Với tốc độ 10 nghìn tỷ FPS, hệ thống camera này còn chụp được ánh sáng đang chuyển động
Việc ghi lại được hành vi của ánh sáng có thể mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới hoặc khám phá những kiến thức mới về vật lý và nhiều ngành khác nữa.
Ánh sáng là vật thể nhanh nhất trong vũ trụ này, vì vậy việc chụp được nó khi di chuyển gần như là điều không thể. Thế nhưng một dàn thiết bị do các nhà khoa học tại Caltech mới chế tạo gần đây cho phép ghi hình với tốc độ 10 nghìn tỷ khung hình mỗi giây, nghĩa là nó có thể chụp lại hình ảnh ánh sáng khi nó đang di chuyển – và các nhà nghiên cứu còn đang có kế hoạch làm cho nó nhanh hơn một trăm lần nữa.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm Jinyang Liang và đồng nghiệp của ông, hoàn toàn không làm điều này chỉ vì tính tò mò của mình – hiểu được cách ánh sáng di chuyển là nền tảng của rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ vậy, nó còn có thể mang lại các ứng dụng tiềm năng trong vật lý, kỹ thuật, và dược phẩm khi các lĩnh vực này phụ thuộc rất lớn vào hành vi của ánh sáng ở quy mô cực nhỏ và cực ngắn, những giới hạn rất khó có thể đo lường.
Trong quá khứ, đã có những camera với tốc độ hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ khung hình mỗi giây, nhưng các camera đó giống "streak camera" (hệ thống camera với hàng trăm cảm biến ánh sáng có tốc độ màn chập cực nhanh).
Nếu một xung ánh sáng có thể được tái tạo lại một cách hoàn hảo, vậy sau đó bạn có thể chụp lại nó trong mỗi một mili giây, nhưng bạn cần tính đến cả thời gian chụp của camera – dù chỉ diễn ra trong khoảng vài femto giây (một femto giây bằng một phần triệu tỷ giây).
Bạn có thể chụp lại một xung ánh sáng khi nó đang ở đó, nhưng đến bức ảnh tiếp theo, xung đó sẽ ở vị trí xa hơn một chút, và đến bức ảnh tiếp theo nữa, xung ánh sáng này thậm chí còn ở xa hơn, cứ tương tự như vậy. Kết quả cuối cùng là một đoạn phim với các ảnh chụp liên tiếp không thể phân biệt ghi lại cảnh di chuyển của một xung ánh sáng với tốc độ cao.
Đây là cách làm rất hiệu quả - nhưng bạn phải tính đến việc không thể tạo ra một xung ánh sáng theo cùng một cách trong một triệu lần. Ngay cả khi nó đi qua một ống kính được khắc cẩn thận bằng laser, xung ánh sáng đầu tiên cũng bị thay đổi khi va phải lớp kính.
Hình ảnh xung ánh sáng thay đổi khi va vào tấm kính
Trong trường hợp như vậy, bạn cần phải chụp lại xung đầu tiên đó ngay trong thời gian thực – điều đó có nghĩa là, việc ghi lại hình ảnh không chỉ diễn ra với độ chính xác tính theo nhiều femto giây, mà chỉ riêng trong một femto giây.
Đó là những gì hệ thống chụp ảnh theo phương pháp T-CUP này làm được. Nó kết hợp một streak camera ở trên với một camera tĩnh thứ hai và phương pháp thu thập dữ liệu sử dụng trong việc chụp X-quang.
"Chúng tôi biết rằng, chỉ bằng việc sử dụng một streak camera ở tốc độ femto giây, chất lượng hình ảnh vẫn rất giới hạn. Vì vậy, để cải thiện điều này, chúng tôi đã bổ sung thêm một camera khác yêu cầu một hình ảnh tĩnh. Kết hợp với hình ảnh thu được bởi streak camera tốc độ femto giây, chúng ta có thể sử dụng Phép biến đổi Radon (Radon Transformation) để tạo ra được các hình ảnh chất lượng cao trong khi ghi lại 10 nghìn tỷ khung hình mỗi giây." Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Lihong Wang cho biết.
Bản vẽ mô tả hệ thống chụp ảnh ánh sáng theo phương pháp T-CUP
Phương pháp này cho phép chụp lại các hình ảnh – hay nói chính xác hơn về kỹ thuật là các khối dữ liệu không thời gian – trong mỗi 100 femto giây. Điều đó nghĩa là 10 nghìn tỷ hình ảnh mỗi giây – trên thực tế, chẳng có bộ nhớ lưu trữ nào đủ nhanh để ghi lại 10 nghìn tỷ khối dữ liệu này trong mỗi giây cả. Do vậy, hiện tại các nhà nghiên cứu chỉ có thể giữ lại một lượng nhỏ khung hình liên tục trong số đó – 25 khung hình của thí nghiệm đó, như bạn thấy ở dưới đây.
25 khung hình ảnh này cho thấy cảnh một xung laser kéo dài một femto giây đi qua một bộ tách chùm tia – bạn cần lưu ý rằng, ở quy mô này, thời gian ánh sáng đi qua ống kính là rất đáng kể.
Hình ảnh một xung ánh sáng được hệ thống T-CUP ghi lại.
Có thể thấy mức độ chính xác theo thời gian thực của thí nghiệm này là chưa từng có trước đây, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa dừng lại.
"Chúng ta đã thấy các khả năng gia tăng tốc độ lên mức một triệu tỷ (một quadrillion) khung hình mỗi giây!" Ông Liang cho biết trong thông cáo báo chí. Ghi lại được hành vi của ánh sáng ở quy mô này và với mức độ chính xác như vậy là điều vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng một vài năm trước. Nếu thành công, nó có thể mở ra những lĩnh vực hoàn toàn mới và các kiến thức mới về vật lý và vật liệu.
Tham khảo TechCrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời