Xiaomi cũng làm điện thoại giá cao như iPhone, liệu có tương lai?
Liệu Trung Quốc có thực sự đặt chân lên một vị thế lớn lao hơn trên trường quốc tế, hay vẫn còn đâu đó những ý tưởng, kế hoạch khác lạ mà thế giới chưa từng được chứng kiến đến từ thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng gây nên nhiều tranh cãi này?
Đã từ lâu rồi, mối hiềm khích giữa những tín đồ trung thành với “táo khuyết” và fan hâm mộ nền tảng Android vẫn luôn tồn tại, dấy lên những cuộc bàn luận và tranh cãi không ngừng giữa những ông lớn trong làng công nghệ trên thế giới. Đặc biệt là vào những thời kỳ đầu, fan Apple chỉ coi những chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android là “rẻ tiền” và “đồ bỏ đi”, thậm chí nhiều khi còn kết hợp lại một cách gay gắt hơn, là “đồ bỏ đi rẻ tiền”.
Thế nhưng, không ai có thể đoán trước được dòng xoay chuyển của thời gian cũng như xu hướng phát triển của thị trường công nghệ, để rồi ngày nay thế hệ Galaxy S và Galaxy Note của Samsung đã sánh ngang, thậm chí nhiều ý kiến chuyên môn đưa ra còn đánh giá cao hơn những mẫu cao cấp của Apple. Nhu cầu cứ ngày một tăng lên và cả dây chuyền sản xuất nâng cấp và cải tiến cũng vậy, chả mấy chốc mà những flagship của năm cũng sẽ chỉ được coi là dòng sản phẩm hạng phổ thông giá rẻ vào thời điểm lúc đó.
Hiện tượng này, đi kèm với sự đổ bộ và thống trị của những nhà sản xuất phụ tùng/linh kiện gốc (OEM) tại Trung Quốc cũng như động thái thường thấy của họ trong việc giữ mức giá vô cùng phải chăng, đã và đang ảnh hưởng đến những phân khúc lâu đời cùng tầm giá của các hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Sony, HTC và cả Motorola. Thậm chí, cả những hãng sản xuất thiết bị di động như Xiaomi và Huawei cũng đang dần trở thành những cái tên nổi bật trên thị trường.
Vậy hãy cùng đi tìm lý do chi tiết hơn giải thích cho xu hướng gắn liền với những sản phẩm giá rẻ này của Trung Quốc, cũng như mở ra một cái nhìn đa chiều trong tình trạng kinh tế hiện nay, đồng thời giải đáp câu hỏi liệu những OEM đã đề cập trên có thể tìm cho mình một vị trí thật sự vững mạnh để cạnh tranh với các dòng máy trong phân khúc tương tự hay không.
Khái quát bối cảnh
Chẳng cần phải làm một chuyên gia phân tích với đẩy đủ bằng cấp và kinh nghiệm chuyên môn cũng có thể nhìn ra được những yếu tố cơ bản nhất xúc tác nên lý do tại sao giá thành các mặt hàng lại hợp túi tiền người tiêu dùng đến như vậy. Tựu chung lại, các sản phẩm của họ đều có chung những đặc trưng như:
- Thường được giới thiệu và bán hàng qua mạng, trực tiếp từ chính website của OEM hoặc một trang web đối tác mua sắm khác, giúp giảm thiểu chi phí phát sinh liên quan đến việc thuê địa điểm và cơ sở.
- Tiếp cận và quảng bá sản phẩm qua hình thức online, nhằm hạn chế dịch vụ quảng cáo và PR thông qua các loại hình truyền thông.
- Hiếm khi tăng giá sản phẩm. Các OEM Trung Quốc chú trọng tổng khối lượng doanh số hơn là lợi nhuận riêng lẻ theo đầu sản phẩm bán ra.
- Tập trung vào những thị trường mới mẻ, thị hiếu cao như Ấn Độ và chính Trung Quốc, nơi khách hàng ưa chuộng phân khúc giá rẻ.
- Chất lượng phần cứng và độ bền tốt, đa dạng, trải dài trên nhiều mức độ nhưng nhìn chung vẫn luôn tỏ ra là đối thủ đáng gờm với những nhà sản xuất khác.
- Có nhiều dịch vụ đi kèm với những nhà phân phối cục bộ cùng các phương thức khác để thu hút thị trường nội địa.
Tất nhiên vẫn luôn tồn tại thêm những đặc điểm và ngoại lệ khác nữa bên cạnh, nhưng chắc chắn những chính sách, chiến lược kể trên đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp Xiaomi hay OnePlus giành được những thắng lợi to lớn, mặc dù họ không thể có được một nền tảng phát triển đáng mơ ước như Samsung và các công ty hàng đầu khác.
Không thể ngờ rằng những động thái trên lại thực sự mở ra một chân trời mới đầy tiềm năng và hứa hẹn cho các OEM Trung Quốc. Trái lại, Samsung đang phải đối mặt với tình trạng tụt giảm doanh số liên tục trong 5 năm qua, không còn là tên tuổi nắm giữ vị trí cao nhất trên thị trường Trung Quốc. Cụ thể, theo nguồn tin từ Korea Herald, năm ngoái chủ nhân của dòng Galaxy nổi tiếng đã tụt xuống hạng thứ 5, dẫn đến việc họ phải cắt giảm biên chế của hơn 10.000 công nhân lúc bấy giờ.
Thúc đẩy thị trường cao cấp
Trong khi một vài OEM Trung Quốc đang dần bước trên đà tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm phân khúc cao cấp của họ, thì giá thành của những thiết bị đó vẫn luôn ở mức rất cạnh tranh đối với những cái tên dày dạn kinh nghiệm khác. ZTE là một ví dụ tiêu biểu, tung ra phiên bản Axon Phone toàn diện và mạnh mẽ vào năm ngoái, dù cấu hình vẫn còn kém chút so với kỳ vọng nhưng đối với các đối thủ ngang tầm như LG G4 và HTC One M9 thì lại là cả một món hời khi giá thành rất vừa túi tiền.
Tất nhiên, để thích nghi với thị trường đầy biến động hiện nay, việc chi phí chỉ dừng ở mức thấp đến bất ngờ như vậy cũng dần dần phai nhạt đi. Mẫu P9 của Huawei cũng là điểm nhấn đáng chú ý với hệ thống camera kép và thiết kế kim loại nguyên khối, có giá ở khoảng 650 USD tại Nhật, và cao hơn ở châu Âu, kết hợp với phiên bản nâng cấp Huawei P9 Plus (849 USD) - ngang ngửa với các sản phẩm đến từ Samsung, HTC và LG.
Xiaomi cũng không có ý định khoanh tay đứng ngoài cuộc chơi khi nhiều nguồn tin cho biết hãng đã có kế hoạch cho ra mắt một flagship cao cấp đầu tiên ở tầm giá 600 USD trong năm nay. Một thực tế thú vị là Xiaomi chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa thay vì mở rộng ra trên toàn cầu như Huawei, vốn là một đặc trưng khác biệt của hãng công nghệ nổi tiếng Trung Quốc này.
“Con dao hai lưỡi”
Câu hỏi được đặt ra cho tới thời điểm này là liệu những OEM tại Trung Quốc có thể tạo ra một bước tiến cách mạng và hấp dẫn nữa cho mình ngay cả khi tung ra những sản phẩm cao cấp hơn như vậy? Liệu cộng đồng đông đảo người sử dụng có còn mặn mà với họ như những thiết bị “ngon-bổ-rẻ” trước đó?
Sự thật dường như đang không thuận buồm xuôi gió theo như kế hoạch của họ. Nhiều số liệu và bằng chứng vào tháng trước đã chỉ ra Huawei đang nghiêm túc xem xét lại chiến lược kinh doanh liên quan đến doanh số thu về của thế hệ P9, khi mà nguồn hàng cung cấp trong năm 2016 đã giảm đi 40 triệu chiếc so với dự kiến ban đầu - một con số khổng lồ. Tuy nhiên, công ty ngay sau đó đã đưa ra một công bố có vẻ khá tích cực, trái với chiều hướng ảm đạm trên, khác hẳn với dự đoán của nhiều người về một thực tế phũ phàng rằng họ có nguy cơ đối mặt với thất bại:
“Huawei đã thu về doanh số của hơn 28,3 triệu thiết bị, tăng trưởng 64% so với năm ngoái: Số lượng sản phẩm flagship đáng tự hào của chúng tôi - P9 và P9 Plus - xuất đi là hơn 2,6 triệu chỉ trong 6 tuần đầu ra mắt kể từ tháng 4.
Nếu so với những thống kê của dòng P8 trước đó, P9 và P9 Plus tính riêng đã vượt bậc 130% trên thị trường toàn cầu, phát triển mạnh mẽ ở cả những khu vực như Anh Quốc, Pháp, Phần Lan, Ba Lan và Thái Lan.”
Bên cạnh đó, vài tuần trước GizmoChina cũng đưa tin về bài viết liên quan đến dữ liệu thu thập doanh thu gần đây của các OEM Trung Quốc, dựa vào hệ thống bán lẻ JD.com, cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy Huawei đúng là đang đứng đầu trong công cuộc quảng bá và tiếp thị những sản phẩm cao cấp của mình đến tay người tiêu dùng. Sau đây là một vài trích dẫn trên website:
"Trong tầm giá từ 2500-2999 NDT, Huawei Mate 8 cũng như Honor V8 nắm giữ top đầu lợi nhuận, và ở mức 3000-3999 NDT, Huawei P9 và P9 Plus đã thực sự mang lại niềm tự hào lớn cho công ty khi đều nằm trong nhóm thu hút nhiều doanh số nhất.”
Thật ra nếu tính nội trong thị trường Trung Quốc, những thiết bị nằm ở phân khúc cao như trên vẫn được ưa chuộng khá nhiều. Không thiếu những khách hàng tích cực bỏ tiền ra để trang bị cho mình những flagship nổi tiếng của các nhà sản xuất nội địa.
Xiaomi cũng được nhiều chuyên gia nhận định là khả năng cao sẽ thu về kết quả khả quan tương tự khi tung ra chiếc điện thoại 600 USD đầy hứa hẹn của mình như đã đề cập trước đó. Nhìn về một khía cạnh nào đó, có vẻ như cộng đồng khách hàng Trung Quốc vẫn có xu hướng tin tưởng vào sản phẩm “cây nhà lá vườn” để góp phần thúc đẩy kinh tế cục bộ, thay vì kết thân với Samsung hay thậm chí cả Apple. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta đã được chứng kiến sự tụt giảm đầy thất vọng của Samsung, đồng nghĩa với việc nhãn hiệu của xứ sở kim chi không còn đủ sức hấp dẫn trong con mắt và thị hiếu nơi đây.
Viễn cảnh phát triển hứa hẹn khác
Kể cả khi các nhà đầu tư từ thị trường rộng lớn và tiềm năng như Mỹ có ý định tiếp cận và mang về những sản phẩm cao cấp của OEM Trung Quốc, điều đó vẫn chưa thể đảm bảo được rằng họ sẽ chắc chắn thu được thành công tương tự ở đây hay không. Vẫn còn đó những gương mặt thực sự đáng nể như Samsung, HTC, LG và nhiều nữa đã và đang tìm mọi cách để leo lên một nấc thang mới.
Hơn nữa, những thiết kế đến từ Trung Quốc vốn cũng bị gắn liền với nhiều định kiến tiêu cực về khía cạnh ổn định và an toàn. Ngoài ra, nhiều chính sách khác biệt đến từ chính các nhà sản xuất Trung Quốc dường như cũng đang ngăn cản sự phát triển của họ tại đây: Huawei P9 còn chưa được giao dịch rộng rãi trên toàn thể thị trường trong nước; Xiaomi chỉ cho phép nhập khẩu chứ hiếm khi chính thức đặt chi nhánh phân phối bên ngoài; và OnePlus dù được quảng bá rất mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn chưa đủ để cạnh tranh cũng như thuyết phục được những khách hàng khó tính…
Nếu các nhà sản xuất Trung Quốc thật sự có thể làm ra những sản phẩm không hề thua kém trên mọi mặt đối với các đối thủ khác, cùng với sự hỗ trợ tích cực của người tiêu dùng trong nước thì việc họ kiếm về lợi nhuận tăng trưởng hằng năm là hoàn toàn có cơ sở. Mọi người đơn giản chỉ cần một thiết bị với thiết kế vừa mắt, hoạt động hiệu quả và dịch vị bao hành tốt là quá đủ.
Từ đó, định kiến trước đây về những sản phẩm “Made in China” sẽ dần dần biến mất, vì thật ra ngay cả iPhone của Apple cũng được gán mác đó cơ mà. Thậm chí, Google - một công ty công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã bắt tay vào hợp tác cùng Huawei cho ra mắt dòng điện thoại Nexus của mình, góp phần vào ý nghĩa rất lớn trong việc cổ vũ cho hình ảnh của các hãng sản xuất nơi đây.
Kết luận
Tóm lại, những bước tiến, quyết định và chiến lược của các OEM nổi tiếng tại Trung Quốc sẽ vẫn mang một sức nặng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường toàn cầu trong tương lai. Cụ thể hơn một chút, nếu sản phẩm của họ thực sự có khả năng cạnh tranh sát sao, khiến cho những tên tuổi cao cấp khác cùng phân khúc phải “đứng ngồi không yên” như dòng Samsung Galaxy, vậy tại sao người tiêu dùng cứ phải dính lấy những chiếc S7 sáng loáng mà lại không nghĩ đến việc cho Huawei P9 một cơ hội thể hiện khả năng của mình?
Dù sao thì cuối cùng, thế giới cũng sẽ đến lúc phải thừa nhận rằng: Chưa cần cân nhắc đến vai trò và nỗ lực của các OEM tiềm năng và chất lượng trên, Trung Quốc cũng đủ sức tự mình đứng lên, chứng tỏ rằng họ không còn là một quốc gia đơn thuần chỉ đi sao chép và copy, làm nhái lại các hình mẫu có sẵn nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?