Wikipedia nói Google "áp đặt độc quyền lên Internet", muốn tạo công cụ tìm kiếm riêng không quảng cáo

    Dee Tee,  

    Tổ chức này cần tới 3,5 triệu USD để thực hiện kế hoạch của mình.

    Hồi năm ngoái, từng có những tin đồn về việc Wikimedia, tổ chức sở hữu bách khoa toàn thư Wikipedia sẽ tung ra nền tảng tìm kiếm mã nguồn mở của riêng họ, và giờ nó đã trở thành sự thực. Dĩ nhiên, công cụ này sẽ miễn phí, và nhiều nhà phát triển sẽ thấy vui khi nó là một công cụ mã nguồn mở. Tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái trong chuyện này, đó là Google.

    Quay lại với kế hoạch phát triển nền tảng tìm kiếm và khoản đầu tư mà Wikimedia nhận để thực hiện sản phẩm của mình. Cho tới nay, một số tài liệu cho thấy bách khoa toàn thư Wikipedia đã nhận được khoản tiền 250.000 USD từ quỹ Knight. Về vấn đề này, chủ sở hữu Wikimedia nói:

    "Nền tảng kiến thức của Wikipedia sẽ được dân chủ hóa, giúp tất cả mọi người có thể khám phá thông tin, kiến thức và mọi điều họ muốn biết. Nó sẽ làm thế giới Internet trở nên dễ tiếp cận hơn công khai hơn và tạo ra một cơ sở dữ liệu hoàn toàn miễn phí, có thể sử dụng với mục đích thương mại.

    Ngày nay, các công cụ tìm kiếm thương mại (ám chỉ Google hay Yahoo) chiếm ưu thế trong cuộc chiến tìm kiếm trên Internet, và thông qua đó một số ông lớn trở nên độc quyền, cung cấp cho người dùng những gì họ muốn, ngăn cản chúng ta tới với kiến thức và thông tin thực sự.

    Thuật toán của họ che đi một phần thông tin đáng lẽ ra sẽ được thu thập và hiển thị theo yêu cầu của người dùng. Trong đó, có rất nhiều kiến thức thuộc về Wikipedia. Bởi vậy chúng tôi sẽ sớm đưa ra công cụ tìm kiếm của riêng mình, và giúp những thông tin từ Wikipedia nổi bật hơn với người dùng".

    Wikimedia tỏ ra khá minh bạch, khi cho biết các biên tập viên của trang bách khoa toàn thư cung cấp hầu hết các kiến thức trên hệ thống của họ sẽ không tham gia vào quá trình phát triển nền tảng tìm kiếm mới. Nghĩa là, chính Wikimedia muốn gửi tới người dùng thông tin thực sự khách quan, và sẽ chỉ dẫn về trang của họ nếu nó hữu ích với người dùng (có vẻ như điều này luôn xảy ra).

    "Chúng tôi không tạo ra thêm một phiên bản của Google, tầm nhìn của Wikimedia hướng tới kiến thức cho tất cả mọi người trong thế giới tự do. Wikipedia là dự án lớn và nổi tiếng nhất của chúng tôi, nhưng bên cạnh đó chúng tôi còn có Wikimedia Commons và Wikidata, tất cả đều có hàng triệu người sử dụng mỗi tháng. Và nếu có riêng một công cụ tìm kiến, chúng tôi tin rằng nó sẽ giúp đáp ứng tốt cho toàn bộ hệ thống kiến thức mà người dùng mong muốn".

    Thực tế, Wikimedia đã thuê một đội ngũ kỹ sư trong lĩnh vực nền tảng tìm kiếm, được giao nhiệm vụ ban đầu là tạo ra các đường link tốt hơn nhằm gắn kết tất cả thành một trung tâm tri thức mở có khả năng tìm kiếm. Sẽ có thêm nhiều nguồn dữ liệu mới, bắt đầu là OpenStreetMap, cũng như cải thiện khả năng tìm kiếm vốn hoạt động khá máy móc, không thể đưa ra các gợi ý theo ngữ cảnh.

    Thông qua các giấy tờ pháp lý Wikimedia đưa ra, có lẽ tổ chức này muốn hướng nền tảng tìm kiếm của họ vào 6 lĩnh vực chính dưới đây:

    1. Cơ chế cung cấp kết quả tìm kiếm chính xác.
    2. Minh bạch, chỉ đưa ra kết quả dẫn về các sản phẩm của Wikimedia nếu người dùng thực sự cần nó.
    3. Mở ra siêu dữ liệu cho tất cả mọi người, mang tới dữ liệu chính xác nhất cho các thông tin.
    4. Bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng, các tìm kiếm của họ sẽ được bảo vệ bởi các trình bảo mật nghiêm ngặt.
    5. Không quảng cáo, đảm bảo sự minh bạch và khách quan của các kết quả tìm kiếm. Tách hoàn toàn khỏi các lợi ích thương mại.
    6. Đặt cộng đồng chia sẻ thông tin lên hàng đầu. Củng cố niềm tin, thái độ và giá trị mà Wikimedia đã xây dựng bấy lâu nay.

    Ước tính, Wikimedia cần khoảng 3,5 triệu USD để thực hiện tất cả kế hoạch của họ, và sẽ còn một quãng đường dài từ con số 250.000 USD họ nhận được. Hệ thống mới sẽ tập trung vào trải nghiệm người dùng di động nhiều hơn, như một cách tiếp cận hiệu quả.

    Wikimedia từng là một ông lớn, họ cũng từng tham gia vào lĩnh vực tìm kiếm nhưng sau đó rút lui, và giờ đây họ lại hướng tới cạnh tranh với Google ở lĩnh vực mà đối thủ mạnh nhất. Nhưng nhiều người cho rằng đây là một mong muốn hão huyền, bởi cho dù họ có thể tạo ra một sản phẩm tốt, đó vẫn chỉ là lựa chọn phụ của người dùng chứ không thể thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng Google mà hầu hết đã gắn bó trong quãng thời gian dài.

    Hiện nay Google đang chiếm 67% thị trường tìm kiếm, tiếp sau là Bing khoảng 20%, và thứ 3 là Yahoo với khoảng 10%.

    Wikimedia vẫn đang tiến hành các cuộc tham vấn chiến lược từ cộng đồng. Tất nhiên họ vẫn đặt cao sự minh bạch, để không muốn tự biến mình thành một Google thứ hai, điều mà tổ chức này luôn đả kích.

    Tham khảo TNW

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ