Một thẩm phán liên bang ở Washington đã chặn quy định của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó hạn chế các nhà đầu tư nước này đầu tư vào nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Xiaomi.
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chính quyền Donald Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa Xiaomi vào danh sách các công ty bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, dẫn tới các hạn chế tài chính của các thực thể Mỹ với doanh nghiệp này. Dự kiến, các quy định này sẽ chính thức có hiệu lực vào tuần tới.
Tuy nhiên, ngày 12/3, Thẩm phán quận Rudolph Contreras của Mỹ đã đình chỉ lệnh cấm, đứng về phía Xiaomi trong vụ nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc kiện quy định của Bộ Quốc phòng nước này. Xiaomi lập luận rằng động thái này là "tùy tiện và thất thường" đồng thời cũng tước bỏ các quyền pháp lý của công ty này.
Thẩm phán Contreras cho biết Xiaomi hoàn toàn có khả năng đảo ngược lệnh cấm khi tiến hành vụ kiện. Đó là lý do phán quyết mới nhất được đưa ra nhằm ngăn công ty Trung Quốc phải gánh chịu "những thiệt hại không thể khắc phục".
Khi lệnh cấm của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh bị hủy niêm yết khỏi các sàn chứng khoán Mỹ và bị xóa khỏi các chỉ số điểm chuẩn toàn cầu.
Dù giành được chiến thắng ban đầu nhưng Xiaomi cho biết họ có kế hoạch tiếp tục yêu cầu Tòa án tuyên bố việc cáo buộc công ty này có liên quan tới quân đội Trung Quốc là bất hợp pháp và xóa bỏ vĩnh viễn cáo buộc này.
Nếu tính theo số lượng sản phẩm, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới. Quý 3 năm ngoái, nó đã vượt Apple về doanh số bán điện thoại thống minh. Hiện tại, luật sư của công ty chưa ngay lập tức đưa ra phản hồi chính thức.
Hồi tháng 11/2020, ông Donald Trump, khi đó còn là Tổng thống Mỹ, đã ký một lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào các công ty do Quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh về những gì mà Mỹ mô tả là các hoạt động kinh doanh không công bằng. Mỹ cũng đã theo đuổi các lệnh cấm đối với các ứng dụng phổ biến do Trung Quốc sở hữu như WeChat và TikTok vì cáo buộc chúng gây đe dọa với an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa ngay lập tức đưa ra bình luận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI