Xe bus “dạng chân” tiền tỷ của Trung Quốc từng một thời gây náo động Internet giờ đã biến thành "cục nợ"
Sau khi làm mưa làm gió trên các mặt báo hồi mùa hè vừa qua, mẫu xe bus tương lai chống tắc đường của Trung Quốc giờ chỉ còn là đống sắt chắn ngang đường gây bất tiện cho người dân.
Tháng 8/2016, đoạn video thử nghiệm mẫu xe bus “dạng chân” được lan truyền đến chóng mặt trên các phương tiện truyền thông. Từng được kỳ vọng trở thành giải pháp cho vấn nạn tắc nghẽn giao thông của tương lai, chiếc xe bus chở khách trên cao (Transit Elevated Bus – TEB) giờ nằm phơi mưa nắng tại khu thử nghiệm ở Hà Bắc, Trung Quốc. Nó chẳng khác gì “của nợ” trong con mắt của cư dân địa phương.
Bên dưới gầm xe bus "chân dạng"
Mẫu xe TEB từng được quảng cáo bằng những lời có cánh là sẽ giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe tại Trung Quốc. Trớ trêu thay, nó giờ đây lại trở thành chướng ngại vật ở thành phố Tần Hoàng Đảo. Xe cộ phải đi vòng để tránh rào chắn xung quanh đường ray và khối sắt đồ sộ nặng hàng tấn.
“Đường thì chật hẹp, nên tất nhiên chiếc xe bus khổng lồ và khu thử nghiệm ảnh hưởng lớn đến giao thông thành phố”, anh Wang Yimin, một thợ máy làm việc gần đó than phiền về sự bất tiện mà mẫu xe bus “tương lai” mang đến.
Để đưa TEB vào thử nghiệm, thành phố đã cho xây đường ray đặc biệt với hệ thống cung cấp điện riêng. Chiếc xe bus dài tới 21 m, rộng 7,8 m và cao 4,8 m dự kiến chở tối đa 400 người, có thể thay thế 40 xe bus thông thường. Giá mỗi chiếc xe vào khoảng 4,5 triệu USD. Chủ dự án, công ty TEB Technology được cho là sẽ hoàn trả lại mặt bằng khu thử nghiệm này vào cuối tháng 8. Nhưng điều đó không hề xảy ra.
“Chúng vẫn nằm ở đấy và gây cản trở giao thông. Tôi không biết nhiều về kế hoạch tương lai của TEB cũng như phải làm gì với những đường ray đó”, một quan chức tại Tần Hoàng Đảo cho biết. Người này từ chối cho phóng viên công khai tên tuổi vì những lý do nhạy cảm.
Ý tưởng về xe bus “chân dạng” chống tắc từng nhận được nhiều kỳ vọng của công chúng. Nhưng ngay sau đó, xuất hiện ý kiến nghi ngờ về tính khả thi cũng như mục đích chính của dự án. Có người cho rằng. TEB Tech chỉ đang cố vẽ vời nhằm thu hút vốn đầu tư.
Một số hãng tin địa phương cho biết, những người ủng hộ TEB đang gặp khó khăn về mặt tài chính nên khó tiếp tục triển khai dự án đầy tham vọng này.
Phóng viên tờ CNN sau khi gọi điện tới TEB nhưng không nhận được câu trả lời, đã ghé thăm văn phòng công ty tại Bắc Kinh. Nhưng đèn điện gần như tắt hết, bên trong là phiên bản thu nhỏ của mẫu xe bus “dạng chân”.
Một nhân viên ở đó trả lời phóng viên CNN rằng, chiếc xe được thử nghiệm ở Tần Hoàng Đảo chỉ là nguyên mẫu. Và TEB lên kế hoạch sẽ ra mắt chiếc xe bus thực sự vào giữa năm 2017.
“Nhưng với nguồn tiền eo hẹp như hiện nay, công ty không thể thực hiện bất kỳ ý tưởng nào”, người này thẳng thắn chia sẻ. Ông là giám đốc phát triển của TEB, nhưng từ chối nói rõ tên vì không có thẩm quyền phát ngôn trên cương vị nhân viên công ty.
TEB Tech trở thành ví dụ điển hình về rủi ro của mô hình cho vay ngang hàng, tức người thừa tiền và người cần tiền được kết nối trực tiếp mà không cần thông qua ngân hàng.
Các chuyên gia từng nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Mẫu concept lần đầu tiên được công bố tại Trung Quốc vào năm 2010, nhưng không phải là ý tưởng gì quá mới mẻ. Hai kiến trúc sư từng đề xuất giải pháp tương tự mang tên Landliner vào năm 1969.
Landliner sẽ di chuyển từ Washington và Boston với tốc độ 322 km/h. Ý tưởng đã được đăng trên trang bìa tạp chí New York thời điểm đó. Về chiếc xe bus “chân dạng” ở Trung Quốc, trong khi các bên chưa tìm ra giải pháp nào tốt nhất, người dân Tần Hoàng Đảo vẫn phải học cách chấp nhận những bất tiện mà TEB đang gây ra.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"