Vụ việc mất tiền 500 triệu đồng trong tài khoản của một khách hàng VIP của ngân hàng Vietcombank qua internet banking suốt vài ngày nay bỗng thành đề tài "hot" không thua gì các scandal của giới showbiz.
Việc bình luận, phân tích và đề xuất các giả thiết có thể xảy ra vẫn được dư luận hết sức chú ý.
Chưa biết ai đúng ai sai nhưng thiệt hại thấy rõ
Dù vụ việc vẫn đang còn trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận chính thức nhưng thiệt hại thì đã thấy rõ trước mắt. Về phía khách hàng thì chưa biết đến khi nào mới có thể thu hồi số tiền 200 triệu đã bị kẻ gian rút ở Malaysia, còn về phía Vietcombank thì uy tín phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Đứng trên lợi ích tổng thể của xã hội, điều này gây thêm tâm lý bất an khi Nhà nước đang khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng – vốn là xu thế chung dựa trên ứng dụng của khoa học kỹ thuật và không thể đảo ngược trong thế giới văn minh - sẽ khó khăn hơn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm của mình.
Bình tĩnh và bỏ ra chút ít thời gian sử dụng công cụ tìm kiếm Google sẽ thấy, việc tổn thất của xã hội nói chung, cả Việt Nam và quốc tế, kể từ khi bắt đầu có dùng giao dịch trực tuyến đến nay là không hề ít. Các vụ việc "mất mát" trải rộng trên khắp các lĩnh vực dịch vụ mà đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng. Thế nhưng mức độ về quy mô số lượng giao dịch, giá trị bình quân mỗi giao dịch vẫn gia tăng vì những tiện ích mà giao dịch qua mạng đem lại cho người tiêu dùng.
Không chỉ là trách nhiệm của Vietcombank và khách hàng
Người tiêu dùng khi họ trả phí để sử dụng dịch vụ luôn kèm theo yêu cầu người cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của họ. Yêu cầu chính đáng này còn được pháp luật bảo vệ ở việc "khi chứng minh được lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thì nhà cung cấp phải bồi thường".
Nhà cung cấp dịch vụ muốn bán được sản phẩm thì mặc nhiên phải thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, mặc nhiên khi đưa ra sản phẩm để bán thì phải chỉ rõ cách sử dụng, cũng như đưa ra các khuyến cáo cần thiết để người tiêu dùng biết, để họ cân nhắc cẩn trọng, cũng như để họ có đủ dữ kiện mà so sánh giữa lợi ích và rủi ro nếu có... trước khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ. Và nếu như người tiêu dùng vì lý do nào đó mà không thực hiện đúng, đầy đủ các khuyến cáo...thì rủi ro xảy ra khi sử dụng dịch vụ họ phải chịu.
So với các vụ hacker đã hack tiền qua mạng ở các ngân hàng trên thế giới, tổn thất đã xảy ra ở Vietcombank chưa phải là lớn nhưng mức độ hot lại thuộc vào top đầu bởi lẽ đây là ngân hàng đứng đầu hệ thống.
Đứng trên phương diện vi mô, Vietcombank trước tiên cần phối hợp cùng với khách hàng của mình, với cơ quan công an để tìm ra sự thật mà khắc phục hậu quả. Trước khi có đủ các chứng cứ chắc chắn để có kết luận chuẩn xác thì mọi nhận định "như đúng rồi" hay theo kiểu "phản ứng nhanh" đều khó thuyết phục, thậm chí còn có tác dụng ngược.
Còn đứng trên phương diện vĩ mô, khi vụ việc không được minh định rõ ràng sẽ làm giảm niềm tin của người dùng vào các dịch vụ trực tuyến mà hệ thống NHTM đang cung cấp.
Không chỉ Vietcombank mà ở bất cứ ngân hàng nào cũng vậy, nếu chẳng may xảy ra sự việc tương tự, trách nhiệm đầu tiên cần xem xét là nhà cung cấp dịch vụ. Điều này xảy ra một phần do lỗi của các ngân hàng, của các nhà cung cấp dịch vụ thương mại qua mạng vì họ đã không minh bạch thông tin, không cung cấp đầy đủ cho khách hàng của mình về các khả năng rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng dịch vụ.
Nhưng khách hàng cũng không phải vô can nếu như ngân hàng đã có những cảnh báo về các rủi ro mà họ vẫn lờ đi, không coi trọng vấn đề, để đến khi xảy ra sự việc mới cuống cuồng tìm kiếm sự hỗ trợ.
Ngoài ra, cần lắm một cơ quan chuyên môn, ở đây có thể là Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan công an, đóng vai trò bên thứ ba để xử lý khi vụ việc xảy ra, như thế mới tránh được dư luận về sự đổ thừa vẫn rất hay xảy ra hiện nay, gây oan sai và thiệt hại cho một bên nào đó. Có như vậy thì mong muốn có một xã hội hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng tiền mặt, phát triển được thương mại điện tử mới sớm thành hiện thực.
Phải minh bạch thông tin để các ngân hàng cạnh tranh sòng phẳng, người dùng chọn được nhà băng tốt nhất
Vì sao lại như vậy? Rõ ràng ở đây vẫn có sự chưa minh bạch thông tin. Một chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nước ta đang dần được hoàn thiện, các văn bản luật về giao dịch dịch vụ-thương mại trực tuyến vẫn đang có nhiều lỗ hổng, sự cạnh tranh lành mạnh vẫn còn là một khái niệm cần phấn đấu... thì việc giấu nhẹm những thông tin như trên, vô hình chung đã làm giảm mức độ cảnh giác của người tiêu dùng. Khi người dùng ít cảnh giác thì áp lực lên nhà cung cấp dịch vụ cũng không đủ lớn để buộc họ phải ngày ngày tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình.
Trong khi đó, hàng ngày người ta lại “bội thực” với những thông tin về những "cái nhất", những giải thưởng của các ngân hàng. Giữa một rừng cái tốt trong khi cái xấu lại bị giấu đi, thử hỏi làm sao người dùng có thể thông thái mà phân biệt được mức độ an toàn hay khả năng rủi ro khi muốn quyết định sử dụng sản phẩm của ngân hàng này hay của nhà băng khác?
Chính vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra cho cơ quan quản lý ngay lúc này là phải minh bạch thông tin hơn nữa. Có như vậy, các ngân hàng mới nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp không những đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng mà còn giúp hạn chế những tổn thất đến mức thấp nhất, đặc biệt là với tội phạm mạng. Đó cũng là động lực để các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, giúp phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung.
Theo CafeF/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?