Xiaomi Mi Mix 3 có copy sáng tạo của Honor Magic 3? Câu trả lời không quan trọng, vì có thứ khác đáng lo hơn
Không phải vô cớ mà smartphone ngày nay đều sử dụng thiết kế nguyên khối...
Tiếp tục giữ vững vai trò "tạo nét riêng" trên dòng Mix, trong tuần này Xiaomi đã vén màn Mix 3 với thiết kế không hề có tai thỏ. Để giải quyết vấn đề camera mặt trước, Xiaomi sử dụng cơ chế nắp trượt vốn một thời làm mưa làm gió trên điện thoại phổ thông.
Đáng tiếc rằng Tiểu Mễ không phải là nhà sản xuất đầu tiên góp phần đưa thiết kế slider trở lại. Cách đây 2 tháng, Huawei đã vén màn chiếc Honor Magic 2 tại IFA 2018. Cũng giống như Xiaomi, Huawei sử dụng nắp trượt để "giấu" camera.
Như vậy, xét về mặt ý tưởng, Xiaomi chậm hơn Huawei tới 2 tháng. Thế nhưng, điều khiến cho vấn đề trở nên phức tạp là, Honor Magic 2 hiện tại vẫn chưa ra mắt! Nếu được vén màn "chính thức" trong vòng vài ngày tới, Honor sẽ chậm chân hơn Xiaomi.
Vậy, 2 ông lớn Trung Quốc, ai "copy" ai về ý tưởng nắp trượt để tạo ra smartphone tràn viền?
Cơ chế "giấu" camera dưới nắp trượt được Huawei Honor "khoe" trước Xiaomi tới hẳn 2 tháng.
Câu trả lời là "không ai cả". Đi trước Xiaomi và Huawei cả nửa năm trời, Doogee, một hãng smartphone cũng nổi tiếng với thiết kế... nhái Apple đã đi đầu trong việc sử dụng thiết kế nắp trượt bằng một sản phẩm cũng tên là... Mix 3. Nằm giữa ngày "hé lộ" Honor Magic 3 và ngày ra mắt chính thức của Mix 3, Lenovo cũng ra mắt chiếc Z5 tại Trung Quốc.
Hiển nhiên, cảm hứng rõ ràng cho những chiếc smartphone nắp trượt của nửa sau 2018 đến từ những chiếc smartphone camera "thò thụt" của nửa trước 2018. OPPO và Vivo, 2 thương hiệu cùng thuộc BKK Electronics, đã chạm tay vào smartphone "toàn màn hình" thực thụ trước tiên với cơ chế camera cơ học.
Ai tồn tại lâu hơn
Vấn đề không phải là ai đi trước, mà là smartphone của hãng nào sẽ "thọ" hơn.
Thế nhưng, cũng giống như tất cả những câu chuyện copy khác, người dùng có lẽ sẽ sớm quên đi những tranh cãi về việc ai mới là kẻ hồi sinh ý tưởng nắp trượt trên smartphone. Thứ mà họ cần thực sự phải quan tâm là độ bền.
Ví dụ, theo công bố của OPPO/Vivo, camera "thò thụt" chỉ chịu được khoảng 55.000 lần đóng mở, tức là chưa đầy 2 năm đã hỏng nếu giả dụ mỗi ngày camera bị kích hoạt 80 lần (selfie, mở khóa...). Con số 300.000 lần đóng mở của Mi Mix 3 chắc chắn sẽ đem đến sự yên tâm lớn hơn, nhưng ở đây Xiaomi mới chỉ tính đến số lần đóng mở, chưa tính đến thực tế sử dụng: đặt trong túi quần chặt, đánh rơi, sử dụng trong môi trường nhiều bụi bẩn hay lông tóc v...v... đều có mức độ rủi ro rất lớn.
Các vấn đề về độ bền cũng đã từng cực kỳ phổ biến với những chiếc smartphone nắp trượt ngày trước, bao gồm cả chiếc N95 "huyền thoại". Bàn phím trượt cũng rất phổ biến trong những năm đầu của Android, nhưng đến nay nhà sản xuất nào cũng chuyển sang nguyên khối. Lý do cho sự chuyển dịch tưởng chừng là nhàm chán này chỉ có 1: càng hạn chế các cơ chế cơ học, người dùng càng yên tâm sử dụng.
Tóc, bụi, nước... đều đe dọa lớn đến smartphone nắp trượt.
Cũng trong tuần này, Samsung cũng đã công bố một sáng tạo có thể thay đổi bản chất cuộc đua "toàn màn hình": đặt camera và các loại cảm biến khác xuống dưới màn hình OLED và đóng/mở chúng bằng cơ chế điều khiển riêng. Một khi công nghệ này được phổ cập (hãy nhớ rằng mảng cung ứng của Samsung đem lại lãi cao hơn nhiều so với mảng smartphone), chắc chắn các nhà sản xuất sẽ từ bỏ cơ chế nắp trượt hay cam "thò thụt" để chuyển sang sử dụng OLED.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4