Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là "điều không thể" tiếp theo mà thôi

    CL, Minh thần kì,  

    Khi chủ tịch Phạm Nhật Vượng công bố kế hoạch đưa điện thoại Vsmart đến nước Mỹ, nhiều người đã ngay lập tức nói đến những khó khăn đặc trưng của quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ và cũng là một thị trường đặc biệt khó tính. Nhưng ít người ai ra rằng, thị trường Việt Nam - nơi Vsmart vừa đạt được thành công ấn tượng - cũng đâu có dễ dàng hơn là bao.

    Trong bầu không khí vẫn còn khá u ám do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đại hội cổ đông của Vingroup đã khép lại với 2 thông tin quan trọng liên quan đến các sản phẩm công nghệ. Đầu tiên, doanh số Vsmart sau 17 tháng hoạt động đã đạt 1,2 triệu máy, góp phần củng cố vị trí là thương hiệu lớn thứ 3 tại Việt Nam. Tiếp đến, Vingroup sắp tới sẽ đưa những chiếc điện thoại "Made in Vietnam" tới Mỹ, mở màn cho chiến dịch xuất khẩu của hãng này sau khi đã đạt được thành công tại quê nhà.

    Gần như ngay lập tức, nhiều người đã lên tiếng hoài nghi về khả năng thành công của Vsmart tại Mỹ. Nhưng họ quên mất rằng, thị trường Mỹ đâu có thể coi là khó khăn khi so sánh với chính thị trường… Việt Nam.

    Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là điều không thể tiếp theo mà thôi - Ảnh 1.

    Tại sao ư? Trước hết, cần phải chỉ ra rằng so với Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản thì Việt Nam quả thật là một thị trường nhỏ, gần như luôn đi sau về mặt công nghệ. Nhưng cũng chính thị trường nhỏ bé này đã chứng kiến biết bao nhiêu ông lớn ngã ngựa. Trước Vsmart, chưa từng có một hãng smartphone nào lọt vào top 3 tại Việt Nam với thị trường trên 10%. Trước Vsmart, tất cả các thương hiệu smartphone lớn trên toàn cầu khi đến Việt Nam đều bị Samsung và OPPO "nghiền nát".

    Ví dụ điển hình là Huawei. Đầu năm 2019, trước khi bị tổng thống Trump đưa vào danh sách đen thương mại , Huawei đã kịp vươn lên vị trí số 2 thế giới, vượt mặt Apple và chỉ còn đứng sau Samsung. Quý 1 năm đó, thị phần toàn cầu của gã khổng lồ Trung Quốc đạt tới mức 17%, cao nhất trong lịch sử. Quả thật, trước khi bị Google ngừng hợp tác, sức mạnh của Huawei đã bước vào giai đoạn đỉnh điểm.

    Đáng chú ý không kém, Huawei năm qua vẫn giữ được thị phần toàn cầu rất cao, cuối năm vẫn bỏ xa Apple về doanh số. Ấy thế mà tại Việt Nam, vào thời kỳ đỉnh điểm, Huawei đạt thị phần vỏn vẹn 5,5% (số liệu GfK). Sau lệnh cấm, con số này nhanh chóng bốc hơi về gần 0%. Vô tình, gã khổng lồ số 2 thế giới đã trở thành minh chứng cho một quy luật khắc nghiệt: dường như, chỉ duy nhất OPPO và Samsung là có quyền thành công tại mảnh đất hình chữ S:.

    Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là điều không thể tiếp theo mà thôi - Ảnh 2.

    Hay hãng Trung Quốc khác trong top 5 là Xiaomi cũng chẳng khá khẩm hơn. Tham gia vào cuộc chơi smartphone khá muộn nhưng Xiaomi chỉ mất hơn nửa thập kỷ để lọt vào top 5 thế giới. Với chiến lược phá giá cấu hình, Xiaomi nổi danh ngay cả tại các quốc gia… chưa đặt chân đến. Tại Việt Nam, cộng đồng "Mi fan" đã đông đảo từ trước khi Xiaomi mở bán chính thức.

    Những tưởng hành trình của Hạt Gạo Nhỏ tại mảnh đất hình chữ S: sau đó sẽ êm ả, nhưng tính đến cuối 2019 - tức gần 3 năm sau ngày mở bán chính thức, Xiaomi Việt Nam mới đạt thị phần vỏn vẹn 6,6%. Cũng như Huawei, Xiaomi vẫn cứ chìm nghỉm trong top dưới khi ai cũng nghĩ rằng hãng này có thừa đủ lý do để thành công tại Việt Nam.

    Một loạt các thương hiệu khác chịu chung số phận. Vivo (thương hiệu "anh em" của OPPO) sau 5 năm vẫn chưa đạt nổi thị phần có nghĩa. OnePlus, một thương hiệu khác của BBK, giờ vẫn chưa dám đặt chân tới Việt Nam. Nokia, thương hiệu có lẽ là được người Việt yêu quý bậc nhất, giờ vẫn "chìm nghỉm" sau khi được HMD hồi sinh với sự hậu thuẫn của gã khổng lồ Foxconn.

    Cách đây chỉ vài tháng, Vsmart vẫn có thể xếp chung vào nhóm này. Tính đến hết quý 3/2019, thị phần Vsmart vẫn chưa đạt nổi 3%.

    Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là điều không thể tiếp theo mà thôi - Ảnh 3.

    Những gì diễn ra sau đó xứng đáng đi vào lịch sử. Tháng 11/2019, Vsmart thực hiện bước ngoặt khi giảm một nửa giá Vsmart Live, khiến mẫu điện thoại này nhanh chóng "cháy hàng". Sau khi thực hiện bước đi này, Vsmart mới bắt đầu lọt top… làng nhàng: với thị phần 6%, thương hiệu điện thoại của Vingroup cuối cùng đã vươn lên đứng cùng top với các thương hiệu "chưa mấy thành công" như Xiaomi hay Apple.

    Sau Live, Vsmart thực hiện cú đấm kép vào phân khúc giá rẻ qua Bee 3 và Star 3, 2 mẫu smartphone có màn hình lớn và giá cực kỳ cạnh tranh. Tháng 2/2020, Vsmart tung ra đòn đánh bước ngoặt tiếp theo - Joy 3. Chỉ trong vòng 14 tiếng, doanh số chiếc điện thoại "siêu phá giá" này đã lên tới 12,000 máy, ngay lập tức đẩy thị phần của Vsmart lên mức 2 chữ số.

    Đến tuần đầu tiên tháng 4, thị phần Vsmart đã lên tới 18%. Cái "dớp" cả thập kỷ của thị trường Việt Nam đã bị phá bỏ. Lần đầu tiên, một hãng smartphone đã có thể lọt vào top 3 với thị phần trên 10%. Tách hoàn toàn khỏi "top làng nhàng", Vsmart giờ đã dần vươn lên trở thành đối thủ của Samsung và OPPO.

    Sắp tới, Vsmart sẽ tung ra sản phẩm tầm trung/cận cao cấp đầu tiên với tên gọi Vsmart Lux. Với 4 camera, chip Snapdragon 768G và đặc biệt là camera trước được đặt dưới màn hình, gần như chắc chắn Vsmart sẽ có cú "hit" tiếp theo - và cũng sẽ là thành công đầu tiên trên một phân khúc hoàn toàn mới.

    Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là điều không thể tiếp theo mà thôi - Ảnh 4.

    Hành trình trên "sân nhà" của Vsmart nói lên điều gì về hành trình tới nước Mỹ sắp tới? Như bạn có thể thấy, Vsmart rõ ràng đã khởi đầu bằng thất bại - mất tới 1 năm hãng này mới đạt thị phần 1%. Nhưng Vsmart biết thay đổi và thích ứng. Khi chiến lược cũ không thành công, Vsmart vội vã phá giá cấu hình, thay đổi chính sách hậu mãi (khiến các đối thủ phải học theo), cùng lúc thiết lập năng lực sản xuất và đặc biệt là tạo ra trải nghiệm phần mềm cực kỳ đầu tư.

    Những chiến lược này đã giúp cho Vsmart làm được điều không thể: thành công tại thị trường Việt Nam khi cả loạt ông lớn đi trước đều ngã ngựa. Thị trường Mỹ chắc chắn sẽ có khó khăn riêng, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một điều "không thể" tiếp theo mà thôi… Vsmart đã từng một lần làm được điều không thể, nay với năng lực sản xuất, với chiến lược thích nghi nhanh nhạy, và với trí tuệ của người Việt, không lẽ lại không thể làm nên chuyện trên xứ người?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ