Vừa ra mắt, ổ SSD đầu bảng của Samsung đã có hàng nhái: Thiết kế giống hệt, giá rẻ hơn 7 lần nhưng tốc độ cũng...chậm hơn 7 lần
Bản 'nhái' của SSD Samsung 990 PRO khiến người dùng khó phân biệt về mặt bao bì, nhưng hiệu năng thực tế lại 'tố giác' đây không phải hàng chính hãng.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Samsung đã ra mắt mẫu SSD Samsung 990 PRO phiên bản có dung lượng 4TB. Đây được coi là mẫu ổ SSD đầu bảng của Samsung, đồng thời cũng là một trong những ổ SSD chuẩn PCIe 4.0 NVMe nhanh nhất trên thị trường hiện nay. Mẫu ổ này có tốc độ đọc ghi tuần tự cực nhanh là 7.450 MB/giây và 6.900 MB/giây, cùng tốc độ ngẫu nhiên là 1400K/1550K IOPS. Để đạt được điều này, 990 Pro sử dụng bộ điều khiển Samsung Pascal mới và chip flash NAND công nghệ V-NAND (V8) thế hệ thứ tám của Samsung.
Được đánh giá là một trong những ổ SSD tốt nhất trên thị trường hiện nay, không ngạc nhiên khi một số phiên bản làm giả, nhái ổ Samsung 990 Pro với giá rẻ đã bắt đầu xuất hiện tràn lan trên thị trường. Tất nhiên, những sản phẩm như vậy thường có hiệu năng thua xa bản gốc, khiến khiến nhiều người mua cảm thấy bất ngờ. Đây là những gì vừa xảy ra sau khi "nukklear" - một người dùng trên mạng xã hội Reddit thử đặt mua ổ SSD 4TB "990 Pro" tại sàn thương mại điện tử của Trung Quốc AliExpress với mức giá 39 USD chỉ để phục vụ “mục đích khoa học”. Khá trớ trêu, với giá bán rẻ hơn 7 lần so với hàng chính hãng (giá 299 USD), hiệu năng của mẫu ổ 'hàng nhái' này cũng kém hơn đúng 7 lần!
Sử dụng linh kiện giá rẻ, không rõ nguồn gốc
Xét về mặt thiết kế bao bì và nhãn dán sản phẩm, phiên bản nhái “990 Pro” đã cố gắng sao chép kĩ càng sao cho giống bản gốc nhất có thể, khiến người mua ít kinh nghiệm khó nhận biết và dễ bị lừa. Tuy nhiên, trong mắt những người dùng kinh nghiệm, sự khác biệt giữa hàng nhái và hàng thật vẫn có thể nhận ra. Chẳng hạn, font chữ được sử dụng để in lên nhãn dán của ổ khác với font chữ thường Samsung sử dụng, với phần gạch chân trông dày nét hơn.
Bản thân việc Samsung không được đề cập trên nhãn dán hoặc bao bì là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nhà sản xuất chiếc "990 Pro" này là Delaihe Electronics Co., "Tltd", một công ty thực chất không tồn tại. Đường link dẫn đến trang web và mã QR của ‘nhà sản xuất’ này cũng là giả mạo.Tất nhiên, những người dùng có kinh nghiệm đều biết rõ việc Samsung sản xuất ổ Samsung 990 Pro tại Hàn Quốc, trong khi bản nhái "990 Pro" từ AliExpress được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo người dùng Reddit nukklear, nhà sản xuất mẫu ổ SSD nhái này đã xóa tên mã của bộ điều khiển SSD, vốn thường được in trên bề mặt. Tuy nhiên, nhà sản xuất này đã…sơ hở khi vẫn để tên mã bộ điều khiển SSD ở phía sau PCB của ổ đĩa. Cụ thể, ổ SSD này sử dụng Realtek RTS5765DL, bộ điều khiển không có DRAM PCIe 3.0 x4. Nó có hỗ trợ bốn kênh NAND và tốc độ lên tới 1.200 MT/s.
Cũng cần nói thêm, RTS5765DL là lựa chọn phổ biến của những ‘gian thương’. Ví dụ: một người dùng được cho là đã mua một chiếc Samsung 980 Pro 2TB trên Amazon hai tháng trước. Chiếc ổ SSD nhái này cũng sử dụng bộ điều khiển SSD RTS5765DL. Dĩ nhiên, RTS5765DL có hiệu năng và chất lượng kém hơn nhiều so với bộ điều khiển SSD Pascal PCIe 4.0 trang bị trên Samsung 990 Pro chính hãng. Xét về bộ nhớ flash NAND "990 Pro" sử dụng TK1YL3IBDM4 NAND, một loại NAND dường như không tồn tại.
Theo Tomshardware, loại NAND này có thể hàng tái chế hoặc loại rẻ tiền. Bản thân các ‘gian thương’ sẽ tự…đặt tên mã cho linh kiện hàng ‘dựng’ này. Đương nhiên, bên cạnh các nhận biết bằng mắt thường, người dùng có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng Samsung Magician của Samsung để phân biệt thực – giả. Đương nhiên, mẫu ổ nhái “"990 Pro" đã không vượt qua bài kiểm tra tính xác thực của Samsung Magician. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là mẫu SSD nhái này đã vượt qua bài kiểm tra GRC ValiDrive, một ứng dụng miễn phí có chức năng xác minh dung lượng thật của thiết bị. Điều này cho thấy, người dùng nukklear đã nhận được một mẫu ổ SSD có dung lượng thực là 4TB, nhưng không phải là Samsung 990 Pro.
Xét về hiệu năng, người dùng này đã thử nghiệm "990 Pro"sau khi lắp vào box SSD Ugreen M.2 gắn ngoài. Kết quả cho thấy, “990 Pro” cung cấp tốc độ đọc và ghi tuần tự lần lượt là 1.000 MB/s và 628 MB/s trong CrystalDiskMark. Bộ nhớ NAND bí ẩn (và có lẽ có tốc độ chậm chạp) đã khiến chiếc ổ SSD không đạt được hiệu suất tối đa mà bộ điều khiển RTS5765DL có thể đạt được. Ngược lại, Samsung 990 Pro chính hãng thực sự đạt tốc độ đọc ghi tương ứng lên tới 7.450 / 6.900 MB/s. Như vậy, phiên bản ‘nhái’ có hiệu năng chậm hơn 7 lần so với hàng chính hãng.
Về hiệu suất trong thực tế, người dùng nukklear ghi nhận tốc độ truyền dữ liệu ban đầu của “990 Pro” là 100 MB/s trước khi giảm xuống 30 MB/s và cuối cùng duy trì ở mức dưới 10 MB/s. Người dùng này cũng đã thử nghiệm "990 Pro" với ứng dụng tạo ổ USB có thể boot được là RMPrepUSB, nhưng ổ đĩa đã không được Windows nhận diện.
Chiếc ổ SSD này sau đó đã xuất hiện trở lại trong Windows dưới dạng "ổ Realtek thuộc loại nào đó", dựa trên bộ điều khiển SSD RTS5765DL của Realtek. Tuy nhiên, chiếc SSD cuối cùng đã ngừng hoạt động và có lẽ đã “trút hơi thở cuối cùng” - theo mô tả của người dùng nukklear.
Tham khảo Tomshardware
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"