WCG 2011: Thành công nhỏ và nỗi buồn lớn?

    PV, S&L 

    Một kỳ WCG sạch nhưng nhiều điều đáng suy nghĩ.

    Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp cuối hè, World Cyber Game - giải đấu chính thống, lớn và nổi tiếng bậc nhất của làng eSport lại diễn ra tại Việt Nam. Bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2002, suốt 9 năm vừa qua, WCG đã trở thành một sự kiện không thể thiếu trong làng eSport. Diễn ra tương đối thành công, tuy nhiên, có nhiều điều cần phải nói sau kỳ WCG 2011 vừa kết thúc cách đây vài giờ.
     
    Thành công nhỏ
     
    Xét một cách công bằng thì kỳ WCG 2011 diễn ra một cách hết sức tốt đẹp. Không có bất cứ rắc rối, lộn xộn, không có vụ "xích mích chân tay" (như WCG 2009, EGT 2008) nào diễn ra trong khu vực thi đấu, không có tranh cãi nào về quá tiến trình, bốc thăm chia lịch thi đấu (như WCG 2008), không có các sự cố điện hay máy móc lớn nào (như EGT 2008), không có tình huống dis connect gây hậu quả nghiêm trọng nào (những tình huống lẻ tẻ như đứt mạng game Sushido tạm bỏ qua)... Nói chung, WCG 2011 là một giải đấu gần như "sạch" không tỳ vết.
     
     
    Tất nhiên, có được sự thành công này chúng ta phải kể đến kinh nghiệm và khả năng tổ chức tương đối tốt của BTC. Họ là những người đã gắn bó với eSport Việt Nam từ lâu, có thừa kinh nghiệm trong việc tổ chức và điều hành hệ thống giải đấu eSport.
     
    Một thành công không thể không nhắc đến là việc WCG đã khôi phục được phần thưởng "danh giá" nhất của mình: suất đi thi đấu tại World Cyber Games Grand Final sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào đầu tháng 12 tới đây. Xét cho cùng, đây là một nỗ lực đáng kể của BTC.
     
    Nỗi buồn lớn
     
    Bạn sẽ thấy kỳ lạ tại sao tôi lại coi một giải đấu diễn ra thành công gần như tuyệt đối là một thất bại thậm chí có thể coi là một thất bại lớn với eSport Việt? Đơn giản, bởi WCG 2011 đã bộc lộ hết những sự yếu kém, dấu hiệu của sự sụp đổ và là dấu mốc rất gần với cái chết của làng eSport Việt, ít nhất, với các bộ môn eSport đúng nghĩa (hay có người gọi là truyền thống).
     
    Chắc hẳn các bạn sẽ đặt câu hỏi tại sao trong phần đầu của bài viết này, tôi đề cập đến một loạt các giải đấu eSport lớn trước đó với những "hạt sạn" to nhất của chúng? Tất nhiên, không phải tôi muốn lôi ra và nhắc lại những thất bại đó, càng không phải tôi lấy chúng để "tôn" sự thành công của WCG 2011. Đơn giản là vì dù còn nhiều sạn, còn nhiều điều phải nói thì nhìn từ một vài khía, đó vẫn là những giải đấu eSport thành công hơn hẳn WCG năm nay. Vì sao ư?
     
    WCG hay ngày hội PR cho game online
     
    Sự thật một trong những ấn tượng lớn nhất của kỳ WCG này là hoạt động PR quá rầm rộ và có phần lấn át "chủ" của Chiến Thần. Vẫn biết, có tiền là có tất nhưng việc toàn bộ (hay ít nhất là hầu hết) PG trong WCG này đều quảng cáo cho Chiến Thần. Các trò chơi thư giãn không của Kingsoft thì lại của... Chiến Thần. Các phần quà cho trò chơi "bổ trợ" cũng là các ưu đãi dành cho game thủ Chiến Thần.
     

    Không chỉ thế, khu vực chơi game Chiến Thần luôn được ưu tiên cao nhất kể cả về tần suất sử dụng màn hình lớn, vị trí, cách tiếp cận... Nói chung, nếu không biết, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đây là ngày PR của tựa game này.
     
    World Cyber Game không còn thu hút và... nhạt
     
    Thực tế, có thể coi WCG năm nay là một trong những kỳ WCG có lượng người tham gia... ít nhất. Thực tế đã chứng minh khi mà Cyzone (một không gian khá chật chội) lại không có dấu hiệu bị quá tải cho dù vào thời điểm khai mạc đi chăng nữa. Đến ngày thứ hai, mọi việc còn có vẻ tồi tệ hơn khi hầu như giải đấu không có khán giả (rất ít). Ngay cả những game thủ bị loại hầu hết đề bỏ về ngay chứ không nấn ná ở lại xem như mọi năm.
     
    Đã từng có mặt tại gần như đầy đủ các kỳ WCG từ trước tới nay (vắng duy nhất năm 2002) thì WCG 2011 là kỳ WCG... nhạt nhất. Không còn cảm giác hồi hộp, vui vẻ, cảm giác cạnh tranh cũng như sự hứng thú theo dõi các trận đấu. Lần đầu tiên trong suốt lịch sử theo dõi WCG của mình, tôi có cảm giác muốn về và mệt mỏi trước khi giải đấu kết thúc.
     
    Sợ rằng đây chỉ là cảm giác của riêng mình, tôi đã có vài cuộc trao đổi nhỏ với một số thành viên thuộc hàng gạo cội của eSport Việt. Tất cả đều chung một cảm giác WCG năm nay "nhạt" hơn hẳn mọi năm.
     
    Khi lửa đã tắt
     
    Trong các bộ môn eSport truyền thống, duy nhất Fifa là còn "sống sót" và có mặt trong nội dung thi đấu của WCG 2011. Các bộ môn khác, các nội dung từng thu hút hàng ngàn, chục ngàn game thủ nay đã bị loại bỏ một cách không thương tiếc khỏi ngày hội được sinh ra bởi chính mình. Đương nhiên, quyết định này là hợp lý khi mà thực tế các Starcraft, Warcraft... đã không còn tồn tại một cộng đồng đủ lớn từ lâu. Không có người mới, trong khi những gương mặt cũ cứ dần dần từ bỏ niềm đam mê của mình một thời.
     
     
    Khi mà cộng đồng cũ đã chết, cộng đồng mới chưa kịp định hình. Khi mà eSport không còn là đam mê lớn nhất, sự nhiệt tình của các game thủ với giải đấu, với game, với cộng đồng đã giảm đến mức thấp nhất. Thấp đến mức họ sẵn sàng bỏ về ngay sau khi thất bại mà không thèm ở lại xem các đối thủ của mình đánh ra sao, như thế nào. Thiếu lửa đến mức mà khắp nhà thi đấu, rất ít những tiếng reo hò, cổ vũ, trầm trồ như những giải đấu trước đây.
     
    Kỳ WCG này không có chuyện game thủ chen lấn như kỳ EGT mà tôi còn làm trọng tài. Không có cảnh game thủ tìm mọi cách tiếp cận khu vực thi đấu để xem, để chiêm ngưỡng những "thần tượng" của mình so tài. Tất nhiên, không phải "an ninh" tốt hơn mà đơn giản là họ không còn động lực, không còn hứng thú theo dõi những trận đấu ngay cả khi nó là cuộc so tài đỉnh cao đi chăng nữa.
     
    Tất nhiên, tôi không có ý vơ đũa cả nắm. Vẫn còn những con người nhiệt tình và cháy hết mình với WCG. Trên tầng 2 của Cyzone, vẫn là những tiếng reo hò, cổ vũ quen thuộc trong trận thắng 5 sao của proA.niar trước đại diện đến từ UDF, vẫn là những màn ăn mừng sau chức vô địch của đồng đội... Tuy nhiên, nó quá ít. Ngọn lửa tạo ra bởi vài người sao có thể bằng cả trăm người trước đây? Liệu vài người có đủ để duy trì một cộng đồng, một giải đấu hay không? Câu trả lời có lẽ là không, nhất là khi đó vẫn là những gương mặt cũ, những gương mặt đã quá quen thuộc và chắc chắn, chỉ 1 hay vài năm nữa thôi, họ sẽ tiếp tục nói lời tạm biệt với Fifa.
     
     
    Ngay cả những clan hàng đầu cũng tỏ ra đuối sức. Nhớ lại hai năm trước, mỗi khi proA thi đấu, hàng chục đồng đội của họ (ngay cả ở những môn khán) reo hò cổ vũ tại ngay chính Cyzone này. Hôm nay, khi proA thất bại ở chung kết nhánh thua, không biết có bao nhiêu proA khác theo dõi nhưng không có làn sóng reo hò động viên tinh thần như xưa.
     
    Nhưng vẫn còn hi vọng
     
    Khi những cộng đồng truyền thống đi xuống, những cộng đồng mới đang có dấu hiệu bắt đầu. Phải công nhận rằng khu vực sôi động nhất của Cyzone hai ngày WCG là khu đấu CF. Ngay cả khi hai trận bán kết bắt đầu, vẫn còn rất rất nhiều người quan tâm theo dõi. Vẫn những tiếng reo hò làm sống dậy không khí WCG ở phòng game Cyzone.
     
    Kết
     
    Hôm nay là ngày kết thúc WCG 2011, một kỳ WCG "sạch" hiếm có trong lịch sử eSport Việt. WCG 2011 đã thành công nhưng ngược lại, nó đem lại quá nhiều nỗi lo cho những người có tâm với cộng đồng.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ