Vũ khí hóa học trong Wonder Woman sai công thức hóa học, nhưng hậu quả nó để lại cũng giống như đời thực

    Dink,  

    Thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này chẳng khác nào một âm mưu chống lại nhân loại.

    Bài viết có nói trước chút ít nội dung phim, các bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp.

    Bộ phim Wonder Woman mở màn với cảnh tưởng đẹp đẽ trên hòn đảo thiên đường của tộc Amazon, một nhóm chiến binh thiện chiến được đưa xuống Trái Đất nhằm mang lại cân bằng cho thế giới, bảo vệ con người khỏi chính khao khát chiến tranh của mình. Khi mà Thế chiến Thứ nhất cập bờ hòn đảo yên bình này, nữ chính của chúng ta, nàng Diana do Gal Gadot thủ vai đã lên đường thực hiện sứ mệnh cao cả - chấm dứt chiến tranh, cùng với chàng điệp viên Steve Trevor do Chris Pine thủ vai.

    Đầu tiên, nhiệm vụ của họ là mang một cuốn sổ tay ghi chép công thức vũ khí hóa học của Dr. Poison, một nữ chuyên gia hóa chất người Đức sản xuất vũ khí chết người cho quân đội. Trong một cảnh phim, Diana đọc lớn chi tiết trong cuốn sổ lên rằng “Đây là một công thức cho một loại khí gas, khí mù tạt (mustard gas)”. Cô cho biết thêm rằng đó là một loại khí “có hydrogen thay vì sulfur”.

    Nghe xong câu nói ấy, một trong những vị tướng có mặt trong gian phòng thốt lên rằng “mặt nạ phòng độc sẽ vô dụng trước khí hydrogen”.

    Dù rằng bộ phim này được dựng lên trong một thế giới giả tưởng của siêu nhân và siêu sức mạnh, ta vẫn tự đặt câu hỏi rằng liệu công thức hóa học ấy có thật không?

    Không hẳn.

    Đầu tiên, khí gas mù tạt là một loại vũ khí hóa học và cũng như mọi thứ vũ khí hóa học khác, chúng gây ra những hậu quả kinh khủng và vô cùng đáng sợ. Nhưng nếu bạn là một nhà hóa học “có tâm” tiêu diệt đối phương, bạn sẽ không thay nguyên tử sulfur trong khí mù tạt bằng nguyên tử hydrogen đâu. Bởi lẽ sulfur là thứ kết nối những phân tử độc hại lại với nhau.

     Hiệu ứng của khí mù tạt trong Wonder Woman.

    Hiệu ứng của khí mù tạt trong Wonder Woman.

    Cấu trúc hóa học của nó có hình con dơi”, giáo sư hóa học Raychelle Burks tại Đại học Thánh Edward, Texas giải thích. “Sulfur được gắn vào giữa những phân tử khác, và từ đó hai cánh dơi vươn ra. Cả hai cánh dơi đều được tạo nên từ hai nguyên tử carbon gắn với clo. Mỗi nguyên tử carbon lại có hai búi hydrogen nhỏ, vậy là nó có tổng cộng tám nguyên tử hydrogen tất cả”.

    Tuy nhiên, giáo sư Burks nói rằng bộ phim Wonder Woman đã nêu rõ và nêu đúng được vai trò của hóa học trong Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất. “Dù rằng ta có một vai phản diện là con người, cuộc đua thời gian tới thời khắc hủy diệt lại gây ra bởi hóa học”, chị Burks nói. “Bằng cách đó, họ đã lột tả được Thế chiến Thứ Nhất là một cuộc chiến tranh hóa học”.

     Cấu trúc hóa học của khí mù tạt, sulfur (màu vàng) ở giữa kết nối hai cánh lại. Mỗ cánh chứa hai nguyên tử carbon (màu đen), mỗi nguyên tử lại kết nối với hai nguyên tử hydrogen (màu trắng). Nguyên tử clo (màu xanh lá) nằm ở điểm cuối cùng của cấu trúc này.

    Cấu trúc hóa học của khí mù tạt, sulfur (màu vàng) ở giữa kết nối hai "cánh" lại. Mỗ cánh chứa hai nguyên tử carbon (màu đen), mỗi nguyên tử lại kết nối với hai nguyên tử hydrogen (màu trắng). Nguyên tử clo (màu xanh lá) nằm ở điểm cuối cùng của cấu trúc này.

    Giáo sư Độc dược – Dr. Poison trong phim chính là chuyên gia hóa chất người Đức, ông Fritz Haber. Ông đã giành được giải Nobel về những cống hiến đột phá của mình: ông đã khiến việc sản xuất phân bón quy mô lớn khả thi. Ông cũng là người đi đầu trong chương trình sản xuất vũ khí hóa học của quân đội Đức, lần đầu tiên sử dụng thành công vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất.

    Lúc ấy, thứ vũ khí chết người mà ông sử dụng là clo (chlorine) chứ không phải là khí gas mù tạt. Đó là mùa xuân năm 1915, với sự trợ giúp của gió, quân đội Đức đã xả khí clo sang phòng tuyến của quân Đồng Minh và triệt hạ hàng ngàn người lính (mỗi nguồn dẫn lại có một con số khác nhau). Loại vũ khí clo khiến người hít phải ngạt thở, giống như hiệu ứng khói trong một đám cháy vậy.

    Thử nghiệm này đã khiến cho các nước đổ công sức vào một cuộc chạy đua vũ trang của vũ khí hóa học, khiến cho Thế chiến Thứ Nhất còn có tên là “Cuộc chiến của Hóa học – The Chemist’s War”, bỏ ngoài tai những lệnh cấm vũ khí hóa học toàn cầu. Sĩ quan người Đức Rudolf Binding đã nói “Tôi không hề hài lòng với việc đầu độc loài người. Tất nhiên, là toàn bộ thế giới sẽ giận dữ trước hành động ấy trước tiên rồi họ sẽ lại bắt chước chúng tôi”.

     Binh sĩ bị mù do vũ khí hóa học.

    Binh sĩ bị mù do vũ khí hóa học.

    Không lâu sau khi thứ vũ khí clo kia ra chiến trận, những binh sĩ phe đối lập đã tìm ra được nhiều phương pháp phòng động hiệu quả. Một trong số những cách thức đầu tiên và đơn giản nhất đó là tẩm nước tiểu vào trong khăn tay, ammonia trong nước tiểu sẽ khiến cho chất độc clo trở nên vô hại.

    Nhưng rồi, vào thời điểm năm 1917, nước Đức lần đầu tiên biến khí gas mù tạt thành thứ vũ khí hủy diệt. Dù nó có từ mù tạt – mustard trong tên nhưng trong đó không có chút mù tạt nào đâu, tên nó như vậy là do mùi khí gas chết người này khá giống mùi mù tạt. Và thậm chí, nó cũng chẳng phải khí gas luôn. Dù thậm chí được biết với tên “vị vua của mọi thứ khí gas trên chiến trường”, khí mù tạt là một dung dịch giống dầu, nặng hơn không khí nên cứ tồn tại thành từng vũng trên mặt đất, có khả năng xuyên qua được da, cao su và đa số những loại vải mỏng khác và thậm chí, xuyên cả qua mặt nạ phòng độc.

     Người lính Canada bị ảnh hưởng bởi khí gas mù tạt.

    Người lính Canada bị ảnh hưởng bởi khí gas mù tạt.

    Khí mù tạt sẽ được đưa vào trong những vỏ đạn và bắn thẳng vào chiến trường, nó sẽ tồn tại trên mặt đất với thời gian tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Trên chiến trường hỗn loạn, bằng nhiều cách khí mù tạt sẽ dính lên người binh sĩ. Nhiều giờ sau khi tiếp xúc với loại hóa chất này, người lính sẽ nôn mửa và bỏng da. Nếu như họ hít phải khí phát ra từ khí gas mù tạt, phổi của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cả việc điều trị và những cái chết gây ra bởi khí mù tạt đều rất chậm và đau đớn.

    Tuy bộ phim Wonder Woman không cho chúng ta thấy chính xác hiệu ứng chết người của loại vũ khí hóa học “có gốc hydrogen”, ta chỉ thấy khả năng làm vỡ kính và bóp nát một cái mặt nạ phòng độc (đều bất khả thi trong thực tế) và dễ phát nổ (vì được thay đổi công thức, chứa nhiều hydrogen), nếu bạn xem phim rồi thì chắc hẳn bạn cũng thấy được những hiệu ứng kinh hoàng của vũ khí hóa học.

    Đó là khi lính đức bắn những quả đạn khí độc vào một ngôi làng nhỏ bé, một loại khí màu cam lan ra giết chết mọi cư dân tại đó. Ấy chính là sự kinh hoàng của vũ khí hóa học. Những phân tử nhỏ bé không thể bị ngăn chặn bởi nấm đấm hay súng đạn. “To lớn hơn chưa chắc đã đáng sợ hơn”, giáo sư Burks nói. “Chẳng cần tới những con quái vật to lớn đáng sợ. Điều này còn kinh sợ hơn nó nhiều. Và đó chỉ là những phân tử vô cùng bé nhỏ”.

    Thế mà ngày nay, cuộc chạy đua vũ trang vẫn chưa dừng lại và con người vẫn tìm ra được những thứ vũ khí hóa học kinh hoàng hơn, ra được những phương thức tiêu diệt kẻ thù đáng sợ hơn. Đột nhiên một cái đẹp mới của Wonder Woman lại hiện ra: ta có một thế giới giả tưởng tươi đẹp, nơi có một người phụ nữ xinh đẹp đứng lên bảo vệ nhân loại, cố gắng cứu rỗi loài người khỏi chính những hậu quả kinh hoàng họ gây cho nhau.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày