Xiaomi đã chính thức vào Việt Nam, nhưng Oppo, Samsung và Apple chẳng có gì mà phải coi đó là "ác mộng"
Thị trường smartphone giờ đây không chỉ đơn giản là cứ có cấu hình mạnh và mức giá rẻ là sẽ đồng nghĩa với thành công.
Trước đây, đã có rất nhiều người cho rằng một khi Xiaomi chính thức tiến vào thị trường Việt Nam, hãng này sẽ khiến nhiều đối thủ phải dè chừng. Đây cũng là một điều dễ hiểu, do smartphone Xiaomi đều có cấu hình mạnh, thiết kế đẹp và tích hợp cảm biến vân tay, nhưng mức giá thì lại cực rẻ, chỉ khoảng 3-4 triệu đồng là bạn đã có một chiếc máy tốt. Người dùng ai cũng thích những món đồ ngon-bổ-rẻ, vậy nên người ta cũng vì thế mà tự tin rằng smartphone Xiaomi khi vào Việt Nam chắc chắn sẽ thành công.
Xiaomi chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào ngày 15/3
Và ngày 15/3 vừa qua, giấc mơ của nhiều Mi Fan đã trở thành sự thật. Xiaomi đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam với loạt ba smartphone Redmi 4A, Redmi Note 4X và Mi Mix. Quả thật, mức giá của những chiếc smartphone Xiaomi chính hãng rất hấp dẫn, kể cả khi so sánh với thị trường xách tay hiện nay. Nhưng liệu thế mạnh về giá và cấu hình sẽ có thể giúp Xiaomi thành công và vượt qua những ông lớn trên thị trường chính hãng như Apple, Samsung hay Oppo?
Cấu hình không phải là tất cả
Đương nhiên rồi, cấu hình là yếu tố rất quan trọng trên mọi smartphone. Một chiếc máy với cấu hình mạnh sẽ đem lại một trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng. Và Xiaomi vẫn luôn được coi là ông vua cấu hình ở trong mọi phân khúc giá.
Tuy nhiên, nếu như vài năm trước cấu hình được coi yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone, thì giờ đây, vai trò của nó cũng không còn mang tính quyết định đối với nhiều người dùng. Tại sao ư? Vì đa số các smartphone hiện nay đều đã đạt mức hiệu năng đủ mạnh để khiến đại bộ phận người dùng hài lòng.
Minh chứng cụ thể nhất là Oppo F1s, một chiếc máy không có bất kỳ đặc điểm nào nổi bật về cấu hình, lại đạt được danh hiệu smartphone bán chạy nhất Việt Nam trong năm 2016.
Oppo F1s không có bất kỳ đặc điểm nổi trội nào về cấu hình, nhưng vẫn là chiếc máy bán chạy nhất tại Việt Nam trong năm 2016
Vậy nếu không phải cấu hình thì người dùng quan tâm đến điều gì? Đó chính là camera. Khi người dùng đứng giữa một cửa hàng điện thoại và "quẹt qua quẹt lại" máy nào cũng mượt, camera sẽ là một trong những yếu tố hiếm hoi còn lại mà họ có thể nhận ra sự khác biệt và từ đó đi đến quyết định của mình. Nhu cầu chụp ảnh, lưu giữ khoảnh khắc và chia sẻ lên mạng xã hội của người dùng ngày một cao, và ai cũng muốn sở hữu một chiếc máy với khả năng chụp ảnh đẹp. Biết được điều này, các nhà sản xuất đã liên tục đầu tư các công nghệ mới vào camera, đặc biệt là camera selfie để bắt kịp xu thế. Oppo thậm chí còn đổi slogan của mình thành "Camera phone" để có được sự tin tưởng tuyệt đối của người dùng.
Camera chưa bao giờ là điểm mạnh của những sản phẩm Xiaomi
Tiếc rằng, camera lại không phải là điểm mạnh của những chiếc máy Xiaomi. Sản phẩm chủ lực của Xiaomi lần này tại Việt Nam là Redmi Note 4 gần như thua thiệt hoàn toàn so với các đối thủ Samsung Galaxy J7 Prime, Oppo F1s hay Huawei GR5 2017 về camera.
Thực chất, đây không phải là vấn đề của riêng dòng sản phẩm giá rẻ của Xiaomi, mà ngay cả chiếc Mi Mix với giá 17 triệu đồng cũng chỉ có camera ở mức chấp nhận được, chứ chưa thể sánh bằng những siêu phẩm khác đến từ Apple hay Samsung. Vậy nên dù có cấu hình mạnh, những chiếc máy Xiaomi vẫn bị người dùng bỏ qua.
Thương hiệu chưa có chỗ đứng trong lòng người dùng
Thương hiệu Trung Quốc từ trước đến nay rất khó giành được thiện cảm của người dùng, nếu đặt lên bàn cân để so với Hàn Quốc hay Mỹ. Do để thay đổi quan niệm lâu năm của người dùng là một điều rất khó khăn, các thương hiệu Trung Quốc thay vì cố gắng làm điều này trong vô vọng, thì họ lại có một hướng đi khác khôn ngoan hơn, đó là né tránh.
Tại Mỹ, Huawei quyết định từ bỏ hoàn toàn tên thương hiệu của mình để thay bằng Honor, và hãng đã thu về rất nhiều thành công ngay sau đó. Tương tự như vậy, OnePlus - một thương hiệu khác rất được ưa chuộng tại Mỹ thực chất cũng thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ đang nắm giữ Oppo. Hay một trường hợp ngoại lệ khác là Samsung cũng đang quảng bá các smartphone bán tại Nhật Bản của mình dưới tên thương hiệu Galaxy, do quan điểm của người Nhật Bản về hàng hóa Hàn Quốc cũng không thật sự tốt.
Tại Mỹ, Huawei sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn tên của mình và chỉ sử dụng thương hiệu Honor
Hay tại Nhật Bản, Samsung cũng chỉ sử dụng tên Galaxy
Tình cảnh của Xiaomi cũng tương tự như Huawei tại Việt Nam. Những chiếc máy của Huawei đều có chất lượng rất tốt, mức giá lại cực kỳ cạnh tranh. Thế nhưng, tên thương hiệu đậm chất Trung Quốc vẫn là thứ khiến người dùng tỏ ra thờ ơ. Huawei GR5 2017 (giá 5.99 triệu) tuy là một chiếc máy rất tốt, nhưng nó thường bị cho ra rìa ở cuộc chiến phân khúc tầm trung, và mọi sự chú ý lại chỉ xoay quanh Samsung và Oppo. Xiaomi cũng sẽ gặp tình cảnh như vậy.
Rất khó để Xiaomi thay đổi được quan niệm mua sắm hiện tại.
Đến đây, nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng: "Thế nhưng chẳng phải Oppo cũng đến từ Trung Quốc hay sao?"
Oppo làm marketing cực giỏi. Nhưng Xiaomi thì không
Lý do đầu tiên mà Oppo thành công mặc dù cũng đến từ Trung Quốc rõ ràng là đến từ việc tên thương hiệu Oppo không làm người ta liên tưởng nhiều đến Trung Quốc như Xiaomi. Nhưng đó cũng chỉ là một phần.
Cho dù bạn ghét Oppo đến mấy, nhưng bạn sẽ không thể phủ nhận rằng hãng này làm marketing cực giỏi. Từ việc nhanh nhạy nắm bắt xu thế mới của thị trường để tạo ra những sản phẩm được ưa chuộng, tạo mối liên kết chặt chẽ với chuỗi hệ thống bán lẻ, và đặc biệt nhất là những chiến dịch quảng cáo gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng, chương trình truyền hình cũng như sự kiện "hot" - tất cả đã khiến cho thương hiệu Oppo nhanh chóng được biết đến. Hãy nhìn vào cuộc chiến tầm trung năm ngoái giữa hai sản phẩm cùng chạy theo xu hướng selfie là Oppo F1s và Samsung Galaxy J7 Prime, đi kèm với đó là hai "soái ca" Sơn Tùng M-TP và Isaac là bạn sẽ biết được tầm quan trọng của marketing (chứ không phải cấu hình) là lớn đến mức nào.
Liệu Xiaomi có đủ sức mời những gương mặt nổi tiếng như thế này làm đại diện thương hiệu? Chắc chắn là có, nhưng tôi tin là hãng sẽ không bao giờ làm
Vậy liệu Xiaomi có thể làm được như thế? Xét về mặt lý thuyết, nếu Xiaomi đầu tư thật nhiều tiền như Oppo hay Samsung, thì điều này là hoàn toàn khả thi. Nhưng khi mà cuộc chơi đã ngã ngũ, "sao nào đã về nhà nấy", thì đây thực chất là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Quan trọng hơn, cách thức truyền thông của Xiaomi là hoàn toàn khác biệt so với các hãng khác.
Nhằm giảm giá thành, Xiaomi không đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo hoành tráng, cũng như không thuê những người nổi tiếng, mà hãng dựa trên sức mạnh cộng đồng từ các Mi Fan để truyền đi thông điệp. Tại Việt Nam, Xiaomi cũng đang xây dựng mô hình như vậy thông qua các hoạt động cộng đồng Mi Community.
Xiaomi dựa vào cộng đồng để tạo nên sức mạnh truyền thông
Chưa rõ tính hiệu quả của nó tại Việt Nam đến đâu, nhưng theo số liệu của IDC về lượng smartphone bán ra trong năm 2016 tại ngay sân nhà Trung Quốc, Xiaomi từ vị trí số 1 trong suốt ba năm 2013-2015 nay đã tụt xuống vị trí thứ 5. Soán ngôi Xiaomi giành vị trí dẫn đầu lại chính là... Oppo. Cộng đồng Mi Fan tại Việt Nam có thể đạt con số hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, nhưng liệu tầm ảnh hưởng có hiệu quả bằng một ca khúc của Sơn Tùng M-TP với hàng trăm triệu lượt xem?
Xiaomi tụt xuống vị trí thứ 5 về lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc trong năm 2016
Thực chất, Xiaomi đã tự nhận thấy được sự đi xuống của mình từ lâu, và vào thời điểm cuối tháng 7 khi ra mắt chiếc Redmi Pro, hãng này đã lần đầu tiên "nhờ cậy" hình ảnh của ba ngôi sao tại Trung Quốc để quảng bá cho sản phẩm này.
Lưu Thi Thi, Ngô Tú Ba và Lưu Hạo Nhiên là ba nhân vật nổi tiếng được Xiaomi lựa chọn để quảng cáo cho Redmi Pro tại Trung Quốc. Nhưng rồi nó cũng chẳng giúp do doanh số của chiếc máy này khá khẩm hơn được bao nhiêu.
Nhưng đâu phải cứ có người nổi tiếng là xong! Độ thành công, hay nói đúng hơn là thất bại của Redmi Pro thì có lẽ ai trong chúng ta cũng đã biết. Và chung cuộc thì Xiaomi vẫn chịu thua Oppo, như các bạn đã thấy ở trên. Thế mới biết làm marketing đâu phải chuyên đơn giản!
Và ở Việt Nam, khi mà Xiaomi dường như không hề có ý định cho một chiến dịch truyền thông nào, thì tôi e rằng tương lai của hãng cũng sẽ không khá khẩm hơn tại quê nhà là mấy.
Xiaomi sẽ không thể vượt mặt Oppo, Samsung hay Apple tại Việt Nam. Nhưng không sao cả!
Sau những lời chỉ trích trên, đến đây nhiều bạn sẽ cho rằng tôi chắc hẳn là một người rất ghét Xiaomi. Vậy thì bạn đã nhầm. Ngay lúc này, trên bàn làm việc của tôi là hai chiếc smartphone Xiaomi mà cá nhân tôi đánh giá rất cao, đó là Redmi Note 3 Pro và Redmi Note 4X. Ngoài ra, tôi còn sở hữu rất nhiều sản phẩm khác của hãng như pin dự phòng, thiết bị mạng... mà tôi sẽ không kể ra chi tiết.
Tôi không nói dối đâu
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Cá nhân tôi rất mong muốn Xiaomi thành công tại Việt Nam. Nhưng chỉ qua một vài vấn đề trên, kể cả những Mi Fan lạc quan nhất cũng không dám mơ vào một ngày công ty của mình có thể vượt mặt được Oppo, chứ chưa nói là Samsung hay Apple.
Thế nhưng, con đường đi đến thành công của Xiaomi cũng không đồng nghĩa với việc Oppo, Samsung hay Apple phải nếm mùi thất bại. Thực chất, đối tượng người dùng của những chiếc máy Xiaomi cũng không hề chung chạ với các thương hiệu khác. Yêu công nghệ, chuộng cấu hình thì chọn Xiaomi. Mê chụp ảnh, khoái selfie thì chọn Oppo. Thích ổn định, mê thương hiệu thì chọn Samsung, Apple. Đơn giản vậy thôi.
Và nếu bạn là một Mi Fan chân chính, thì thay vì tham gia những cuộc tranh cãi vô bổ về việc Xiaomi điểm benchmark cao hơn Oppo, hay Xiaomi cấu hình mạnh hơn Samsung, thì hãy dùng quãng thời gian đó để xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, thuyết phục những người khác thay đổi định kiến, hay góp ý cho Xiaomi về những vấn đề mà hãng cần cải thiện trong các sản phẩm tiếp theo.
Đó là cách duy nhất để Xiaomi có thể thành công ở thị trường Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming