Một điều không thể phủ nhận: Với hơn 18 triệu bài viết dưới 279 ngôn ngữ khác nhau, Wikipedia đã trở thành nơi lưu trữ lớn nhất tri thức của nhân loại từ xưa đến nay. Trong thập kỷ đầu tiên hoạt động, nó đã giúp xóa đi khoảng cách giữa tri thức và mạng internet, vốn được coi là gần như chẳng liên quan gì tới nhau vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra, đó là kho kiến thức mới chỉ tồn tại 1/10 thế kỷ này liệu có được tiếp nhận như những nguồn tri thức cổ đại với khoảng thời gian tồn tại có thể tính theo thiên niên kỷ?
Tất nhiên
người sáng lập trang bách khoa toàn thư mở này, ông Jimmy Wales rất tin tưởng vào tương lai của Wikipedia. Trong tuần này Wikipedia Foundation sẽ có một chiến dịch hoạt động để đưa trang web của họ vào danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, UNESCO. Nếu được chấp nhận, Wikipedia.org sẽ được công đồng thế giới bảo vệ và gìn giữ như một di sản Văn hóa của nhân loại.
Công bằng mà nói, việc Wikipedia trở thành di sản nhân loại cũng chỉ là vấn đề mang tính thời gian. Vì từ trước tới nay, chưa từng có trang web nào thành công trong việc tạo nên một thư viện ảo lưu trữ khối lượng tư liệu và kiến thức khổng lồ của nhân loại như Wikipedia. Chưa kể, Wikipedia cũng cho rằng họ đáp ứng được điều kiện tiên quyết của UNESCO khi bình chọn di sản thế giới: “một kiệt tác tạo ra từ sự sáng tạo của con người”.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi người đều được tiếp cận miễn phí với nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại? Trong 10 năm qua, ý tưởng có vẻ như điên rồ ấy đã trở thành kho dữ liệu về tri thức con người lớn nhất từ trước tới nay.” Wikipedia Foundation đã nói như vậy trên trang Wikipedia 10, một trang web được lập ra để
chào mừng Bách khoa toàn thư mở tròn 10 năm.
“Tự do, phi lợi nhuận và không hề bị cấm đoán, tất cả những tính chất ấy đã biến Wikipedia trở thành kẻ đi tiên phong trong việc chuyển đổi những nguồn tri thức truyền thống sang môi trường mạng internet hiện đại của kỷ nguyên kỹ thuật số.”.
Về phần UNESCO, từ trước đến nay tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này luôn ghi nhận những tiến bộ kỹ thuật như một sự thay đổi quan trọng trong những giá trị của nhân loại, bỏ qua những khoảng cách địa lỹ và thời gian. Wikipedia thực sự là một nơi thể hiện sự đột phá trong công nghệ lẫn sự sáng tạo của con người.
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực tri thức và khối lượng kiến thức mà Wikipedia đem lại cũng có thể so sánh với Bảo tàng Alexandria, nguồn thông tin khổng lồ về quá khứ của nhân loại. Tuy nhiên, một vấn đề mới nảy sinh khi những di sản thế giới được UNESCO bảo vệ thường là những công trình lưu giữ những giá trị văn hóa trong quá khứ hoặc những tuyệt tác trong thiết kế. Lấy ví dụ điển hình là Bảo tàng Alexandria, nó đã trở thành di sản văn hóa một phần cũng nhờ kiến trúc độc đáo. Nếu như vậy, ai sẽ đánh giá những cụm máy chủ vật lý khổng lồ hoạt động suốt ngày đêm của Wikipedia là một “di sản”, trong khi đáng lẽ ra những nội dung và dữ liệu được lưu trữ bên trong những máy chủ ấy mới là thứ đáng để đánh giá?
Sự cần thiết phải ghi nhận những cố gắng trong việc lưu giữ kiến thức nhân loại và chia sẻ chúng miễn phí trên mạng Internet của Wikipedia có lẽ đã rõ ràng. Một vài ý kiến cho rằng, cái mà Wikipedia Foundation thực sự cần là sự trợ giúp tài chính của Liên Hợp Quốc để “đánh bóng”, hay nói cách khác là nâng cấp hệ thống máy chủ của họ, với mục đích đem kho tri thức khổng lồ của Wikipedia đến được với nhiều người hơn. Tuy nhiên vấn đề tài chính đối với Wikipedia Foundation quả thực không còn quá quan trọng, khi
chiến dịch kêu gọi tài trợ của họ diễn ra từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 1 năm 2011 đã kết thúc cùng 21 triệu USD quyên góp được từ các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới.
Vì vậy có thể nhận định: Những nỗ lực của Wikipedia Foundation chỉ mang một mục đích đơn thuần là tạo dựng tầm ảnh hưởng vốn đã rất rộng lớn của trang bách khoa toàn thư trực tuyến này với cộng đồng cư dân mạng toàn thế giới. Tuy nhiên chặng đường đến với danh hiệu “Di sản văn hóa thế giới” của Wikipedia vẫn còn rất dài, và cũng còn rất gian nan, bởi nếu Wikipedia trở thành di sản, thì đây sẽ là lần đầu tiên một sản phẩm trí tuệ không phải dưới dạng vật lý của con người trở thành một “di sản” cần được toàn nhân loại bảo tồn.