Vũ khí "bí mật" để các trợ lí AI mới chống lại Alexa chính là "sự riêng tư"

    Billvn,  

    Nghiên cứu mới cho thấy nhiều người vẫn ngại sử dụng loa và thiết bị thông minh vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư.

    Đầu tuần này, chúng ta đã biết được rằng số lượng loa thông minh (smart speaker) trên toàn thế giới được kì vọng sẽ tăng gấp 6 lần trong vòng vài năm tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều gia đình ở Hoa Kỳ sẽ có loa thông minh vào năm 2022 với sự hỗ trợ của các trợ lí thông minh phổ biến là Google Assistant và Alexa.

    Vũ khí bí mật để các trợ lí AI mới chống lại Alexa chính là sự riêng tư - Ảnh 1.

    Các tên tuổi lớn của làng công nghệ cũng cho thấy tham vọng bán loa thông minh cho cả người tiêu dùng phổ thông lẫn chính phủ. Ví dụ, Microsoft – công ty sở hữu Cortana - có thể cung cấp phần mềm nhận dạng khuôn mặt cho ICE, cơ quan chính phủ có nhiệm vụ bắt giữ và giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.

    Khi Amazon tung ra ứng dụng “deep learning” (học sâu) Lens và trợ lí thời trang Echo Look, công ty dường như đã bỏ qua lời kêu gọi của nhân viên, ACLU và một số tổ chức khác yêu cầu ngừng bán phần mềm nhận dạng khuôn mặt của họ cho các cơ quan thực thi pháp luật của chính phủ. Vụ việc bắt đầu từ một sự cố hồi tháng 5 khi loa thông minh Echo đã gửi bản ghi âm trái phép cuộc nói chuyện của một người phụ nữ Oregon tới một người trong danh sách liên lạc của cô.

    Google cũng không khác mấy với Amazon. Dù dòng loa thông minh Home của họ bắt đầu lấn chiếm thị phần của Amazon Echo thì họ vẫn hợp tác với quân đội để giúp cải thiện khả năng nhắm mục tiêu của drone (máy bay không người lái).

    Khi đàm thoại máy tính trở nên phổ biến rộng rãi hơn, các trợ lí cá nhân mở ra một tầm nhìn khác cho tương lai và cũng mang lại nhiều tranh cãi dưới các góc độ khác nhau.

    Đó là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp như Snips – một nhà sản xuất mới trên thị trường loa thông minh – tập trung sản phẩm của mình vào một điểm khác biệt chính: “quyền riêng tư”. Giám đốc điều hành Rand Hindi của công ty nói với VentureBeat rằng: “Mục tiêu của tôi là tiêu diệt Alexa bằng cách cung cấp một nền tảng hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn thực sự muốn phân biệt mình với Alexa hoặc Google, bạn phải làm điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Công việc của tôi không phải là bắt kịp Alexa. Công việc của tôi là cung cấp thứ gì đó khác biệt đến mức mọi người thậm chí không so sánh hiệu quả - đó là mục tiêu của tôi”.

    Lo ngại về việc kiểm soát có thể làm giảm nhu cầu mua loa thông minh

    Theo Hindi, vấn đề với Google Assistant và Alexa là chúng tập trung rất nhiều dữ liệu cá nhân của mọi người và hoạt động trên đám mây. Chính vì vậy, chúng có thể trở thành mục tiêu lí tưởng cho việc kiểm soát hoặc tấn công hàng loạt.

    Đồng thời, các loa thông minh đang trở thành thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến nhất và các công ty công nghệ khổng lồ rõ ràng càng muốn tìm kiếm, thu thập thông tin người dùng nhiều hơn. Những lo ngại này lại là cơ hội cạnh tranh cho một sản phẩm thay thế. Sản phẩm này thay vì ghi lại tất cả những gì bạn nói và gửi thông tin này cho ai đó trong danh bạ sẽ bảo vệ quyền riêng tư của bạn.

    Vũ khí bí mật để các trợ lí AI mới chống lại Alexa chính là sự riêng tư - Ảnh 2.

    Hindi nói: “Không có cách nào để an tâm bắt đầu sử dụng AI trong phòng khách nếu chúng ta thường xuyên phải đối mặt với khả năng bị theo dõi”.

    Bất kể những thuyết âm mưu như thế này về loa thông minh có đúng hay không thì rõ ràng những nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn. Một cuộc khảo sát của PricewaterhouseCooper hồi tháng 4 cho thấy sự thiếu tin tưởng của người dùng vào các nhà phát hành trợ lí AI.

    Trong số các cư dân Hoa Kỳ được khảo sát, 18% nói rằng họ không sở hữu một chiếc loa hoặc thiết bị thông minh có trợ lí AI và một nửa trong số này nói rằng họ e ngại vấn đề về quyền riêng tư. Nghiên cứu này không chỉ rõ những gì mà họ đang lo lắng có thể xảy ra với trợ lí AI. Tuy nhiên, thật dễ dàng để tưởng tượng những công ty lớn như Google hay Amazon có thể làm gì khi họ kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của người dùng.

    Bán sự riêng tư như một tính năng

    Trọng tâm của Snips là tạo ra trợ lí với công nghệ máy học nhưng không chia sẻ dữ liệu lên đám mây.

    Tháng trước, Snips ra mắt Snips Air, một loa thông minh với một trợ lí AI đi kèm có khả năng hỗ trợ nhiều việc như kiểm tra lịch, chơi nhạc và điều khiển các thiết bị trong nhà. Thiết bị nhỏ với micro bên trong có thể đặt trên tường hoặc thậm chí mang trên người của bạn để mở rộng phạm vi điều khiển bằng giọng nói trong ngôi nhà.

    Hai tuần sau, công ty có trụ sở tại Paris đã tăng được 13 triệu USD tiền đầu tư để tiếp tục phát triển nền tảng và thu hút thêm các phát triển. Hơn 14.000 nhà phát triển đã sử dụng loạt sản phẩm Snips, từ nền tảng tạo trợ lý đến bộ dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên Snips… để mang trợ lí của công ty đến một loạt phần cứng mới.

    Dự án của Snips tương tự như Mycroft, một trợ lý độc lập, nguồn mở và cũng hướng vào sự riêng tư của người dùng. Loa thông minh Mycroft Mark II – trông giống như một chiếc tablet lớn – đã có mặt trên thị trường vào đầu năm nay.

    Vũ khí bí mật để các trợ lí AI mới chống lại Alexa chính là sự riêng tư - Ảnh 3.

    Trong khi đó, SoundHound cũng gây quỹ lên đến 100 triệu USD từ các nhà đầu tư uy tín như Daimler AG và Hyundai. Mục tiêu của công ty là phát triển trợ lí và nền tảng Hound thay thế cho Assistant trong Android Auto và Alexa để cài đặt trên xe ô tô từ Toyota và Ford.

    SoundHound, Snips không tự giới thiệu như một sự lựa chọn tốt hơn trong lĩnh vực quyền riêng tư nhưng họ đang cạnh tranh để trợ lí của mình ngày càng có mặt trên nhiều thiết bị gia đình và văn phòng hơn.

    Khi các công ty như Snips và Mycroft cố gắng thu hút nhiều người tiêu dùng và thương hiệu hơn (các sản phẩm của họ thậm chí có thể thay thế Alexa) cũng là lúc các gã khổng lồ công nghệ bắt đầu mua lại các startup để tăng cường sức mạnh cho mình.

    Facebook đã mua lại Bloomsbury ở London vào tuần trước, và mùa hè năm ngoái họ mua lại Ozlo với giá không được tiết lộ.

    Vào tháng 5, Microsoft đã mua lại Semantic Machines để làm cho Cortana thông minh hơn và thu hút nhiều tài năng nghiên cứu hơn từ Vùng Vịnh San Francisco.

    Google cũng không kém cạnh khi thâu tóm Dialogflow – một trợ lí giọng nói trước đây được gọi là Api.ai.

    Không biết liệu Mycroft và Snips có đi theo con đường của những công ty khởi nghiệp khác khi bị các công ty lớn hơn thâu tóm hay không nhưng sự lựa chọn họ đưa ra là hấp dẫn.

    Theo Hindi, tùy chọn một trợ lí độc lập (không theo dõi, giám sát) sẽ giúp đảm bảo dữ liệu của người dùng không bị chia sẻ. Đảm bảo quyền riêng tư cũng sẽ hướng các trợ lí thế hệ tiếp theo không chỉ đơn giản được kích hoạt bằng một từ (ví dụ như Hey Siri) mà chúng còn có thể phân biệt giọng nói người dùng qua micro hay hình ảnh của họ. Các hệ thống trong tương lai cũng có thể làm những việc như phân tích tâm trạng của bạn và thay đổi ánh sáng, phát hiện xem người già đã ngã hay chưa hoặc phản ứng với các dấu hiệu khác của sự cố.

    Khi sự riêng tư của những trợ lí mới được ưu tiên, nó có thể trở thành một vũ khí mạnh mẽ để chống lại các thế hệ trợ lí hiện tại như Alexa.

    Tham khảo: Venture Beat

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ