'Vũ trụ ảo' 800 tỷ USD đang được cả Trung Quốc quan tâm: Chính phủ thành lập Uỷ ban gồm 112 thành viên, các ông lớn từ Alibaba, Tencent rót tiền không tiếc tay
Theo một thống kê, chỉ trong năm ngoái, đã có hơn 1.000 công ty Trung Quốc công bố hơn 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse.
Metaverse (vũ trụ ảo) là khái niệm được nhắc đến nhiều ở khắp nơi trên thế giới trong vài năm gần đây. Theo Bloomberg, năm 2020, giá trị thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD và có thể tăng lên mức 800 tỷ USD vào năm 2024.
Thời điểm hiện tại, một số gã khổng lồ công nghệ phương Tây, bao gồm Microsoft và Meta – công ty mẹ của Facebook, đã đặt cược hàng tỷ USD vào việc tạo ra các công nghệ làm nền tảng cho metaverse. Họ đều coi đây là sự phát triển tiếp theo của Internet.
Để mở đầu kế hoạch xâm nhập thị trường metaverse, Facebook đã đổi tên công ty mẹ thành Meta (Ảnh: Internet).
Chính vì tiềm năng to lớn của metaverse, Trung Quốc chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội trở thành một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này.
Theo Financial Times, chính quyền của nhiều địa phương ở Trung Quốc và các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn đang tích cực bơm tiền vào những công ty phát triển metaverse trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh để trở thành trung tâm toàn cầu của cơn số kỹ thuật số mới này.
Tuần trước, Ủy ban Metaverse trực thuộc Hiệp hội truyền thông và di động Trung Quốc đã kết nạp thêm 17 thành viên mới là những công ty công nghệ cao của nước này để "thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự và bền vững của Metaverse". Như vậy, ủy ban này đã có tổng cộng 112 thành viên.
Ủy ban Metaverse được thành lập vào tháng 10 năm ngoái bởi công ty viễn thông nhà nước China Mobile, để các công ty thành viên thảo luận về những quy tắc, chính sách và dự án mới. Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc từng nhấn mạnh đây không phải xu hướng nhất thời mà là xu hướng quan trọng cần được chú tâm đầu tư về lâu dài.
CNBC cho biết, Trung Quốc thành lập những ủy ban như vậy để thúc đẩy sự phát triển cũng như đảm bảo năng lực dẫn đầu của quốc gia này trong các lĩnh vực công nghệ được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh. Trước đó, Trung Quốc đã thành lập ủy ban tương tự đối với lĩnh vực blockchain.
Theo một thống kê, chỉ trong năm ngoái, đã có hơn 1.000 công ty Trung Quốc công bố hơn 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse. Những "ông lớn" Internet như Tencent, Baidu và Alibaba đều đã đăng ký các nhãn hiệu liên quan đến metaverse trong những tháng gần đây với hi vọng trở thành người thống trị lĩnh vực này ở Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, Alibaba đã khởi động "Triển lãm nghệ thuật Metaverse" để tăng doanh số bán hàng trong sự kiện mua sắm "Ngày độc thân 11-11". Trước đó, vào tháng 8, ByteDance đã đầu tư 9 tỷ nhân dân tệ để mua lại nhà sản xuất phần cứng thực tế ảo Pico. Trong khi đó, ông lớn Tencent thậm chí đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này từ năm 2019 trong một thỏa thuận hợp tác trị giá 45,3 tỷ USD với Roblox.
Cách đây không lâu, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán metaverse có thể phát triển thành một ngành trị giá 8 tỷ USD chỉ riêng tại Trung Quốc. Một chuyên gia nhận định rằng dù đi sau các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực metaverse như Mỹ nhưng Trung Quốc đang có động thái mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nó.
Nhà phân tích Chenyu Cui cho biết: "Khái niệm metaverse vẫn chưa được xác định rõ ràng và nó rộng đến mức bất kỳ công ty nào cũng có thể tham gia vào, ngay cả khi họ thực sự không liên quan gì đến nó. Ai cũng muốn trở thành một phần của đột phá công nghệ mới này. Metaverse giúp các công ty khởi nghiệp thu hút đầu tư và giúp những công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán có cơ hội tăng giá cổ phiếu".
"Mặc dù metaverse là xu hướng đang ‘hot’ hiện nay nhưng không phải công ty nào cũng tồn tại được lâu dài. Điều đó phụ thuộc vào những gì họ thực sự cung cấp", Cui nhận xét thêm.
Ảnh minh họa: Internet.
Trong những tháng gần đây, một số thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, đã đưa metaverse vào các kế hoạch phát triển của mình đồng thời khuyến khích sự phát triển của những công ty về lĩnh vực này.
Tháng trước, một quận ở Bắc Kinh đã thành lập quỹ để hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp và nghiên cứu về metaverse. Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải gần đây đã mở một hội trường ảo - nơi mà họ dự định biến thành một cổng thông tin trực tuyến để các công ty tương tác với mình.
Nhờ nhiều nỗ lực đầu tư và sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng nhiều công ty công nghệ ở Trung Quốc đã bắt đầu gia nhập thị trường metaverse. Điều này giúp tạo ra một lượng công việc mới.
CEO của một startup về công nghệ ở Bắc Kinh cho biết công ty của anh đã tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn trải nghiệm nhập vai trong thế giới ảo. Theo anh, một nửa số khách hàng là người trẻ trong độ tuổi từ 18 – 27.
Theo một nhà phân tích, sự phát triển của một metaverse có thể được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là thế giới ảo mô phỏng cuộc sống thực, bao gồm các hoạt động xã hội và giải trí với trải nghiệm nhập vai 3D. Với sự trợ giúp của nhân vật đại diện ảo, cuộc sống hàng ngày có thể được mở rộng vào thế giới trực tuyến song song, tạo ra trải nghiệm chân thực cho người dùng. Trong giai đoạn này, mảng game trực tuyến chiếm tới một nửa thị phần. Nửa còn lại thuộc về truyền thông xã hội và các hình thức giải trí khác như âm nhạc.
Sau đó, metaverse sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nơi thế giới mô phỏng mở rộng hơn nữa trên các ngành công nghiệp khác nhau. Những công nghệ mới như thực tế tăng cường và thực tế ảo sẽ thay đổi cách mọi người làm việc, mua sắm và tận hưởng tất cả các dịch vụ khác. Ranh giới giữa thế giới thực và ảo bắt đầu mờ đi trong giai đoạn này.
Nguồn: FT, DI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI