Năm 2024, thị trường Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu ô tô Trung Quốc, từ những cái tên hoàn toàn mới đến những ông lớn đang vươn tầm thế giới như: BYD, GAC, Lynk & Co... với kỳ vọng về sự bùng nổ doanh số. Nhưng khi năm 2024 khép lại, thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Dù ra mắt rầm rộ, số lượng ô tô du lịch Trung Quốc lăn bánh trên đường vẫn rất hiếm hoi. Vậy điều gì đang cản trở bước tiến của xe Trung Quốc tại Việt Nam? Vì sao người tiêu dùng vẫn còn e dè trước những thương hiệu đến từ xứ tỷ dân này?
Ô tô Trung Quốc xuất hiện ồ ạt tại Việt Nam năm 2024
Năm 2024 chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tiến vào thị trường Việt Nam. Chỉ trong vòng một năm, hàng loạt cái tên như BYD, Chery (Omoda & Jaecoo), GAC, Aion, Lynk & Co, … đã chính thức có mặt trên thị trường, mang theo kỳ vọng lớn về sự cạnh tranh trong phân khúc xe điện và xe xăng truyền thống. Một số mẫu xe tiêu biểu bao gồm: BYD Dolphin, Atto 3, Seal, M6, Han, Tan (thuần điện). Omoda C5, Jaecoo J7 (SUV xăng). GAC GS8, M8, M6 Pro (SUV và MPV) Aion ES, Y Plus (xe điện). Lynk & Co 01, Lynk & Co 05 (SUV xăng)
Các thương hiệu này đi kèm với những ưu điểm như thiết kế hiện đại, trang bị công nghệ phong phú, giá thành cạnh tranh hơn so với các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Đặc biệt, xe điện của Trung Quốc có dung lượng pin lớn, phạm vi hoạt động dài và nhiều tính năng thông minh, tạo ra làn gió mới trong ngành ô tô Việt Nam.
Doanh số thực tế báo hiệu một bức tranh mờ mịt trong năm 2025’?
Mặc dù được kỳ vọng cao, nhưng sau một năm ra mắt, các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn chưa công bố doanh số chính thức tại Việt Nam. Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hay các nhà nhập khẩu (VIVA) cũng không ghi nhận số liệu bán hàng từ những hãng này. Trong khi đó, xe Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Việt Nam khá ít, ngay cả ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là 31.112 xe, tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 909 triệu USD, cao hơn đáng kể so với mức trung bình hàng năm khoảng 10.000 xe.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô ''các dòng xe tải chiếm phần lớn tỷ trọng nhập khẩu, trong khi xe du lịch chỉ chiếm tỷ lệ phần trăm rất nhỏ''. Điều này cho thấy bức tranh thị trường không mấy sáng sủa cho các thương hiệu xe du lịch Trung Quốc trong năm 2025, khi mà sự hiện diện của những tên tuổi này vẫn mờ nhạt và chưa thể tạo được dấu ấn rõ rệt tại Việt Nam.
Vì sao xe Trung Quốc thiếu sức hút với người Việt?
Mặc dù có giá bán tốt và nhiều trang bị hấp dẫn, nhưng ô tô Trung Quốc vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Lý do, đa phần người tiêu dùng vẫn giữ quan điểm thận trọng với các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô. Lịch sử cho thấy nhiều mẫu xe Trung Quốc trước đây từng bị đánh giá thấp về độ bền, chất lượng vật liệu, khả năng vận hành và độ an toàn.
Minh chứng rõ ràng nhất cho sự khó khăn của xe Trung Quốc tại Việt Nam chính là sự "mất hút" của những thương hiệu từng xuất hiện như: Zotye, Beijing, Chery… Từng gây chú ý với những mẫu xe như Zotye Z8 hay Beijing X7, nhưng đến nay, những cái tên này gần như rơi vào quên lãng. Sự quan tâm của khách hàng đối với các dòng xe này đã giảm sút đáng kể, thậm chí nhiều mẫu xe gần như biến mất khỏi thị trường, cho thấy những rào cản lớn mà ô tô Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua tại Việt Nam.
Dù các hãng như BYD, Lynk & Co hay GAC hiện nay đã có chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhưng tâm lý e ngại vẫn còn tồn tại. Người Việt có xu hướng lựa chọn những thương hiệu đã được kiểm chứng như: Toyota, Hyundai, Kia, Honda, VinFast... thay vì đặt niềm tin vào những cái tên mới.
Theo các chuyên gia, bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua ô tô tại Việt Nam chính là giá trị bán lại. Xe Trung Quốc chưa có lịch sử giao dịch ổn định trên thị trường xe cũ, thậm chí còn mất giá nhanh chóng và có mức độ thanh khoản kém. Điều này khiến nhiều khách hàng e ngại khi xuống tiền mua xe mới, lo lắng rằng chỉ sau một thời gian ngắn, giá trị xe sẽ sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, những thương hiệu ô tô đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường lại giữ giá tốt và nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng, tạo nên sự đối lập rõ rệt với xe Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - một người có nhiều năm kinh doanh xe tại Hà Nội cho biết, cùng với nhiều lý do - tâm lý, giá trị xe... hệ thống bảo dưỡng và sửa chữa của các hãng xe Trung Quốc còn rất hạn chế tại Việt Nam cũng là lý do quan trọng khiến nhiều người chưa dám lựa chọn. Các thương hiệu như Omoda & Jaecoo, Aion hay GAC chỉ có một số ít showroom và trung tâm dịch vụ tại Hà Nội và TP.HCM, trong khi các tỉnh thành khác gần như chưa có sự hiện diện đáng kể. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng về việc tìm kiếm linh kiện thay thế và bảo trì trong dài hạn.
Đối với xe điện?
Mặc dù xe điện đang là xu hướng toàn cầu, nhưng người Việt vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho sự chuyển đổi này. Hạ tầng trạm sạc cho xe điện Trung Quốc còn rất nhiều hạn chế, ngay kể cả tại các thành phố lớn, chưa nói tới khu vực ngoài đô thị, khiến người tiêu dùng lo ngại.
Thêm vào đó, chi phí thay pin ra sao? Các linh kiện quan trọng liên quan tới mô tơ, dây điện cao áp, ... có sẵn tại trạm dịch vụ bảo dưỡng không? Đi cùng ùng tâm lý e ngại về độ bền và khả năng xuống cấp của pin theo thời gian, càng khiến xe điện Trung Quốc gặp khó khăn trong việc chinh phục khách hàng.
Ngay cả VinFast thương hiệu xe điện nội địa với hệ thống trạm sạc rộng khắp cũng gặp không ít thách thức khi thuyết phục người tiêu dùng Việt, huống hồ là các thương hiệu Trung Quốc mới gia nhập thị trường.
Một số hãng xe Trung Quốc như BYD, GAC đưa ra chính sách bảo hành dài hạn (6 - 7 năm hoặc 150.000 km), thậm chí lên đến 10 năm hoặc 1 triệu km đối với động cơ của mẫu Omoda C5, nhưng tất cả những ưu đãi này vẫn chưa đủ để tạo sự an tâm cho khách hàng.
Hơn nữa, việc thiếu các chương trình hỗ trợ mạnh như ưu đãi lãi suất vay mua xe, giảm giá trực tiếp hay gói bảo dưỡng miễn phí dài hạn, hỗ trợ khách hàng khi xe gặp sự cố trên đường (đối với xe điện) cũng khiến nhiều người vẫn chần chừ khi đứng trước quyết định mua xe điện Trung Quốc.
Dự báo tương lai xe Trung Quốc có cơ hội thành công hay không?
Trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các thương hiệu ô tô Trung Quốc cần một chiến lược rõ ràng và thực tế hơn để chinh phục người tiêu dùng. Một trong những hướng đi quan trọng là mở rộng mạng lưới đại lý và trung tâm dịch vụ. Để tạo niềm tin, các hãng xe Trung Quốc phải đầu tư mạnh vào hệ thống bảo hành, sửa chữa trên toàn quốc, đảm bảo phụ tùng luôn có sẵn và dịch vụ sau bán hàng nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm cũng là yếu tố then chốt. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhiều nghi ngại về xe Trung Quốc, do đó, việc tổ chức các chương trình lái thử quy mô lớn tại nhiều địa phương sẽ giúp khách hàng có cơ hội trải nghiệm thực tế, thay vì chỉ thông qua các chiến lược quảng cáo. Đây cũng là cách mà nhiều thương hiệu hiện nay đã thành công tại Việt Nam, và nếu xe Trung Quốc muốn có chỗ đứng, cũng không thể bỏ qua chiến lược này.
Và quan trọng hơn cả "giá bán phải thực sự cạnh tranh’’. Người tiêu dùng Việt không chỉ so sánh xe Trung Quốc với nhau, mà còn đặt lên bàn cân với các thương hiệu Nhật, Hàn, Mỹ, vốn đã có chỗ đứng vững chắc.
Ngoài việc đưa ra mức giá hấp dẫn, các hãng xe Trung Quốc cần triển khai nhiều chương trình khuyến mại mạnh mẽ theo từng tháng, quý, năm, đi kèm hỗ trợ tài chính linh hoạt như ưu đãi lãi suất vay, giảm giá trực tiếp hoặc các gói bảo dưỡng miễn phí dài hạn. Một chính sách đặc biệt có thể giúp tăng sức hút là thu mua lại xe cũ với giá tốt hoặc hỗ trợ đổi xe, giúp khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn xe Trung Quốc mà không phải lo lắng quá nhiều về giá trị bán lại trong tương lai.
Điểm mấu chốt của vấn đề!
Sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu ô tô Trung Quốc trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong thị trường ô tô Việt Nam, nhưng kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Doanh số bán hàng của các thương hiệu này hiện vẫn chưa được công khai, tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào số lượng xe lăn bánh trên đường, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng “ế ẩm” của những hãng xe này.
Dù công nghệ có phát triển nhanh chóng và các chính sách hậu mãi, dịch vụ có sự cải thiện, nhưng liệu những yếu tố đó có thực sự đủ mạnh để thay đổi cục diện trong tương lai? Câu hỏi lớn lúc này là liệu các thương hiệu ô tô Trung Quốc có đủ kiên nhẫn, tiềm lực tài chính và chiến lược đúng đắn để vượt qua những hoài nghi và chinh phục người tiêu dùng Việt Nam hay không? Chỉ có thời gian với có thể trả lời!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
DeepSeek tuyên bố chip AI của Huawei đạt hiệu suất suy luận tới 60% so với NVIDIA: Cơ hội để Trung Quốc giảm phụ thuộc vào GPU từ Mỹ?
Dù chưa thể cạnh tranh trong mảng đào tạo AI, con chip này cho thấy tiềm năng giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào GPU NVIDIA, đặc biệt khi kết hợp với những cải tiến phần mềm từ DeepSeek.
Có thể bạn chưa biết: Lòng dạ con người chúng ta đều thay đổi sau mỗi 5-7 ngày