Dù là quốc gia tiên phong phát triển và sản xuất xe điện nhưng ở hiện tại, Nhật Bản lại lép vế trước các đại diện từ Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan đang bị réo tên vì sự thiếu tiến bộ trong việc sản xuất xe điện chạy bằng pin và nỗ lực trong quá trình khử cacbon. Greenpeace, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy một tương lai bền vững, đã công bố một nghiên cứu mới cho thấy các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tụt hậu so với các công ty cùng ngành.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nổi tiếng là đi sau trong nỗ lực giới thiệu các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện ra thị trường. Mặc dù Toyota là hãng đầu tiên tiết lộ mẫu xe hybrid Toyota Prius dành cho thị trường đại chúng vào năm 1997. Tuy nhiên, kể từ đó nhà sản xuất ô tô này và nước Nhật Bản đạt được rất ít tiến bộ và hướng đi mới.
Mẫu xe dẫn đầu xu hướng xe hybrid
Tuy nhiên, điều thú vị là Nhật Bản có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và sở hữu một số công nghệ tiên tiến hàng đầu như tàu cao tốc (với tốc độ lên tới 199 dặm/giờ), điện toán lượng tử và ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Vậy tại sao nước này lại bị bỏ lại phía sau trong quá trình khử cacbon và xe chạy hoàn toàn bằng điện?
Nhật Bản tụt lại phía sau trong cuộc đua xe điện
Theo nhiều người, Nhật Bản là một nền văn hóa tương đối bảo thủ. Đất nước có sự tin tưởng vững chắc vào trật tự và thứ bậc. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, khi có một sự thay đổi tương đối đáng kể, nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào các nhà lãnh đạo. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Toyota, Honda hoặc Nissan đều có xu hướng suy nghĩ tương tự "nếu nó không bị hỏng, đừng sửa".
Kiểu suy nghĩ này thường dẫn đến sự thay đổi chậm chạp như tình hình hiện tại. Ví dụ, Phó Giám đốc Điều hành Kinh doanh của Toyota Bắc Mỹ gần đây cho biết: "Tôi không nghĩ rằng thị trường đã sẵn sàng cho xe điện. Cơ sở hạ tầng cũng chưa đủ để sẵn sàng".
Phát biểu này đang đi ngược lại với những gì đang diễn ra cho thấy xe điện chính là tương lai:
Gần như mọi nhà sản xuất ô tô (các công ty khởi nghiệp và kế thừa) đều có kế hoạch cho một dòng sản phẩm chạy hoàn toàn bằng điện (hoặc tương tự) vào cuối thập kỷ này. Không chỉ vậy, họ còn không đáp ứng kịp nhu cầu về xe điện mà họ đang phát triển.
California, Washington và Massachusetts là các bang đều chuyển sang cấm những phương tiện chạy bằng khí đốt vào năm 2035. Tổng cộng có 17 bang tuân theo luật khí thải của California, mặc dù không phải tất cả các bang đều áp dụng lệnh cấm năm 2035.
Tesla, công ty chuyên sản xuất và kinh doanh xe điện, cho biết mẫu xe Model Y đang trên đà tạo ra doanh thu cao nhất so với bất kỳ chiếc xe hơi nào trong năm nay và có khả năng sẽ trở thành chiếc xe bán chạy nhất trong năm tới.
Những bằng chứng trên cho thấy mọi người đều mong đợi sự bùng nổ của xe điện và đó là nơi mà thị trường đang hướng tới.
Thị truofng ô tô điện đang trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trên thế giới.
Toyota, Honda và Nissan là những người cuối cùng trong nỗ lực khử cacbon
Nghiên cứu mới của Greenpeace cho thấy các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan xếp hạng thấp nhất trong nỗ lực thúc đẩy một tương lai sạch hơn trong số 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu.
Với số lượng xe không phát thải (không phải hybrid) chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh số của nhà sản xuất ô tô, Toyota được xếp cuối cùng. Nghiên cứu cũng cho thấy Toyota có một trong những chuỗi cung ứng kém phát triển nhất để khử cacbon.
Nhà vận động về khí hậu và năng lượng cho Greenpeace Nhật Bản nhận định: "Tôi nghĩ rằng thời gian dành cho hybrid đã kết thúc".
Các mẫu xe lai không phải là giải pháp lâu dài. Chúng chỉ hữu ích với vai trò là cầu nối cho những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện. Chỉ khi đó, ngành giao thông vận tải mới có xu hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Honda xếp ở vị trí thứ 9 khi Greenpeace chỉ ra rằng công ty không có kế hoạch đạt được mục tiêu giới thiệu 30 xe điện mới vào năm 2030.
Xếp thứ 8 là hãng xe Nissan. Mặc dù đã sớm tạo dựng được vị trí dẫn đầu trong thị trường xe điện với mẫu Nissan LEAF, doanh số bán xe không phát thải của hãng này vẫn không đạt được nhiều tiến bộ.
Toyota, Honda và Nissan có thể xoay chuyển tình thế?
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã không ngừng cố gắng, nhưng có vẻ như họ vẫn đang ấp ủ ý tưởng về xe điện trong tuần qua hoặc lâu hơn.
Ngày 31/8, gã khổng lồ ngành ô tô của Nhật Bản là Toyota cho biết rằng họ sẽ đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào một cơ sở ở Mỹ chuyên sản xuất pin cho cả xe điện hybrid và xe điện chạy bằng pin. Toyota Battery Manufacturing North Carolina dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Phía Toyota cho biết tổng vốn đầu tư vào nhà máy này hiện sẽ lên tới 3,8 tỷ USD.
Mặc dù 3,8 tỷ USD không phải là lớn đối với một nhà máy sản xuất pin EV, nhưng nó vẫn là một bước tiến so với các kế hoạch trước đó. Hơn nữa, nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ chuyển đổi một cơ sở động cơ của Nhật Bản thành một nhà máy pin EV.
Nguồn: Toyota
Norm Bafunno, Phó chủ tịch cấp cao tại đơn vị sản xuất và kỹ thuật của Toyota Motor Bắc Mỹ cho biết thông báo này sẽ đánh dấu "một cột mốc quan trọng khác" đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Khoản đầu tư bổ sung vào thị trường Mỹ là một phần của khoản đầu tư lớn hơn có giá trị lên tới 5,6 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất pin của Toyota khi công ty nhận thấy nhu cầu sử dụng xe điện, đặc biệt là pin ngày càng tăng.
Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp tới từ Nhật Bản cho biết họ sẽ đặt mục tiêu tăng "công suất sản xuất pin kết hợp" ở cả Mỹ và Nhật Bản lên tới 40 gigawatt giờ.
Mặt khác, tuần trước, Honda Motor, bắt tay với nhà sản xuất pin LG Energy Solution của Hàn Quốc, sẽ cho xây dựng một nhà máy pin xe điện tại Mỹ. Thương vụ đầu tư trị giá 4,4 tỷ USD, trong bối cảnh sự chuyển dịch sang xe điện đang diễn ra nhanh chóng tại Mỹ và Honda muốn đảm bảo nguồn cung pin tại đây.
Theo Nikkei Asia, đây sẽ là nhà máy pin EV đầu tiên của Honda. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2023 với mục tiêu mở rộng và sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Được biết, Honda và LG Energy sẽ thành lập một liên doanh để sản xuất pin lithium-ion. Honda nắm 49% cổ phần, trong khi LG Energy nắm 51% còn lại. Bang Ohio, nơi vận hành chính của Honda tại Mỹ, được coi là địa điểm phù hợp nhất để xây dựng nhà máy pin.
Mục tiêu Honda tự đặt ra là nhà máy này phải đạt tổng công suất sản xuất hàng năm lên tới 40 GWh, tức đủ để trang bị cho 700.000 - 800.000 chiếc xe điện. Tất cả sản lượng sẽ được chuyển đến các nhà máy của Honda ở Bắc Mỹ.
Nissan cũng tiến sâu hơn vào thị trường xe điện bằng cách giới thiệu bộ sạc V2G đầu tiên dành cho chủ sở hữu Nissan LEAF. Công nghệ V2G (lưu trữ năng lượng tái tạo vào trong pin xe điện) được áp dụng để sạc xe điện rồi sau đó có thể tái phân phối lại cho các khu vực khác, về cơ bản biến động cơ thành một trung tâm năng lượng xoay vòng.
Tham khảo: Electrek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?