Xiaomi giương cánh bay cao giữa lúc Huawei chìm trong bể khổ
Tiểu Mễ đã có một quý đẹp toàn diện: tất cả mọi con số đáng chú ý đều tăng mạnh.
Từ trước tới nay, Huawei và Xiaomi đã nằm ở 2 tình thế trái ngược. Trong lúc Huawei liên tục bành trướng, chiếm vị trí số 2 của Apple, Xiaomi không hề thay đổi về thứ hạng. Trong lúc lợi nhuận Huawei tăng mạnh, Xiaomi lại chứng kiến lỗ lãi đan xen. Đặc biệt, khi Huawei phát triển mạnh về phân khúc cao cấp qua hai dòng Mate và P, Xiaomi vẫn cứ gắn với phân khúc "lẹt đẹt" dưới 100 USD.
Nhưng chỉ trong một ngày, khi Google tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei – khi Xiaomi công bố kết quả quý 1/2019, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Khi Huawei chuẩn bị bốc hơi khỏi thị trường toàn cầu, vị thế của Xiaomi đang được củng cố trên mọi mặt.
Xóa dần ấn tượng smartphone giá rẻ
Công cuộc tái cơ cấu để... tăng giá đã mang lại kết quả tốt.
Xiaomi từng khẳng khái tuyên bố sẽ hạn chế ăn lợi nhuận từ smartphone, nhưng điều đó vẫn không ngăn công ty của Lei Jun tiến bước lên các phân khúc giá cao hơn. Tách Redmi ra hoạt động độc lập, ra mắt Pocophone, phân hóa dòng Mi... là một số bước đi nổi trội của Xiaomi nhằm xóa ấn tượng giá rẻ.
Kết quả là tại Trung Quốc – nơi smartphone đã bão hòa, giá trung bình của smartphone Xiaomi đến tay người dùng đã tăng 29,9%. Trên phạm vi toàn cầu, chỉ số này cũng tăng 11,8%. Hiện tại, giá trung bình của smartphone Xiaomi bán ra là 968 NDT (khoảng 140 USD), tăng hơn 18% so với cùng kỳ 2019.
Đến cả doanh số và lợi nhuận cũng tăng
Công ty không còn oằn mình chịu lỗ và cũng không còn phụ thuộc vào giá cổ phiếu mới có lãi.
Thông thường, khi thị trường bão hòa, các hãng sẽ chứng kiến giá trung bình tăng nhưng doanh số có thể giảm (người dùng ít mua hơn nhưng lại chịu chi hơn). Với Xiaomi, hiện tượng này đã không xảy ra bởi tổng doanh thu của hãng này tăng 27% so với cùng kỳ 2018. Riêng doanh số smartphone cũng tăng 16%, đạt 27,9 triệu chiếc.
Cùng lúc, lợi nhuận hoạt động của Xiaomi cũng đã tăng từ 3,3 tỷ NDT lên 3,6 tỷ NDT. Do cổ phiếu đã ổn định, hãng này không còn phải ghi nhận lỗ như quý 1/2019, cho phép Xiaomi nhận lãi ròng ở mức 3,1 tỷ NDT (450 triệu USD).
Giảm dần phụ thuộc vào quê nhà
Khi thị trường Trung Quốc suy thoái, tăng trưởng ra toàn cầu là tín hiệu đáng mừng.
Kết thúc quý đầu nau, tổng doanh thu từ các thị trường quốc tế đã đạt mốc 16,8 tỷ NDT, tức gần 1/3 tổng doanh thu của Xiaomi trên toàn cầu. Điều này tỏ ra đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường smartphone Trung Quốc đã khá bão hòa. Ngay chính doanh số Xiaomi tại quê nhà cũng đang suy giảm (số liệu thống kê bên thứ 3), do đó việc Xiaomi đẩy mạnh Ấn Độ hay Châu Âu là tối cần thiết.
Theo báo cáo tài chính, hãng này cũng sẽ mở rộng tại Châu Phi và Mỹ Latin.
Gia tăng hệ sinh thái
Xiaomi đã luôn định hình là công ty dùng smartphone làm "mồi nhử" sang các mảng kinh doanh khác, và quý 1/2019 là minh chứng cho thấy tầm nhìn này là đúng đắn. Tổng doanh thu của mảng này vừa chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 56%, trong đó các mẫu TV tỏ ra đặc biệt thành công.
Mảng Internet không còn nhỏ bé
Dịch vụ Internet và hệ sinh thái song hành.
Tầm nhìn "công ty Internet" của Lei Jun đã luôn bị chỉ trích nặng nề bởi Internet chiếm phần quá nhỏ trong doanh số của Xiaomi. Trong quý vừa qua, con số này đã tăng 32% để đạt mức 4,3 tỷ NDT (khoảng 622 triệu USD). Tuy còn khá nhỏ, Xiaomi đang hình thành một thế lực dịch vụ số thực thụ khi thu hút được 45,5 triệu người dùng trợ lý ảo giọng nói. Xiaomi sở hữu 1000 bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực "AIoT" (AI và Internet vạn vật), hứa hẹn tiềm năng khổng lồ cho tương lai.
Cơ hội tuyệt vời từ Tổng thống Trump
Mỹ đã giúp Xiaomi loại bỏ một đối thủ đáng gờm.
Trên tất cả, lệnh cấm của tổng thống Trump dành cho Huawei thực sự là một món quà dành cho Xiaomi. Do Huawei có thể sẽ phải vĩnh biệt thị trường quốc tế, lệnh cấm này sẽ mở đường cho Xiaomi lấp đi chỗ trống của Huawei tại châu Âu và châu Á. Mối đe dọa đang hình thành tại Ấn Độ cũng sẽ bị loại bỏ, và Xiaomi hoàn toàn có thể yên tâm vững bước trên con đường đang đi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI