'Xe ôm điện' SM Bike ra mắt ngay tháng 8 tới - Có đủ sức khuấy đảo làng gọi công nghệ tỷ USD cùng Grab, Be?

    Khánh Vy , Nhịp sống thị trường 

    Theo CEO Nguyễn Văn Thanh, việc có thêm xe máy điện trên nền tảng sẽ giúp Xanh SM trở thành platform đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê và taxi.

    'Xe ôm điện' SM Bike ra mắt ngay tháng 8 tới - Có đủ sức khuấy đảo làng gọi công nghệ tỷ USD cùng Grab, Be? - Ảnh 1.

    Kể từ khi xuất hiện các thông tin rò rỉ, dịch vụ xe ôm công nghệ Xanh SM Bike của công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) đã tạo cơn sốt không hề nhỏ trên các diễn đàn, cộng đồng người dùng và tài xế.

    Mới đây, CEO công ty GSM - Nguyễn Văn Thanh đã có bài chia sẻ về tân binh mới đầy tiềm năng này trên trang cá nhân.

    Theo vị CEO trẻ, lĩnh vực gọi xe công nghệ đã không còn xa lạ với đời sống hiện đại, quy mô lĩnh vực này tại Việt Nam hiện ước tính đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và lên đến 5 tỷ USD vào năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép là 21%.

    Trong đó, sớm nhất có lẽ là Grab với việc gia nhập thị trường gọi xe công nghệ từ 2014. Sau 9 năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… nằm trong danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân tại các thành phố lớn.

    Tuy nhiên, nhiều cái tên cũng đã đến rồi lại đi như Uber, Fastgo Vato… để lại thị phần hiện được định hình chủ yếu bởi các tay chơi lớn như Grab, Be, Ahamove hay Gojek và trong 5 năm qua điều này hầu như chưa có nhiều thay đổi.

    'Xe ôm điện' SM Bike ra mắt ngay tháng 8 tới - Có đủ sức khuấy đảo làng gọi công nghệ tỷ USD cùng Grab, Be? - Ảnh 2.

    Ảnh: Thanh Nguyen

    Vậy gọi xe công nghệ bằng xe máy điện có phải là một Game Changer (người thay đổi cuộc chơi) hay không ? Có thể thấy, bất kể một ngành nghề nào lâu đời cũng cần có sự thay đổi. Game changer là một thứ gì đó mới, làm thay đổi các quy trình hoặc khái niệm truyền thống và từ đó làm thay đổi thứ tự đã thiết lập. Xe điện chính là nhân tố cần thiết để làm nên chuyện này, vị CEO cho hay.

    Việc các ứng dụng lớn trên thế giới như Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola đã bắt đầu có sự chuyển mình với các dự án riêng cho xe điện cũng như có lộ trình cho sự chuyển dịch này chính là minh chứng cho câu trả lời trên.

    "Xanh SM - Tân binh mới trong ngành liệu có phải là một Game Changer ?" , CEO Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi.

    Có thể thấy, việc có thêm xe máy điện trên nền tảng sẽ giúp Xanh SM trở thành platform đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi. Đây là một lợi thế cực lớn vì Xanh SM đã bắt đầu mọi thứ từ đầu và đồng nhất chất lượng từ dịch vụ tới phương tiện thay vì chuyển dịch.

    CEO Nguyễn Văn Thanh mong sự ra đời của tân binh này sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng xanh cho giao thông sắp len lỏi tới từng cung đường, con phố từ thành thị tới nông thôn trong thời gian sắp tới.

    'Xe ôm điện' SM Bike ra mắt ngay tháng 8 tới - Có đủ sức khuấy đảo làng gọi công nghệ tỷ USD cùng Grab, Be? - Ảnh 3.

    Gần đây, công ty đã ra thông báo tuyển dụng 400 tài xế trong tháng 7 tại Hà Nội. Theo đó, tài xế gia nhập SM Bike sẽ có thu nhập lên đến 18 triệu đồng/tháng cùng chiết khấu cạnh tranh chỉ 15,5%. Chi phí nhiên liệu cho xe máy điện cũng giảm tới 50%. Đặc biệt, tài xế không cần sở hữu xe riêng mà sẽ được trang bị xe máy điện VinFast trị giá lên đến 50 triệu đồng. 

    Thông báo cũng nêu rõ yêu cầu dành cho tài xế là có độ tuổi trong khoảng 18-55 tại Hà Nội. Ưu tiên những tài xế đã từng tham gia chạy các ứng dụng công nghệ khác (chở khách, giao đồ ăn..). Bên cạnh đó, tài xế có thời gian nhàn rỗi (chạy bán thời gian hay toàn thời gian tùy thích).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ