Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20

    J.D, Theo Pháp luật & Bạn đọc 

    Một sai lầm nhỏ, nhưng đủ để tạo ra bi kịch mà có lẽ không ai muốn nhớ lại nữa.

    Để vận hành một giàn khoan ngoài khơi xa hiển nhiên là điều không đơn giản, trong đó việc quan trọng nhất là lắp đặt và bảo trì các thiết bị phải diễn ra ở rất sâu dưới đáy biển, có khi lên tới 50m. Vấn đề nằm ở chỗ, việc bảo trì thiết bị phải do bàn tay con người thực hiện, và các thợ lặn sẽ cần phải cực kỳ cẩn thận trong quá trình đi xuống, phải dành thời gian để "giải nén" áp lực một cách từ từ, nếu không muốn phải đối mặt với hiện tượng mang tên "bệnh giảm áp" - decompression sickness.

    Trên thực tế, bệnh giảm áp là một trong những thách thức lớn nhất với con người khi lặn. Càng xuống sâu, áp lực sẽ càng tăng, sức ép của nước đè nặng lên cơ thể. Không khí hít vào phổi cũng chịu áp lực tương ứng, trong đó các khí trơ (như nitrogen) bị hòa tan, tích lũy và đạt trạng thái bão hòa trong các mô - nghĩa là chúng có cùng nồng độ với hơi thở. Sự bão hòa sẽ thay đổi theo áp lực, nên thợ lặn cần phải điều chỉnh hợp lý.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20 - Ảnh 1.

    Khi không thể làm được vậy, hệ quả sẽ là vô cùng lớn. Bệnh giảm áp sẽ xảy ra nếu quá trình giảm áp diễn ra quá nhanh, khiến nitrogen hòa tan trong mô và máu tạo thành bong bóng khí và gây ra tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Nó sẽ rất đau đớn, gây chóng mặt, tê liệt, thậm chí là tử vong. Và ở trong những trạng thái như vậy, các bác sĩ sẽ tốn khá nhiều thời gian để điều chỉnh lại áp suất cho cơ thể, dựa trên độ nghiêm trọng của sự việc.

    Vậy với những giàn khoan khổng lồ đòi hỏi phải làm việc liên tục dưới đáy biển, làm sao con người tránh được chuyện phải chờ đợi thợ lặn điều chỉnh lại áp suất? Năm 1957, Hải quân Mỹ đã tìm ra một giải pháp hết sức logic: đơn giản chỉ là giữ cho các thợ lặn luôn sống trong môi trường có áp suất lớn, 24/7.

    Từ phương pháp lặn lạ kỳ và nguy hiểm

    Đây là một trong những ý tưởng sơ khai của kỹ thuật lặn sâu (saturation diving - còn gọi là lặn bão hòa), được đưa ra trong dự án Genesis. Ngày nay, đây nằm trong số những công việc nguy hiểm nhất (và cũng được trả lương hậu hĩnh nhất).

    Kỹ thuật này đòi hỏi người lặn luôn sống trong điều kiện có áp suất lớn, cho đến khi các mô trong cơ thể cân bằng với hỗn hợp khí thở, trong một lượng lớn thời gian. Các thợ lặn sẽ phải bước vào khu vực có áp suất cao trước (ở trên cạn), sau đó mới xuống nước bằng khoang lặn. Khi cơ thể đạt trạng thái bão hòa theo áp suất độ sâu cần xuống, họ sẽ phải sống ở đó, hít thở oxy và heli trong hàng tuần, cho đến khi hết nhiệm vụ và bắt đầu quá trình giảm áp.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20 - Ảnh 2.

    Kỹ thuật lặn sâu

    Nghe thì đơn giản, nhưng đó là một cuộc sống hết sức mệt mỏi và áp lực cũng rất kinh khủng. Việc phải hít thở hỗn hợp khí không giống bình thường sẽ khiến cơ thể ớn lạnh, cùng với đó là vô số những biến chứng khi phải tiếp xúc với áp suất cao trong thời gian dài, và rủi ro tử vong cũng không hề nhỏ. Bởi vậy, có rất nhiều quy định liên quan đến kỹ thuật này, nhằm giảm thiểu rủi ro. Nhưng dẫu vậy, đây vẫn nằm trong số những công việc đòi hỏi chuyên môn cực cao trên thế giới, với chỉ 336 thợ lặn đảm nhận tại Mỹ vào năm 2015 mà thôi.

    Và chỉ cần một sai lầm, mọi thứ sẽ trở thành thảm họa, giống như những gì đã xảy ra tại giàn khoan Byford Dolphin.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử lặn, vì một sai lầm đầy tai tiếng

    Đó là ngày 5/11/1983, một ngày bảo trì như thường lệ với giàn khoan Byford Dolphin. 4 thợ lặn trở về, bước vào khoang áp suất. Nó bao gồm khoang 1 - nơi Edwin Coward và Roy Lucas, và khoang 2 - nơi Bjørn Bergersen và Truls Hellevik vừa trở về sau ca làm.

    Buồng lặn được kết nối với khoang một, vận hành bởi 2 nhà bảo trì William Crammond và Martin Saunders.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20 - Ảnh 3.

    Nhìn chung, áp suất tại các khu vực này phải luôn giữ ở mức cân bằng, nhằm đảm bảo cho buồng lặn có thể tách ra dễ dàng. Các nhà bảo trì chịu trách nhiệm cho việc này, trong đó phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt, gồm 5 bước:

    1. Cửa buồng lặn phải đóng.

    2. Áp suất trong buồng lặn tăng lên để đóng kín cửa.

    3. Cửa khoang 1 đóng lại khỏi khoang kết nối.

    4. Khoang kết nối giảm áp.

    5. Khóa được mở ra, thả buồng lặn.

    Nhưng rồi, Crammond đã phạm sai lầm, một sai lầm chết người!

    Giữa bước 2 và 3, trong khi cửa các khoang vẫn đang đóng, Crammond đột nhiên mở khóa buồng lặn. Toàn bộ khoang nối tiếp xúc đột ngột với môi trường bình thường, và sự chênh lệch áp suất đã khiến hệ thống phát nổ. Cả 4 thợ lặn phải đối mặt với một vụ nổ quá sức chịu đựng với cơ thể người, khiến họ chết tại chỗ, thi thể không nguyên vẹn. Không khí từ khoang nối cũng đẩy buồng lặn ra ngoài, va thẳng vào 2 nhà bảo trì, khiến một người tử vong và người còn lại bị thương nặng.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20 - Ảnh 5.

    Hiện trường vụ nổ

    Đây được xem là một trong những vụ tai nạn chết người kinh hoàng nhất lịch sử. Nó đến quá nhanh, đến mức giới chuyên gia tin rằng các nạn nhân đã trải qua một cái chết gần như không đau đớn. Dẫu vậy, cảnh tượng còn sót lại thực sự khiến người ta cảm thấy lạnh sống lưng.

    Áp suất chênh lệch đột ngột đã khiến máu của 3 trong 4 thợ lặn bốc hơi theo đúng nghĩa đen, chết ngay lập tức. Người thứ 4 thì kinh khủng hơn, áp suất đã khiến thi thể anh nổ tung, bắn nội tạng văng xa hàng chục mét. Khám nghiệm tử thi cho thấy các cơ quan vẫn còn nguyên vẹn, như một ca mổ trong y học vậy.

    Vụ tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử: Bi kịch xảy ra vì một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn tại giàn khoan tai tiếng nhất thế kỷ 20 - Ảnh 6.

    Nội tạng của nạn nhân được tìm thấy sau vụ nổ

    Cái chết của họ là một lời cảnh báo về sự nguy hiểm của kỹ thuật lặn sâu, dẫn đến sự thành lập của Liên minh Thợ lặn phía Bắc (North Sea Divers Alliance) dành cho các nạn nhân. Dù báo cáo vụ việc kết luận vụ tai nạn là do lỗi của con người, nhưng Liên minh vẫn quyết định đệ đơn kiện vì giàn khoan không có đủ trang thiết bị an toàn. Sau 26 năm đấu tranh, các nhà điều tra xác định trong giàn khoan khi đó có những thiết bị gặp lỗi dẫn đến vụ tai nạn, qua đó giúp Crammond được miễn trách nhiệm. Thân nhân của các nạn nhân thì nhận được tiền bồi thường sau mất mát quá đau lòng.

    Nguồn: IFL Science


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ