Xem drone thế hệ mới, có khả năng vừa bơi vừa bay

    Tuấn Hưng,  

    Chiếc máy bay điều khiển từ xa này vừa có thể bơi lội "ngon lành" trong nước, vừa có thể quẫy mình vượt ra khỏi mặt nước và bay lên trên không.

    Hầu hết những chiếc drone có khả năng bay hiện nay không được thiết kế để lặn. Và những chiếc lặn được thì lại bị giới hạn chỉ ở dưới mặt nước mà thôi.

    Đó chính là lý do mà một dự án được thực hiện bởi những nghiên cứu sinh tại đại học Imperial Colledge ở London hy vọng lấp đầy khoảng trống. Với con robot thử nghiệm AquaMAV, họ đã tạo ra một chiếc drone có cánh nhưng không những bay lượn được trên không trung, mà còn có khả năng bơi lội dưới nước và ngoi lên trên bề mặt.

    “Chúng tôi đang phát triển một máy bay được trang bị cánh để có thể chuyển động được cả dưới nước và trên không trung, và sự chuyển đổi giữa 2 trạng thái rất linh hoạt và đảm bảo,” nhà sáng lập Mirko Kovac và Rob Siddall chia sẻ với tờ Digital Trends.

    Ấn tượng hơn cả, chiếc drone này có khả năng đạt đến tốc độ khoảng 51 km/h từ điểm xuất phát ở dưới mặt nước.

    Đội ngũ này lấy ý tưởng cho AquaMAV dựa trên 2 loài động vật, cả hai đều sở hữu khả năng chuyển động linh hoạt giữa nước và không khí. Đó là chim điên, một loài ó biển lớn sống ở phía bắc Đại Tây Dương, thường săn cá bằng cách lặn xuống biển từ một độ cao đáng kể, và cá chuồn, có khả năng quẫy mình “nhảy” ra khỏi mặt nước.

    Kết quả thu được là một chiếc drone di chuyển nuột nà cả trên lẫn dưới mặt nước.

    “Một con robot dưới nước sẽ di chuyển rất chậm, và dĩ nhiên là chỉ có thể di chuyển xuôi theo dòng nước, tuy nhiên với khả năng bay, chúng ta có thể tới được những vùng mong muốn nhanh chóng hơn, trước khi “lặn” xuống nước để quan sát kỹ hơn, lấy mẫu hay thu thập thông tin,” những nhà nghiên cứu cho biết. “AquaMAV là robot độc nhất vô nhị, kỹ thuật độc đáo lặn xuống nước và lấy lại độ cao bằng cách quẫy mình nhảy mạnh vốn đã rất mạnh mẽ và nhờ nó thì việc vượt qua những đoạn thác ghềnh hay nước mạnh sẽ hết sức đơn giản.”

    Như bạn có thể tưởng tượng, dự án này có rất nhiều khó khăn, và thử thách lớn nhất đó là việc xác định rõ các quy tắc khoa học của sự chuyển động trong không khí và nước.

    “Chúng tôi không thể dựa dẫm vào những phương thức có sẵn để làm và cần có các hướng mới để có thể phát triển cho bộ phận đa chức năng của robot,” Kovac và Siddall nói. “Lấy ví dụ như cơ chế vỗ cánh có thể được sử dụng để bảo vệ cánh khỏi tác động của nước và cũng chính là thứ để kích hoạt cơ chế bay của robot. Khó khăn tiếp theo đó chính là làm sao để chúng có thể kết hợp lại làm một, bởi chúng ta cần tạo ra thiết kế của một robot biết bơi mà không làm ảnh hưởng tới con robot biết bay.”

    Trong những lần cải tiến sau, các nhà nghiên cứu đã phải đảm bảo rằng robot có khả năng chống thấm nước với lực nổi thích hợp, nhưng đồng thời không làm nó quá nặng để bay được.

    May mắn thay, tất cả đều hoạt động một cách thành công, AquaMAV hoạt động hết sức trơn tru với khả năng bơi lội lẫn bay lượn hoàn hảo. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

    “Chúng tôi nhận thấy AquaMAV giúp cho việc thu thập mẫu vật dưới biển ở những vùng khó tiếp cận mà không cần phải sử dụng những con tàu thủy dễ dàng hơn rất nhiều,” Kovac và Siddall nói, “Con robot mà bạn đang nhìn thấy chỉ là mẫu thử hoàn chỉnh bản đầu tiên của chúng tôi thôi, trong những tháng tới, chúng tôi sẽ thực hiện những bài kiểm tra, đánh giá thực nghiệm, và tích hợp cho nó nhiều cảm biến mới. Chính vì vậy còn rất nhiều thứ đáng để mong chờ trong tương lai gần.”

    Chiếc Drone này lấy cảm hứng từ chim điên và cá chuồn

    Theo Digital Trends

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ