WSJ tiết lộ mục tiêu chính đằng sau đòn trừng phạt Jack Ma: 'Kho báu' dữ liệu tín dụng nửa tỷ người của Ant
Chính quyền Trung Quốc đang muốn yêu cầu Ant phải chia sẻ "kho báu" dữ liệu tín dụng của nửa tỷ người.
Theo tờ WSJ, nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực khiến Jack Ma làm một điều mà vị tỷ phú đã khăng khăng từ chối từ lâu: Chia sẻ kho dữ liệu khổng lồ về dữ liệu tín dụng tiêu dùng.
Trong trường hợp đó, tờ WSJ nhận định rằng Jack Ma sẽ có rất ít cơ hội để thỏa thuận sau khi đế chế kinh doanh mà ông xây dựng trong nhiều thập kỷ qua đang gặp phải rắc rối lớn chưa từng có với chính quyền Trung Quốc.
Trung tâm của vấn đề là các nhà làm luật cho rằng Ant Group - công ty mà Jack Ma là cổ đông chính đang nắm trong tay lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với những đơn vị cho vay nhỏ thậm chí cả những ngân hàng lớn nhờ lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ thu thập được từ ứng dụng thanh toán và phong cách sống Alipay.
Ứng dụng này hiện được sử dụng bởi hơn 1 tỷ người. Nhờ đó họ nắm trong tay kho dữ liệu khổng lồ về thói quen chi tiêu, vay nợ và lịch sử thanh toán hóa đơn của người dùng.
Tận dụng khối lượng thông tin đó, Ant đã thực hiện các khoản vay cho nửa tỷ người. Tuy nhiên, cách thức của họ là cho vay thông qua nguồn vốn của 100 ngân hàng thương mại. Như vậy, các ngân hàng sẽ phải chịu hầu hết rủi ro nợ xấu từ người vay trong khi Ant chỉ bỏ túi lợi nhuận là bên trung gian.
Hiện tại, các nhà chức trách đang tìm cách chỉnh đốn lại mô hình kinh doanh đó – vốn chỉ có lợi cho Ant nhưng sẽ đi kèm với những tiềm năng rủi ro cho hệ thống tài chính của đất nước.
Để làm được điều đó, các nhà chức trách sẽ không chỉ thiết lập các quy định dành cho mảng cho vay của Ant như một ngân hàng – yêu cầu họ phải cung cấp nhiều hơn vốn riêng của mình cho các khoản vay mà họ cũng phải lên kế hoạch phá vỡ thế độc quyền của công ty về dữ liệu người dùng.
Ant hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
Nhân viên làm việc bên trong trụ sở Ant Group.
Một kế hoạch đang được cân nhắc là yêu cầu Ant phải chia sẻ dữ liệu vào hệ thống báo cáo tín dụng quốc gia được điều hành bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Một lựa chọn khác là Ant sẽ chia sẻ dữ liệu thông tin đó với công ty xếp hạng tín dụng cũng được điều hành bởi Ngân hàng trung ương.
Mặc dù Ant đang là cổ đông trong công ty xếp hạng tín dụng kể trên nhưng đến nay họ vẫn chưa chia sẻ dữ liệu.
"Làm sao để quản lý việc độc quyền dữ liệu là trọng tâm của vấn đề ở đây", theo một chuyên gia phân tích.
Ở Mỹ, các nhà làm luật cũng đang nỗ lực phá vỡ thế độc quyền của các công ty công nghệ lớn, bởi những công ty như Facebook và Google đều tận dụng lợi thế kho dữ liệu khổng lồ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Các hãng công nghệ lớn thì liên tục phủ nhận điều đó.
Một vài chuyên gia phân tích trong lĩnh vực công nghệ tài chính cho rằng một vài công ty như Ant phải chia sẻ dữ liệu tín dụng tiêu dùng vì lợi ích chung là đúng đắn. Hiện không rõ liệu các nhà chức trách có yêu cầu Ant phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu họ có hay không.
"Lịch sử tín dụng và điểm tín dụng nếu được công khai hơn là một điều tốt", theo Martin Chorzempa – một chuyên gia phân tích. "Như vậy có thể giúp hoạt động cho vay tăng tính cạnh tranh hơn và tránh tình trạng vay quá mức".
Trong nhiều năm, các nhà hoạch định tài chính của Trung Quốc mà đứng đầu là Ngân hàng Trung ương đã cùng nhau xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng giống với Mỹ. Nỗ lực này là một phần mở rộng sáng kiến "quản lý kỹ thuật số" nhắm tới việc khai thác dữ liệu và công nghệ với mức độ kiểm soát kinh tế và xã hội lớn hơn.
Jack Ma có lẽ là doanh nhân Trung Quốc có nhiều cải tiến, sáng tạo nhất suốt nhiều thập kỷ gần đây. Tập đoàn Alibaba của ông từng sử dụng dữ liệu họ có để giúp chính quyền tìm ra tội phạm. Khi dịch Covid-19 xảy ra, ứng dụng thanh toán Alipay của Ant trang bị thêm chức năng theo dõi truy vết để giúp chính phủ kiểm soát dịch.
Tuy nhiên trong 2 năm qua, Jack Ma đã chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm công khai dữ liệu tín dụng cá nhân của Ant.
Năm 2015, Ant thiết lập hệ thống chấm điểm tín dụng riêng của mình gọi là Zhima Credit. 3 năm sau, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho ra đời công ty báo cáo tín dụng cá nhân gọi là Baihang Credit và Ant, Tencent cùng 6 công ty khác đã được mời làm cổ đông chính của công ty này.
Ý tưởng được đưa ra là khiến Ant và những công ty khác phải chia sẻ dữ liệu tín dụng khách hàng sau đó có thể được truy cập bởi các tổ chức tài chính trên khắp cả nước.
Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại. Ant từ chối đóng góp dữ liệu của họ để duy trì khả năng cạnh tranh. Bản thân Jack Ma những tháng gần đây đã lỡ miệng khi lên tiếng chê các nhà băng Trung Quốc và các quy định của chính quyền mà ông cho là không hiểu gì về internet.
Kể từ đó, sóng gió bắt đầu ập đến khiến đế chế của Jack Ma rung lắc mạnh.
Trong buổi họp với các nhà chức trách ngay trước khi Ant bị đình chỉ IPO, tờ WSJ tiết lộ rằng Jack Ma đã khẳng định "các ngài có thể lấy đi bất cứ phần nào của Ant, miễn là đất nước cần". Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn được việc Ant phải dừng IPO.
Trong một tuyên bố bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc, người đại diện cơ quan này cũng công khai chỉ trích Ant vì "coi thường những yêu cầu của chính quyền".
Về phần mình, Jack Ma đã biến mất một cách bí ẩn trong suốt 2 tháng qua.
Nguồn: WSJ, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
ChatGPT Search ra mắt, Google sắp hết thời?
Tính năng tìm kiếm mới cho phép ChatGPT cập nhật các thông tin như thời tiết, chứng khoán, thể thao một cách tức thời.
Samsung đang phát triển Galaxy S25 "Slim" đối đầu iPhone 17 Air