Xay nát iPhone ra thành bột, các nhà khoa học phân tích từng thành phần có trong nó

    Luyến Gia,  

    Vừa qua, một đội ngũ nhà khoa học thuộc Đại học Plymouth đã dùng máy xay sinh tố nghiền nhỏ iPhone 4S nhằm tìm ra danh sách các nguyên liệu bên trong một chiếc iPhone. Họ đã khám phá ra nhiều điều thật bất ngờ!

    Hẳn là bạn ít khi dành thời gian để suy nghĩ xem điện thoại mình được làm ra từ chất liệu gì phải không? Bạn có lẽ nên biết, vì chiếc điện thoại của chúng ta trông đơn giản, gọn gàng như thế, nhưng thật ra là một tổ hợp vô cùng phức tạp và thú vị với nhiều loại kim loại và khoáng vật ở khắp Trái Đất.

    Vừa qua, một đội ngũ nhà khoa học thuộc Đại học Plymouth đã cố gắng tìm ra danh sách các nguyên liệu để tạo nên một chiếc smartphone, nhằm nâng cao nhận thức về tác động của các thiết bị ấy đối với môi trường và nhân loại. Để bắt đầu, họ đã làm một hành động khá là “bạo lực”: dùng máy xay sinh tố nghiền nhỏ chiếc iPhone 4S và phân tích các nguyên tố có bên trong nó.

    Xay nát iPhone ra thành bột, các nhà khoa học phân tích từng thành phần có trong nó - Ảnh 1.

    Các nhà khoa học dùng máy xay sinh tố nghiền nhỏ chiếc iPhone 4S và phân tính các nguyên tố bên trong nó.

    Arjan Dijkstra, giảng viên thuộc ngành nghiên cứu đá hỏa sinh và là một trong những nhà khoa học dẫn đầu dự án, chia sẻ với Earther rằng đội ngũ của ông ban đầu đã phát hiện ra 39 nguyên tố trong chiếc điện thoại. Họ có thể tìm ra nhiều hơn thế, nhưng chỉ dừng lại ở 39 do “muốn tập trung vào những nguyên tố nhiều nhất”. Các chuyên gia khác cho biết rằng bên trong một chiếc iPhone chứa khoảng 75 nguyên tố. Hãng Apple vẫn chưa đưa ra ý kiến gì về điều này.

    Quá trình “giải mã” các nguyên tố bên trong một chiếc iPhone bắt đầu với việc nghiền nhỏ nó. Sau khi được xay thành bụi mịn và những mảnh nhỏ, các chất liệu ấy được trộn với natri peroxit và để vào lò nung ở nhiệt độ 480°C. Dijkstra giải thích rằng natri peroxit sẽ oxy hóa các kim loại, nhờ đó chúng có thể hòa tan được với dung dịch axit nitric loãng. Sau đó, họ sẽ sử dụng máy quang phổ phát xạ để phân tích thành phần kim loại trong dung dịch ấy.

    Xay nát iPhone ra thành bột, các nhà khoa học phân tích từng thành phần có trong nó - Ảnh 2.

    Sau khi xay iPhone thành vụn, các nhà khoa học phân tích thành phần kim loại trong nó.

    Công trình này cũng cố những gì ta đã biết về chiếc smartphone của mình: Chúng được tạo thành từ rất nhiều thành phần. Các nguyên tố ấy có thể rất quen thuộc như carbon và sắt (cả hai được tìm thấy trong thân máy iPhone 4S, các dòng máy về sau đã được thay thế bằng nhôm). Cả những kim loại hiếm như vonfram, coban, molypden, và kim loại đất hiếm như dyprosi, neodymi, praseodymi, gadolini… cũng có mặt trong chiếc điện thoại chúng ta sử dụng hằng ngày. Những kim loại hiếm ấy chỉ được khai thác một lượng nhỏ mỗi năm, nhưng chúng cực kỳ cần thiết đối với các thiết bị công nghệ hiện đại.

    Sau khi phân tích chiếc iPhone, nhiều nguyên tố được tìm ra có xuất hiện trong bản báo cáo môi trường gần đây nhất của Apple - bản báo cáo này đã bày tỏ nỗ lực của hãng trong chương trình hạn chế sử dụng kim loại được khai thác, thay vào đó, tăng cường tái chế kim loại. Dù vậy, có nhiều kim loại đã không xuất hiện trong bản báo cáo này.

    Ngày nay, phần lớn các kim loại hiếm rất ít khi được tái chế; điều này thật đáng buồn vì việc khai thác các kim loại ấy thường gây ra thiệt hại lớn đối với môi trường. Không những thế, nếu quá trình khai thác thiếu sự giám sát thích hợp có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền con người nghiêm trọng. Ví dụ, việc khai thác coban tại Cộng Hòa Congo đã lạm dụng lao động trẻ em; ở nhiều khu vực trên thế giới, việc khai thác thiếc, tungsten và tantan có thể đổ thêm dầu vào mồi lửa chiến tranh.

    Xay nát iPhone ra thành bột, các nhà khoa học phân tích từng thành phần có trong nó - Ảnh 3.

    Việc lạm dụng lao động trẻ em trong khai thác coban tại Cộng Hòa Congo

    Hiểu biết rõ về bản chất bên trong chiếc điện thoại của chúng ta có thể giúp nâng cao nhận thức về tác động của chúng. Ví dụ, sau khi định lượng các kim loại có mặt trong chiếc iPhone 4S, các nhà nghiên cứu có thể tính toán ra để sản xuất 141 gram điện thoại cần khai thác khoảng 10 đến 15kg quặng trong lòng đất.

    Chúng tôi hi vọng rằng người tiêu dùng giờ đây có thể có cái nhìn khác đối với chiếc điện thoại của mình. Chúng không chỉ là một thiết bị công nghệ, mà còn là một đồ vật được sản xuất từ kim loại thô cần phải khai thác.” Dijkstra chia sẻ với Earther trong email: “Mỗi một chiếc điện thoại mới đều để lại trên mặt đất một cái lỗ với kích thước của tảng đá 10-15kg - thật ra nó là một loạt nhiều lỗ nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Điều này sẽ không xảy ra nếu nó là nguyên liệu tái chế.

    Xay nát iPhone ra thành bột, các nhà khoa học phân tích từng thành phần có trong nó - Ảnh 4.

    Mỗi chiếc smartphone chúng ta cầm trên tay có thể được tạo ra từ 10-15kg khoáng sản trong đất.

    Có lẽ công trình này sẽ khuyến khích Apple thực hiện nỗ lực tái chế của mình. Trong khi đó, đội ngũ nghiên cứu vẫn tiếp tục phân tích nhiều điện thoại hơn; đặc biệt chú ý đến mức độ thay đổi của các kim loại đất hiếm - đây là những chất mà trong quá trình khai thác thường sản sinh ra nhiều phụ phẩm độc hại - và các nguyên tố khác như coban và tantan.

    Những chiếc điện thoại được dùng cho dự án này đều là điện thoại cũ do tình nguyện viên gửi đến. Thay vì vất chiếc điện thoại hỏng của mình đì thì giờ đây bạn có thể dùng nó để phục vụ cho khoa học rồi đấy!

    Tham khảo: Earther

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ