Xôn xao tin đồn Google giành mua MIPS với AMD - Viễn cảnh mới về Android?

    Leopard,  

    Những chiếc tablet nền Android sẽ có giá thành dễ chịu hơn, tiết kiệm pin hơn nhưng hiệu năng không suy giảm?

    Những chiếc tablet nền Android sẽ có giá thành dễ chịu hơn, tiết kiệm pin hơn nhưng hiệu năng không suy giảm?

    - MIPS là một kiến trúc điện toán rất tiết kiệm điện.

    - AMD và GG đều có lưu tâm đến các phần cứng tiết kiệm điện phù hợp cho tablet.

    - Android hiện đã hỗ trợ kiến trúc MIPS.


    Đa phần bạn đọc GenK có lẽ không lạ lẫm gì với những chiếc tablet, smartphone sử dụng hệ điều hành (HĐH) Android của Google (GG). Vâng, sự ra đời của Android đã cơ bản thay đổi bộ mặt thị trường di động cầm tay (handheld device). Dĩ nhiên ngoài Android ra chúng ta vẫn còn iOS, Windows Phone (WP), MeeGo, Bada và sắp tới là Windows 8 (phiên bản cho ARM). Nhưng trước mắt Android là HĐH di động chiếm ưu thế nên việc GG "ủng hộ" kiến trúc điện toán nào cơ bản sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của nền công nghiệp.

    Vậy MIPS là ai? Sao tin đồn này lại đáng quan tâm như vậy?


    MIPS là hãng đã lập ra kiến trúc MIPS, một trong các kiến trúc điện toán phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh x86 của Intel, ARM của ARM, Power của IBM, SPARC của Oracle (trước là Sun). MIPS từng có thời phát triển khá rực rỡ, chỉ thua kém kiến trúc Alpha của DEC. Tuy vậy sự cạnh tranh khốc liệt của Intel đã khiến các kiến trúc RISC kể trên bị thoái trào và biến mất khỏi thị trường PC. MIPS và ARM lui về "ở ẩn" ở mảng di động và điện toán nhúng (embedded).

    Nhưng thế thời thay đổi, tương lai của PC không còn rực rỡ như trước. Intel không thể "làm tàng" mãi được khi điện toán mây lên ngôi: người ta có thể truy cập thông tin bất kỳ nơi đâu miễn là có sóng mạng. Tiến lên mobile hay thụt lùi, tuỳ con đường đi của mỗi hãng. Việc AMD đổi "tài xế" (CEO mới là Rory Read thay cho người cũ Dirk Meyer) đã thể hiện rõ điều đó: hãng này sẽ bớt đối đầu với Intel ở mảng điện toán cao cấp mà tập trung vào phân khúc mobile với dòng sản phẩm APU. Có một thực tế là Hội đồng quản trị (BoD) của AMD đã mất tới... nửa năm để tìm được người "xứng đáng"!

    Dự báo của AMD về thị trường di động tới 2015.

    Tại hội thảo tài chính đầu năm (FAD) nay của AMD, hãng này đã bật mí "sơ sơ" về dự định tương lai của mình. Rõ ràng AMD nhận thức được doanh số của tablet sẽ tiếp tục gia tăng, ultrabook (ultrathin) cũng sẽ lớn dần và laptop kích cỡ truyền thống sẽ giảm dần. Việc có các thiết kế chip mới với khả năng tiết kiệm điện cao là điều cấp thiết nếu AMD muốn khai thác hai thị trường tiềm năng tablet và ultrabook.

    "Con bài" mà AMD đưa ra cho "ván cờ" mobile chính là APU. Một số model APU trong tương lai rất có thể sẽ kèm theo một nhân điện toán khác (3rd Party IP) ngoài x86 hiện có. Nhiều người đồn đoán rằng nó có thể là ARM. Và cho đến thời điểm này thì MIPS hoàn toàn là một lựa chọn tiềm năng. Lý do? MIPS rất tiết kiệm điện, thậm chí hơn cả ARM. Chưa kể, MIPS đang "rao bán" chính mình...

    APU của AMD rất có thể sẽ có nhân điện toán "lạ".

    Giá trị thị trường (market cap) của MIPS hiện thấp hơn rất nhiều so với ARM: 361 triệu vs. 12,8 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị của AMD trên chứng khoán chỉ đạt 5,4 tỷ USD. Như vậy rõ ràng có thể thấy mua MIPS "dễ hơn" mua ARM, ít nhất là nhìn từ góc độ AMD. Chi tiết này tương tự như hồi AMD mua lại ATI thay vì NVIDIA: giá trị thị trường của ATI thấp hơn (giai đoạn 2006).

    Nhưng về mặt tài chính thì AMD không là gì so với GG. Gã khổng lồ Internet chỉ cần "búng tay" là AMD biến mất: GG có giá thị trường tới 193,8 tỷ USD! Song có điều, với kinh doanh, nhiều tiền chưa hẳn đã thắng.

    Về cơ bản GG là một công ty phần mềm, "kiếm sống" từ các dịch vụ mạng với mức lợi nhuận biên gấp chục lần việc thiết kế chip. Không cần nói bạn cũng hình dung được copy hoặc download một ứng dụng từ Internet về tiết kiệm được biết bao chi phí sản xuất, nhưng với phần cứng thì không như vậy: bạn phải có nhà máy. Chưa kể lợi nhuận từ mảng điện toán nhúng và di động khá thấp. Một công ty không chút kinh nghiệm nào về sản xuất phần cứng liệu có thể đảm bảo sẽ thành công khi mua lại MIPS?


    Cách đây không lâu từng có tin đồn GG sẽ bán lại mảng phần cứng di động mà hãng này mua lại từ Motorola. Lý do đơn giản cho việc GG "mua sắm" là họ cần các bản quyền trí tuệ (IP) của Motorola, để đối đầu với Apple (hoặc các đối thủ di động khác) trong cuộc chiến pháp lý. Nói nôm na GG chỉ cần "thân xác", còn "trái tim" của Motorola không ý nghĩa lắm với hãng này. Song, đấy chỉ mới là tin đồn.

    Chưa có kinh nghiệm thì phải "tập". Ngay lập tức khó đòi hỏi được GG có khả năng làm smartphone, tablet tốt như Apple. Nhưng về lâu dài, nếu GG thực sự nghiêm túc trong cuộc chơi di động, hãng này hoàn toàn có thể chuyên tâm vào sản xuất phần cứng. Mà một trong số những việc cần làm đầu tiên, là thâu tóm các công ty có kinh nghiệm phần cứng (đưa nguồn nhân lực có trình độ về phía mình), xây dựng nhà xưởng, tối ưu phần mềm... 

    Nếu bạn có để ý, hồi cuối 2011, GG đã chính thức hỗ trợ kiến trúc MIPS với phiên bản Android 4.0.3 "Ice Cream Sandwich". Đây là động thái đầu tiên cho thấy GG "để mắt" tới MIPS. Cũng trong thời gian đó, chúng ta còn được thấy một mẫu tablet sử dụng chip MIPS nhưng chạy Android rất mượt mà - Ainol Novo 7. Nếu bạn chưa xem Novo 7, hãy kiểm tra lại ở hai bài sau (song trước hết hãy gạt bỏ tư tưởng "made in China" nhé, chúng ta nói về con chip trong chiếc tablet, chứ không về chiếc tablet):


    Mẫu tablet dùng chip MIPS chạy Android.

    Rất "nuột" phải không nào? Dĩ nhiên con chip MIPS chỉ chạy được các ứng dụng viết trên nền Java chứ không dùng được với các món được code trên Android Native Development Kit (NDK). Có điều phần lớn ứng dụng cho Android hiện nay dựa trên Java nên đây có thể chưa phải vấn đề lớn cho MIPS. Dẫu sao trong tương lai bất kể GG có mua lại MIPS hay không, hai hãng này vẫn cần hợp tác với nhau để xây một hệ sinh thái (eco system) mạnh hơn hôm nay.


    Theo báo cáo của MIPS, đến tháng 4 năm nay, đã có 1,8 triệu mẫu tablet dùng chip MIPS xuất xưởng. Con số này tuy không lớn so với nền tảng ARM. Nhưng riêng với một kiến trúc chuyên cho điện toán nhúng (dùng rất lâu và ít khi cần nâng cấp) như MIPS, đấy là một thành công lớn trong bước đầu thâm nhập điện toán di động.

    Từ đây, có thể thấy AMD hay GG, ai mua lại được MIPS cũng đều có lợi cho họ. GG với bản chất "sống" nhờ điện toán mây, càng nhiều thiết bị online được thì họ càng mừng. Còn AMD, khi tương lai di động ngày càng rộng mở, làm ra con chip vừa mạnh vừa tiết kiệm điện lại chạy được Android là yêu cầu tiên quyết để tồn tại ở mảng này. Vấn đề chỉ còn lại: sau cùng ai làm "xiêu lòng" được Mị Châu?

    Tổng hợp.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ