Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple?

    Bảo Nam,  

    Apple, Samsung, Google, LG hay thương hiệu điện thoại Trung Quốc nào sẽ là đối tác, khách hàng chiến lược của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của tập đoàn VinGroup sắp mở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

    Theo thông tin mới nhất được chia sẻ từ tập đoàn Vingroup, vào tháng 6 vừa qua, Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart đã được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Với diện tích 15,2 ha, giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến có công suất 23 triệu máy/năm còn giai đoạn 2 của nhà máy sẽ hoàn thành với công suất 34 triệu máy/năm. Đầu năm 2020, nhà máy sẽ đạt công suất cao nhất 125 triệu máy khi chính thức hoàn thiện.

    Nhưng theo thống kê của GfK đến tháng 11/2017 cho thấy tổng lượng smartphone bán ra tại Việt Nam chỉ có 13,563 triệu máy. Do đó, hướng đi của nhà máy khổng lồ này chắc chắn không phải để sản xuất smartphone bán cho người Việt.

    Và theo chia sẻ từ đại diện tập đoàn thì nhà máy này sẽ không chỉ phục vụ sản xuất điện thoại mang thương hiệu Vsmart, mà còn sẵn sàng nhận gia công sản phẩm cho các hãng điện thoại khác. Trong tương lai, VinSmart muốn vươn lên để trở thành một nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM), có thể tự thiết kế, chế tạo linh - phụ kiện hay thậm chí là sản xuất cả một chiếc điện thoại hoàn chỉnh sau đó bán lại cho đối tác.

    Nhưng thương hiệu điện thoại nào sẽ có cơ hội trở thành đối tác của Vsmart? Hãy sử dụng phương pháp loại trừ để đánh giá "cơ hội" cho các khách hàng tiềm năng.

    BKAV

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 1.

    Bphone có thể được gia công tại nhà máy của Vsmart, nhưng có thể là trong một tương lai... không gần.

    Sau khi thông tin về nhà máy mới của Vsmart được hé lộ, ngay lập tức xuất hiện một số tin đồn trên mạng xã hội nói rằng tập đoàn Vingroup xây nhà máy để gia công điện thoại... Bphone cho BKAV.

    Nhưng với doanh số lên đến gần 10.000 chiếc Bphone 3, mẫu smartphone mới nhất của BKAV, được bán ra trong tháng đầu tiên hồi năm 2018, thì các tin đồn nói trên mang tính trào phúng hơn là khích lệ. Có lẽ với công suất lớn của nhà máy này khi đi vào hoạt động, nó chỉ cần chưa tới một ngày để sản xuất toàn bộ đơn hàng cho BKAV trong cả năm.

    Samsung

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 2.

    Samsung đã có nhà máy smartphone ở Việt Nam, chưa cần liên doanh với Vsmart.

    Tập đoàn Samsung là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với 8 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu phát triển. Hiện tại, tập đoàn Hàn Quốc này đã có hai nhà máy sản xuất smartphone đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, với công suất hàng năm vào khoảng 120 triệu chiếc điện thoại. Một số nguồn tin cho biết Samsung đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam, với công suất khoảng 60-120 triệu điện thoại/năm.

    Do đó, gần như không có khả năng smartphone của hãng có thể được sản xuất tại nhà máy của Vsmart.

    Samsung từ lâu đã luôn chủ động việc sản xuất smartphone từ các nhà máy của chính mình. Mặc dù gần đây có thông tin Samsung sẽ thuê đối tác Trung Quốc đảm nhiệm hoàn toàn việc thiết kế, sản xuất 60 triệu smartphone dưới hình thức ODM nhưng đây là biện pháp tình thế nhằm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường smartphone giá rẻ. Rủi ro đánh đổi của Samsung là mất kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tự làm suy yếu năng lực sản xuất và có nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn vào các đối tác ODM.

    Cho tới khi nhà máy Vsmart đủ năng lực trở thành một đối tác ODM tiềm năng, cạnh tranh được với các ODM khác từ Trung Quốc, cơ hội giành được các đơn hàng từ Samsung mới có thể xảy ra. Còn hiện tại, trừ khi Samsung có sự đột biến về doanh số bán hàng, hai nhà máy hiện tại hoạt động quá tải trong khi nhà máy thứ ba chưa được dựng lên, cơ hội của Vsmart mới hiện ra. Rõ ràng, tỷ lệ này là khá thấp.

    LG

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 3.

    Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng.

    Hồi tháng 4, hãng thông tấn Yonhap cho biết LG có kế hoạch dừng sản xuất điện thoại di động cao cấp tại Hàn Quốc trong năm nay và chuyển sang nhà máy tại Việt Nam. Nhưng vị trí nhà máy mới đã được xác định, đó là "cụm nhà máy LG" ở thành phố Hải Phòng. Với sự điều chỉnh lần này, công suất của nhà máy Hải Phòng sẽ được nâng lên thành 11 triệu sản phẩm/năm.

    Do LG đã có sẵn cơ sở để sản xuất smartphone ở Việt Nam, khả năng trở thành đối tác với Vsmart cũng gần như là con số 0.

    Chưa kể, mảng kinh doanh smartphone của LG đang vô cùng ảm đạm. Từng là một trong những thương hiệu điện thoại lớn nhất toàn cầu nhưng năm 2018, công ty đã chứng kiến sự sụt giảm 26% doanh số smartphone bán ra. Công ty Hàn Quốc đã phải rút sản phẩm của mình ra khỏi một loạt thị trường như Trung Quốc, Philippines... Các sản phẩm mới ra mắt của LG gần như không thu hút được sự chú ý từ người mua, trong khi các sản phẩm cũ không nhận được các bản cập nhật thường xuyên.

    Có thể nói, chính Vsmart phải cân nhắc trước việc hợp tác với LG (nếu có), chứ không phải theo chiều ngược lại.

    Các hãng smartphone Trung Quốc

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 4.

    Việt Nam chưa thể cạnh tranh về gia công smartphone so với Trung Quốc.

    Đang là thế lực mới trên thị trường smartphone toàn cầu, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Huawei... đang ngày càng lấn lướt những tên tuổi lớn, với doanh số bán smartphone tăng trưởng không ngừng.

    Nhưng Trung Quốc vẫn đang là công xưởng thế giới, với giá công nhân rẻ, hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất lớn và đầy đủ, các ưu đãi từ chính quyền địa phương trong nước. Với lợi thế đó, việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc của các hãng điện thoại này mang lại lợi ích và hiệu quả lớn hơn.

    Hơn nữa, nếu buộc phải lựa chọn, các công ty này sẽ chọn mở nhà máy hoặc hợp tác liên doanh ở Ấn Độ thay vì Việt Nam. Do chi phí lao động tại Ấn Độ thấp, hơn nữa đây cũng là một thị trường nhiều tiềm năng, chưa được khai phá hơn Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi hay Oppo đã và đang đẩy mạnh việc mở rộng các nhà máy sản xuất của mình tại Ấn Độ, là bằng chứng rõ ràng nhất.

    Apple

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 5.

    Bên trong một nhà máy sản xuất lắp ráp iPhone.

    Nghe rất khó tin nhưng lại cực kỳ thuyết phục, đây chính là khách hàng tiềm năng của Vsmart ở thời điểm hiện tại. Ngành công nghiệp smartphone đang hướng tới cuộc chiến về chi phí và với Apple, đây là một trò chơi sinh tồn. Khi cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, công ty sản xuất iPhone đang phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, cả chính quyền Trung Quốc lẫn giới chức Mỹ. Nhà máy Apple ở Mỹ cũng như Ấn Độ, Trung Quốc dường như vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của hãng công nghệ này, đặc biệt trong các dịp cao điểm như cuối năm.

    Trên thực tế, Apple cũng đang dần thúc đẩy để các đối tác sản xuất phụ kiện của mình, như Goertek với tai nghe AirPods, chuyển các dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Trước AirPods thì loại tai nghe EarPods (tai nghe có dây truyền thống) trên các phiên bản iPhone cũ (hỗ trợ giắc cắm 3,5mm) của Apple cũng đã từng được sản xuất tại Việt Nam.

    So với các quốc gia khác, Việt Nam đang nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ vào sự gần gũi về vị trí địa lý, giúp thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí lao động thấp nhưng có tay nghề cao cũng là một yếu tố quan trọng để Apple cân nhắc lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các sản phẩm của mình.

    Nên nhớ Foxconn, đối tác sản xuất iPhone chính của Apple, cũng chưa có nhà máy smartphone tại Việt Nam. Do đó, với sự xuất hiện của nhà máy Vsmart, Apple có thêm một lựa chọn đối tác để thử nghiệm trước khi chính thực lựa chọn Việt Nam là công xưởng mới cho mình. Hoặc chính Foxconn sẽ hợp tác với Vsmart, để gia công sản phẩm cho Apple. Hồi đầu năm, có nhiều tin đồn cho biết tập đoàn Foxconn đang xem xét việc thành lập một nhà máy tại Hà Nội để giảm thiểu các tác động của cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc

    Và rõ ràng quy mô khổng lồ của nhà máy Vsmart cũng có thể đáp ứng được nhu cầu về đơn hàng iPhone luôn không nhỏ của Apple. Tuy nhiên, vấn đề về nguồn nhân lực và các chính sách về quản lý chất lượng sản phẩm sẽ không dễ giải quyết.

    Google

    Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple? - Ảnh 6.

    Điện thoại Google sẽ sớm in dòng chữ Made in VietNam

    Google sẽ sản xuất điện thoại Pixel tại Việt Nam, thông qua việc chuyển đồi từ nhà máy sản xuất điện thoại Nokia tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là bước đi đầu tiên của Google trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á, tận dụng cơ hội để giải quyết 2 vấn đề lớn là chi phí nhân công và thuế suất bị đẩy cao do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

    Tuy nhiên, cơ hội của Vsmart là ở chỗ nếu quyết định di chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc qua, nhà máy ở Bắc Ninh là không đủ. Do đó, có thể Google sẽ lựa chọn hợp tác với một đơn vị khác, có thể là nhà máy Vsmart ở Hà Nội, để giảm bớt áp lực đơn hàng.

    Google là nhà cung cấp hệ điều hành Android cho 80% smartphone trên thế giới hiện, nhưng lại chưa mạnh ở mảng phần cứng. Tuy nhiên, gã khổng lồ này đang ngày càng thể hiện quyết tâm "ăn thua đủ", với kế hoạch sẽ xuất xưởng khoảng 8-10 triệu điện thoại trong năm nay, nâng doanh số bán hàng lên gấp đôi so với năm ngoái.

    Theo các nhà phân tích, quy mô chuỗi cung ứng hiện nay của Google còn chưa lớn như Apple nên việc chuyển đổi sang sân chơi mới như Việt Nam cũng sẽ dễ dàng hơn. Nếu sớm hoàn thành, thông qua việc tự mở nhà máy và hợp tác với Vsmart, hãng sẽ có thêm thời gian chuẩn bị để đối đầu với những thách thức mới, từ các đối thủ như Xiaomi, Oppo và đặc biệt là Huawei. Nên nhớ, Huawei vốn có mảng phần cứng rất mạnh và đang nhăm nhe lấn sân sang mảng phần mềm với hệ điều hành Harmony.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ