Đó là kết quả của chiến dịch tiêm chủng mở rộng kéo dài 22 năm.
Hơn 50 năm kể từ liều vắc-xin sởi đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày hôm qua chính thức tuyên bố: Bệnh sởi đã hoàn toàn bị xóa sổ khỏi Châu Mỹ. Điều đó có nghĩa là không chỉ nước Mỹ, cả một châu lục trải dài từ Canada tới Chile đã an toàn trước căn bệnh nguy hiểm này.
Sởi là một căn bệnh phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng bao gồm: viêm phổi, giác mach, mù mắt, sưng não và thậm chí tử vong. Châu Mỹ là khu vực đầu tiên trên thế giới loại bỏ được căn bệnh này. Đó là kết quả của một nỗ lực kéo dài 22 năm với các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella khắp châu lục.
Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh sởi bị xóa sổ khỏi Châu Mỹ
“Hôm nay là một ngày lịch sử đối với khu vực chúng tôi và thực sự là cả thế giới”, Carissa Etienne, giám đốc Tổ chức Y tế Pan American cho biết. “Đó là bằng chứng cho thấy những dấu mốc thành công có thể đạt được khi các quốc gia hợp tác và đoàn kết hướng tới một mục tiêu chung”.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng ngay cả khi tuyên bố xóa sổ bệnh sởi khỏi Châu Mỹ, virus sởi vẫn hiện diện tại khu vực này ở mức độ thấp. Tính từ đầu năm, riêng Hoa Kỳ có 54 trường hợp nhiễm bệnh. Nhưng đó là tất cả những ca bệnh bắt nguồn từ ngoài Châu Mỹ và được đưa đến bởi khách du lịch.
Nước Mỹ đã tuyên bố xóa sổ bệnh sởi từ 16 năm trước. Dịch bệnh lớn nhất tự bùng phát ở Châu Mỹ cũng đã xảy ra từ năm 2002 tại Venezuela.
Điều đó chỉ ra một thực tế rằng xóa sổ một căn bệnh khỏi khu vực, dù rộng lớn như Châu Mỹ, không có nghĩa là chúng ta đã tận diệt chúng hoàn toàn. Với sự bùng nổ kết nối toàn cầu ngày nay, bệnh truyền nhiễm luôn có cơ hội trở lại một khi chúng ta chưa xóa sổ chúng trên toàn hành tinh.
Cho đến nay, con người mới chỉ làm được điều đó với duy nhất một căn bệnh. Đó là đậu mùa. Việc phát triển và áp dụng thuốc chủng ngừa đậu mùa này từ năm 1796 đã khiến nó bị xóa sổ vào năm 1980. Ca đậu mùa cuối cùng được ghi nhận trên thế giới là vào năm 1977.
Bên cạnh tin vui từ Châu Mỹ, chúng ta cũng đang tiến đến một mốc rất gần để xóa sổ căn bệnh thứ hai trên toàn thế giới: bệnh giun Guinea ký sinh. Cho đến nay chỉ còn 4 quốc gia báo cáo sự tồn tại của căn bệnh này. Và họ cũng đang trong quá trình chiến đấu tích cực để tận diệt nó bằng các dự án liên quan đến nước sạch.
Sởi đã được xóa sổ khỏi Châu Mỹ nhờ chiến dịch tiêm chủng mở rộng rất thành công
Trở lại bệnh sởi, xóa sổ chúng không có nghĩa là Châu Mỹ lúc này có thể thả lỏng chiến dịch tiêm chủng của họ. Bệnh sởi đã được loại bỏ thông qua “miễn dịch cộng đồng”. Điều đó có nghĩa là khoảng 90 -95% dân số được chủng ngừa chống lại bệnh sởi.
Điều này góp phần bảo vệ tỷ lệ nhỏ phần trăm những người không được chủng ngừa bao gồm trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch và những người vắc-xin không có tác dụng với họ. Một khi tỷ lệ tiêm chủng vị giảm xuống, bệnh có thể bùng phát trở lại. Một trường hợp đã xảy ra tại California năm 2014.
Bên ngoài Châu Mỹ, bệnh sởi vẫn rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng công việc của chúng ta trên những mặt trận này vẫn chưa được hoàn thành”, Etienne nói. “Chúng ta chưa thể tự mãn với thành quả này mà phải bảo vệ nó một cách cẩn thận”.
Bằng cách tiếp tục chiến dịch tiêm chủng, tiếp tục giáo dục cộng đồng, hi vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể vui mừng thông báo rằng bệnh sởi đã bị xóa sổ trên toàn thế giới. Đó hẳn sẽ là một niềm vui trọn vẹn hơn.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI