Xác suất tuyệt chủng của loài người hiện tại là 1/14.000: Nhưng chúng ta chẳng buồn bận tâm đến điều đó
Nhiều người bận tâm đến động vật tuyệt chủng nhiều hơn cả sự biến mất của chính giống loài mình.
Đã bao giờ bạn tưởng tượng đến khoảnh khắc tuyệt chủng của nhân loại, khi con người cuối cùng trên Trái Đất ngã gục giữa những xác chết lấp đầy sa mạc hay một mặt đất đóng băng lạnh lẽo?
Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford cho biết xác suất tuyệt chủng của loài người hiện là 1/14.000. Đó là chưa tính tới các nguy cơ nhân tạo như chiến tranh hạt nhân và chiến tranh sinh học. Chỉ riêng các thiên tai như núi lửa phun trào hoặc va chạm thiên thạch đã có thể xóa sổ toàn bộ chúng ta ở 1 trong số 14.000 kịch bản. So sánh vui, xác suất chiến thắng Thanos của biệt đội Avengers mà Doctor Strange nhìn thấy nhờ Time Stone chỉ là 1/14 triệu. Xác suất để bạn trúng giải Jackpot là 1/8 triệu.
Các nhà khoa học đã kết hợp tỷ lệ tuyệt chủng của động vật có vú, thời gian sống sót của các chi người, tỷ lệ thảm họa tiềm tàng và tỷ lệ tuyệt chủng hàng loạt để tính toán ra con số. Suy cho cùng, tới 99% các sinh vật từng tồn tại trên Trái Đất đã tuyệt chủng, điều gì khiến con người có thể nằm ngoài quy luật đó?
Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford cho biết xác suất tuyệt chủng của loài người hiện là 1/14.000.
Trong giây phút buồn thảm cuối cùng nếu nó xảy ra, chắc chắn chúng ta sẽ phải đổ nước mắt. Nhưng chính xác thì chúng ta sẽ đau buồn và tiếc nuối về điều gì? Cái chết của hàng tỷ người hay sự kết thúc của một kỷ nguyên văn minh không thể truyền lại cho con cháu là thứ khiến mọi người bận tâm nhiều hơn?
Ba nhà khoa học Stefan Schubert, Lucius Caviola và Nadira Faber đến từ Đại học Oxford đã cùng nhau tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc này. Họ đã khảo sát hàng ngàn người để xem họ nghĩ thế nào về sự tuyệt chủng của nhân loại. Thật bất ngờ, chỉ một vài câu hỏi trắc nghiệm ngắn ngủi đã tiết lộ bản chất suy nghĩ của chúng ta về tương lai và ngày tận thế.
Nếu bạn cũng tò mò và muốn tham gia khảo sát này, hãy cùng trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm dưới đây. Câu hỏi số một: Bạn hãy so sánh 3 kịch bản tương lai sau và xếp hạng chúng từ tốt nhất đến tồi tệ nhất:
(1) Không hề có thảm họa nào xảy ra cả.
(2) Có một thảm họa giết chết ngay lập tức 80% dân số thế giới.
(3) Có một thảm họa giết chết ngay lập tức 100% dân số thế giới.
Bạn đã có kết quả cho mình chưa? Không ngạc nhiên khi hầu như tất cả mọi người đều xếp hạng kịch bản 2 tệ hơn kịch bản 1, và kịch bản 3 thì tệ hơn cả. Tất nhiên, trên một quy mô khảo sát lớn vẫn sẽ có một số ý kiến khác. Một số người cho rằng kịch bản thứ 3 là tốt nhất, bởi theo họ, con người đang tàn phá hành tinh này và tốt nhất tất cả chúng ta nên chết hết đi thì hơn. Nhưng dĩ nhiên, đó chỉ là một thiểu số nhỏ.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu có một thảm họa giết chết ngay lập tức 80% dân số thế giới.
Tiếp tục cuộc khảo sát, các nhà khoa học đã tiến đến một câu hỏi thứ hai được cho là khó hơn: Bạn đánh giá thế nào về độ chênh lệch giữa các kịch bản: từ kịch bản 1 tiến tới kịch bản 2, hay từ kịch bản 2 tiến đến kịch bản 3 thì mọi chuyện sẽ tồi tệ đi nhiều hơn?
Theo kết quả khảo sát, hầu hết mọi người đánh giá kịch bản 1 tiến đến kịch bản 2 là điều tồi tệ hơn so với kịch bản 2 tiến tới kịch bản 3.
Đến đây, chúng ta có thể nhận ra điều gì?
Đa số mọi người đánh giá sự tồi tệ của các kịch bản dựa trên số lượng người chết. Họ ít khi nhận ra rằng từ kịch bản 1 đến kịch bản 2, con người chưa hoàn toàn tuyệt chủng. Còn từ kịch bản 2 đến kịch bản 3, đó là sự kết thúc mang tính toàn diện cho tất cả chúng ta.
Câu hỏi khảo sát này bắt nguồn từ một thí nghiệm tư tưởng của triết gia Derek Parfit. Parfit lập luận rằng hầu hết mọi người đều đánh giá sự khác biệt giữa kịch bản thứ nhất (không có thảm họa) và kịch bản thứ hai (thảm họa hàng loạt, không tuyệt chủng) lớn hơn nhiều so với sự khác biệt giữa kịch bản thứ hai và thứ ba (sự tuyệt chủng hoàn toàn của con người).
Họ ít khi nghĩ nếu toàn bộ nhân loại tuyệt chủng, đó không chỉ là cái chết của chính chúng ta, mà còn là cả thế hệ tương lai lẽ ra sẽ được sinh ra, trong một tương lai tốt đẹp hơn bị dập tắt. Sẽ chẳng có một thế hệ tiếp nối, không có một xác hội mới, nền văn minh nào, không có khoa học, nghệ thuật hay âm nhạc tồn tại sau khi con người tuyệt chủng.
Nếu toàn bộ nhân loại tuyệt chủng, đó không chỉ là cái chết của chính chúng ta, mà còn là cả thế hệ tương lai lẽ ra sẽ được sinh ra,
Từ khảo sát của mình, Schubert và các đồng nghiệp thấy rằng Parfit đã đúng. Nhưng câu chuyện bắt đầu trở nên thú vị hơn nhiều khi các nhà khoa học thay thế con người trong câu hỏi bằng một loài động vật. Các đáp án bắt đầu cân bằng hơn.
Nhiều người tin rằng sự tuyệt chủng của toàn bộ loài ngựa vằn là một mất mát lớn hơn nhiều so với cái chết của 80% quần thể ngựa vằn. Điều này cho thấy, trong khi mọi người không quan tâm đến nguy cơ tuyệt chủng của chính mình, họ lại quan tâm đến sự tuyệt chủng của động vật nhiều hơn.
Giải thích nghịch lý này, các nhà khoa học cho biết con người đã từng nghĩ nhiều đến khả năng tuyệt chủng của các loài động vật, vì đã nghe và chúng kiến chúng xảy ra thường xuyên hơn. Nhưng họ đã bỏ quên khả năng tuyệt chủng của chính mình, chưa từng nghĩ đến nó.
Nghĩ đến sự tuyệt chủng của động vật khiến chúng ta đánh giá nó nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự sụt giảm số lượng cá thể. Quá trình tiến đến một thế giới không hề có ngựa vằn bị coi là bi kịch hơn so với một thế giới mà 80% ngựa vằn đã biến mất.
Bây giờ, điều sẽ xảy ra nếu bạn cố gắng khiến người trả lời khảo sát suy nghĩ nhiều hơn về hậu quả đằng sau sự tuyệt chủng vĩnh viễn của con người, chứ không chỉ là cái chết của những người đang sống?
Trong câu hỏi thứ ba, các nhà khoa học đã cố gắng thực hiện điều này bằng cách hỏi về một kịch bản khác, trong đó hầu hết con người chỉ bị vô sinh chứ không chết. Họ yêu cầu người trả lời so sánh nó với một kịch bản mà toàn bộ nhân loại vô sinh, nghĩa là không ai có thể sinh sản được nữa.
Bây giờ, vì không có ai ở hiện tại phải chết - những tác động đến tương lai của loài người mới hiện ra rõ hơn trong tâm trí của mọi người. Kết quả là, những câu trả lời được đưa ra đã rất giống với khảo sát về ngựa vằn.
Trong khi mọi người không quan tâm đến nguy cơ tuyệt chủng của chính mình, họ lại quan tâm đến sự tuyệt chủng của động vật nhiều hơn.
Tiến thêm một bước nữa, các nhà khoa học đã nói thẳng với những người được hỏi rằng: Liệu họ có đang dễ dàng từ bỏ một tương lai tốt đẹp cho nhân loại và các thế hệ sau này hay không?
Sau khi suy nghĩ thêm, nhiều người đã đánh giá lại kịch bản tuyệt chủng của loài người, nhưng kết quả thu được vẫn chỉ tương đương so với kết quả của kịch bản ngựa vằn tuyệt chủng.
Suy cho cùng, chúng ta vẫn chưa hơn được loài ngựa.
Cuối cùng, để khiến đa số người được hỏi đồng ý rằng sự tuyệt chủng là điều tồi tệ nhất, các nhà khoa học phải thẳng thắn hơn nữa, yêu cầu họ tưởng tượng về một tương lai tốt đẹp của nhân loại khi không hề có thảm hoạ nào xảy ra. Nghĩ về tương lai ấy, đột nhiên, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sự tuyệt chủng của con người là một kịch bản quá thảm khốc và khó có thể chấp nhận.
Chúng ta đang quá bi quan về tương lai
Một lý do khác có thể giải thích tất cả các kết quả khảo sát kể trên, đó là hầu hết mọi người đều không mong đợi một tương lai tốt đẹp. Vì vậy, họ không đặt nặng sự tuyệt chủng của con người.
Tại sao phải để cho con cháu của chúng ta sống trong một tương lai tệ hại, hít thở bầu không khí ô nhiễm và dành cả đời để khắc phục hậu quả mà cha ông để lại đúng không?
Hiện tại, không có nhiều người cho rằng năm 2100 sẽ là một tương lai tốt đẹp
Nhưng những người trả lời khảo sát không nghĩ về một tương lai tươi đẹp cho loài người, không phải vì họ không mong muốn mà là vì họ cho rằng điều đó là không thể.
Hiện tại, không có nhiều người cho rằng năm 2100 sẽ là một tương lai tốt đẹp. Thay vào đó, có rất nhiều kịch bản tồi tệ được gán với mốc thời gian này, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, sự cạn kiệt dầu mỏ, nguy cơ chiến tranh hạt nhân…
Có thể những dự báo bi quan về tương lai đã ngăn cản chúng ta hình dung đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng chỉ khi nào chúng ta tưởng tượng đến điều đó, chúng ta mới coi sự tuyệt chủng của loài người là thứ thực sự tồi tệ.
Vậy bài học rút ra ở đây là gì? Các nhà khoa học cho rằng việc không tưởng tượng đến một tương lai tốt đẹp có thể ngăn cản chính chúng ta tiến tới đó. Nếu mọi người không tin vào một tương lai tốt đẹp, có vẻ họ sẽ xem nhẹ sự tồn tại của chính giống loài mình. Sự bi quan đó có thể trở thành một lời tiên tri tự nó ứng nghiệm.
Con người sẽ buông xuôi những thách thức đang phải đối mặt, khi họ còn chẳng dám tưởng tượng đến một tương lai tốt đẹp hơn nếu có thể vượt qua nó.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến một tương lai tốt đẹp hơn?
Các nhà khoa học cho biết đây sẽ là một lời nhắc nhở cho cả nhân loại, rằng lạc quan cũng là một điểm tốt.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến một tương lai tốt đẹp hơn và chứng minh rằng chúng ta đã sai khi nghĩ rằng con người sẽ không thể có một thế giới đáng sống trên chính hành tinh của mình, sau khi giải quyết được những khủng hoảng như biến đổi khí hậu hiện tại?
Nó giống như việc thuyết phục chúng ta tham gia vào một cuộc chiến cho giống nòi, trước tiên chúng ta cần phải tin rằng mình có thể chiến thẳng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương