc Note thế hệ thứ 6 vẫn xuất hiện.
Tôi (iFan) can ngăn rằng "Nhưng Note5 là đời 'lột xác' còn gì", em tôi trả lời một câu làm tôi cứng họng: "Thằng H. nó nói lâu lắm rồi mới cầm được cái Android mà một tuần không chán". Thằng H., cũng như tôi, là một iFan chính hiệu.
"May mắn" là em tôi chưa đủ tiền thì Note7 đã... nổ.
Với em tôi và cả tôi nữa, đó là một sự may mắn rất trớ trêu. Là một iFan lúc nào cũng có một chiếc iPhone bên mình, tôi vẫn có cảm tình rất đặc biệt với Samsung vì chúng có bàn tay tham gia của người Việt Nam. Bạn bè học cùng trường với tôi cũng có người được Samsung tuyển dụng làm kỹ sư phần mềm. Nếu thực sự dư dả tài chính và buộc phải mua smartphone Android, chắc chắn tôi sẽ lựa chọn Samsung đầu tiên.
Góc độ tình cảm cá nhân là vậy, còn từ góc độ "yêu công nghệ" thuần túy, tôi dám khẳng định với bạn rằng Samsung trong hai năm qua đã khai phá thành công một phong cách thiết kế hoàn toàn mới: màn hình vát cong hai cạnh. Đây là lần đầu tiên kể từ chiếc Galaxy Note N7000 một hãng sản xuất smartphone có thể tạo ra thay đổi cốt lõi tới thiết kế màn hình mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng. Đây cũng là lần đầu tiên một hãng smartphone có thể tạo ra một cải tiến không mấy ai nghĩ đến (tức là không phải chạy đua những thứ "muôn thủa" như cấu hình, camera...) đủ khiến cho người hâm mộ ngỡ ngàng. Và đây không phải là một thứ thay đổi vô nghĩa như 4K.
Hãy nhìn ra xung quanh và bạn sẽ thấy những chiếc Galaxy S edge đang ngày một lấn át những chiếc Galaxy S "thường" về mức độ phổ biến. Tôi nghĩ đó cũng là một điều dễ hiểu: với nhiều người, smartphone đầu bảng Samsung là smartphone số 1 của Android. Trong nội bộ gia đình Samsung, những chiếc smartphone vát cạnh đã trở thành trải nghiệm "sành" nhất, đáng mơ ước nhất.
Tình cảm ấy chỉ làm cho cái chết của Note7 thêm phần đau đớn. Năm thứ hai của thiết kế vát cạnh là năm thành công rực rỡ nhất của Samsung khi doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng, mảng di động liên tiếp hồi phục mạnh mẽ sau những thế hệ S4, Note 3, S5 và Note 4 khá nhàm chán.
Thành công của Note7 lẽ ra đã là thời khắc huy hoàng nhất trong hành trình trở lại của gã khổng lồ Hàn Quốc. Báo giới công nghệ toàn cầu thực sự "yêu" Note7, đến mức ngay cả The Verge vốn rõ ràng là ưu ái Apple cũng buộc phải thốt lên "Samsung đã bỏ xa Apple về mặt thiết kế". Và Note7 lẽ ra sẽ là giấc mơ được hiện thực hóa của người hâm mộ Samsung, khi lần đầu tiên màn hình vát (nhẹ) được kết hợp với các tính năng bút stylus thú vị.
Con đường của năm 2016 cũng đã quá thuận lợi với Samsung. Apple trong năm nay ra mắt một chiếc "iPhone 7" không đủ khác biệt với iPhone 6s, thậm chí lại còn bỏ jack tai nghe. Google lần đầu tiên mạnh tay tấn công vào thị trường phần cứng lại tạo ra một chiếc smartphone mà nhiều người phải thốt lên là "nhái" thiết kế của iPhone 6 (nói chính xác thì Pixel giống một sản phẩm chung nhà sản xuất là HTC One A9, và có lẽ bất cứ ai đầu óc tỉnh táo có lẽ đều không phủ nhận One A9 nhái iPhone 6 quá trắng trợn).
Năm 2016 lẽ ra đã là năm của smartphone Samsung. Nhưng chiếc Galaxy tuyệt vời nhất lại chết một cách không thể tồi tệ hơn. Khi đợt hàng thứ hai cũng phát nổ, khi Samsung không thể chỉ thay thế pin mà buộc phải ngừng sản xuất Note7, ai cũng hiểu rằng mẫu phablet này đã gặp phải một vấn đề không có hướng giải quyết. Đó có thể không chỉ là những viên pin mà còn liên quan tới bố cục linh kiện bên trong, vị trí của chip, cách hoạt động của bo mạch chủ... Tôi không phải là kỹ sư phần cứng nên tất cả sẽ chỉ là "võ đoán", nhưng bất kể nguyên nhân là gì thì số phận của Note7 cũng đã khép lại.
Dù sao, từ sự cố này tôi vẫn nhìn thấy tinh thần trách nhiệm cao đến mức đáng ngạc nhiên của gã khổng lồ Hàn Quốc. Và tôi vẫn tin gã khổng lồ ấy sẽ đứng dậy để hồi phục thanh danh cho dòng Note. Bởi, hơn 10 năm trước, tôi biết đến khái niệm "điện thoại di động Samsung" đầu tiên qua các model vỏ sò xấu xí, rẻ tiền và lúc nào cũng bị coi là kém cỏi hơn Nokia. Thời điểm ấy, chẳng có ai nghĩ Nokia sẽ chết (và cũng chẳng có ai nghĩ Samsung sẽ vượt mặt được Sony). Để từ vỏ sò kém cỏi vươn lên đến vị thế như ngày nay, Samsung đã phải đi từ kỳ tích này đến kỳ tích khác: tạo ra model Android đầu tiên có thể cạnh tranh được với iPhone, khai phá thị trường smartphone màn hình lớn, "hồi sinh" bút stylus, vươn mình trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới về thị phần và mới đây là khai sinh ra thiết kế màn hình vát tuyệt đẹp.
Một đợt thu hồi 2,5 triệu máy có thể đánh gục bất cứ một nhà sản xuất nào khác. Với Samsung, đó sẽ chỉ là một "kỳ tích" khác mà thôi. Hiển nhiên là "kỳ tích" này không đáng tự hào cho lắm, nhưng tôi vẫn tin rằng Samsung đã học được bài học để đền đáp cho người hâm mộ bằng một chiếc Note8 đáng mơ ước của năm sau.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI