Cái chết của Tam - chú tê giác đực cuối cùng của loài tê giác Sumatra đã "đóng hòm" cho số phận của cả một giống loài.
Còn nhớ đầu năm 2018, nhân loại đã đau lòng đến mức nào khi Sudan - con tê giác đực cuối cùng thuộc loài tê giác trắng Bắc Phi - qua đời. Thế giới chỉ còn sót lại đúng 2 cá thể tê giác trắng, tất cả đều là giống cái, và là đều là hậu duệ của Sudan mà thôi.
Có thể nói về mặt lý thuyết, tê giác trắng Bắc Phi đã "tuyệt chủng về mặt chức năng". Và nay, thảm cảnh ấy lại xảy ra thêm một lần nữa, với loài tê giác hai sừng Sumatra tại Malaysia - loài tê giác nhỏ nhất còn tồn tại hiện nay.
Tam, tê giác 2 sừng đực cuối cùng đã chính thức qua đời. Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn một tê giác Sumatra cái tên Iman đang sống tại Malaysia, và cái chết của Tam đã chấm dứt hy vọng hồi sinh loài tê giác 2 sừng tại quốc gia này.
Tam - chú tê giác 2 sừng cuối cùng tại Malaysia
Được biết, tình trạng sức khỏe của Tam đã có chuyển biến xấu vào cuối tháng 4 vừa qua. Nó ăn uống kém hơn, năng lượng như bị rút cạn, và mọi thứ diễn ra rất nhanh. Ngày 27/5, chú tê giác hơn 30 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng tại Khu bảo tồn tự nhiên Tabin thuộc Sabah, nơi đã bảo vệ chú trong hơn 10 năm qua.
"Chúng ta nói lời vĩnh biệt với Tam, tê giác Sumatra đực cuối cùng," - đại diện Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF Malaysia cho biết. "Chúng tôi thực sự đau lòng, vì đây không chỉ là mất mát của một sinh linh, mà là sự biến mất của cả giống loài."
Nguyên do khiến Tam tử vong hiện vẫn chưa được làm rõ, nhưng các bằng chứng cho thấy dấu hiệu suy thận và gan. Có thể là do tuổi tác, vì tuổi thọ của tê giác Sumatra vốn chỉ rơi vào khoảng 35 - 40 năm thôi.
Loài tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) được xác định đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Malaysia vào năm 2015. Nhưng bởi Tam còn sống, tất cả đã hy vọng một ngày nào đó giống loài sẽ hồi sinh, dù rất mong manh. Dù vậy, các nỗ lực phối giống Tam với 2 tê giác cái khác là Puntung (2011) và Iman (2014) đều không mang lại kết quả.
Iman, tê giác Sumatra cái cuối cùng
Puntung đã được cho chết nhân đạo vào năm 2017, sau khi được xác định mắc ung thư không thể chữa được. Vậy nên, Iman hiện đang là cá thể cuối cùng tại Malaysia.
Thế giới vẫn còn tê giác 2 sừng
Tình trạng của loài tê giác này trên thế giới cũng không khá khẩm hơn là bao. Chỉ có khoảng 80 cá thể tê giác đang tồn tại ngoài tự nhiên. Chúng sinh sống ở một số khu vực thuộc Kalimantan và Sumatra - đều ở Indonesia, nhưng số lượng đang ngày càng giảm dần do môi trường sống bị thu hẹp, và nạn săn trộm không thể ngăn chặn.
80 - một con số đầy hy vọng? Nhưng không! Các quần thể tê giác hiện tại là rất nhỏ, lại sống tách biệt, cách xa nhau. Về bản chất, tê giác là loài sống đơn độc cho đến thời kỳ cần giao phối và nuôi con. Bởi vậy, công tác bảo tồn ngày càng khó khăn hơn.
Khả năng sinh sản của tê giác cũng đang là một vấn đề. Nếu không thường xuyên mang thai, tê giác cái có thể hình thành u trong tử cung, dẫn đến vô sinh. Cộng thêm việc tinh trùng của tê giác đực - như Tam - có chất lượng thấp vì tuổi tác, câu chuyện hồi sinh giống nòi dần đi vào ngõ cụt.
Hiện tại, tê giác cái cuối cùng tại Malaysia vẫn đang cho những quả trứng đủ chất lượng để mang thai, nên việc sử dụng công nghệ để nhân giống là vẫn khả thi. Tuy nhiên theo Susie Ellis - giám đốc điều hành Quỹ tê giác Quốc tế, thì các nỗ lực cấy phôi cho tê giác trong quá khứ cũng chưa lần nào thành công.
Cái chết của Tam đã khiến nhu cầu tìm kiếm tê giác đực ngoài tự nhiên thuộc Kalimantan và Sumatra trở nên cấp bách hơn. Con người cần tìm ra chúng để bảo vệ, đồng thời giúp chúng tích cực sinh sản hơn so với hiện nay.
Tham khảo: Science Alert, IFL Science
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"