'Xứ sở máy bán hàng tự động' Nhật Bản: Minh chứng một xã hội an toàn và sự thú vị đằng sau
Nhật Bản là nước có số máy bán hàng tự động trên đầu người cao nhất thế giới và điều đó phản ánh vài sự thật thú vị về quốc gia này.
Một trong những điều đầu tiên mà du khách đến Nhật nhận ra về đất nước mặt trời mọc là các thành phố có một số lượng máy bán hàng tự động lớn bất ngờ. Dù đã giảm hơn 1 triệu máy trong thập kỷ qua, số máy bán hàng tự động tính đến năm 2021 tại Nhật vẫn là 4 triệu - mật độ trên đầu người cao nhất thế giới.
Máy bán hàng tự động trở nên quá phổ biến và đã ăn sâu vào đời sống của người Nhật đến mức nó thể hiện nhiều mặt thú vị của văn hóa nước này. Nhưng tại sao người Nhật lại "mê" máy bán hàng tự động đến thế và nó tiết lộ điều gì về con người xứ Phù Tang?
Minh chứng của một đất nước an toàn
Theo Insider, Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Bên cạnh những tội nghiêm trọng, đất nước này cũng sở hữu tỉ lệ trộm cắp ít.
Trong khi vẫn còn tranh cãi về lý do thực sự tại sao tỉ lệ tội phạm ở đây lại thấp đến vậy, một điều chắc chắn là tội phá hoại hoặc liên quan đến tài sản là rất hiếm khi xảy ra. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, máy bán hàng tự động "rất ít khi bị phá hoặc trộm" dù chứa hàng đống tiền mặt bên trong và được đặt tại các con hẻm tối hoặc khu vắng người.
Đó là chưa kể đến việc mặc dù số lượng máy bán hàng tự động hiện diện trên đất nước vô cùng lớn, nhưng số vụ trộm cắp xảy ra vẫn rất ít. Để tiện so sánh, như tờ Insider thông tin, các công ty máy bán hàng tự động ở Mỹ còn không nghĩ đến việc lắp đặt máy ngay bên đường như ở Nhật do lo ngại bị trở thành con mồi cho tội phạm.
"Cứu tinh" của dân công sở
Một lý do giải thích sự phổ biến của máy bán hàng tự động ở Nhật Bản là cách máy cho phép khách hàng mua sắm nhanh chóng và do đó đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động bận rộn ở Nhật Bản. Đặc biệt, việc mua vội một món ăn hoặc ly cà phê trên đường đến chỗ làm sẽ trở nên rất tiện khi họ chỉ cần tạt qua lề đường mà không cần vào cửa hàng, nhất là nếu phải xếp hàng và đợi chế biến. Hơn nữa, chúng còn hoạt động 24/7.
Ví dụ, điều này có thể thấy rõ ở các tỉnh như Tokyo và Aichi, nơi số lượng máy bán hàng tự động được lắp đặt đặc biệt cao. Cả 2 tỉnh đều là nơi tọa lạc các nền kinh tế lớn nhất Nhật Bản cũng như có tỷ lệ làm thêm giờ mỗi ngày cao nhất đối với nhân viên văn phòng. Nói cách khác, có mối tương quan giữa số lượng nhân viên văn phòng bận rộn và số lượng máy bán hàng tự động được lắp đặt.
Một ngành kinh doanh "quốc dân"
Ngành kinh doanh "quốc dân" ở đây không phải là mọi người đều làm, mà đơn giản là vì ai cũng có thể làm được. Sự phổ biến của máy bán hàng tự động cũng liên quan đến chiến lược của các nhà sản xuất chúng, với mục đích mở rộng doanh số bán hàng. Khi máy bán hàng tự động lần đầu tiên được giới thiệu, các cửa hàng muốn lắp đặt một chiếc máy phải mua đứt với giá khoảng 1 triệu yên (170 triệu đồng).
Tuy nhiên, gánh nặng tài chính đáng kể đối với người mua đã khiến máy bán hàng tự động khó trở nên phổ biến vào thời điểm đầu. Để khắc phục tình trạng đó, các nhà sản xuất máy bán hàng tự động bắt đầu cho thuê máy miễn phí ban đầu. Do đó, số lượng máy bán hàng tự động được lắp đặt tăng vọt, và chúng bắt đầu phủ khắp cả nước.
Trên thực tế, ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể lắp đặt máy bán hàng tự động ở Nhật Bản bằng cách liên hệ với nhà sản xuất máy bán hàng tự động và xin phép. Sau khi lắp đặt, nhà sản xuất sẽ đảm nhận tất cả các công việc bảo trì và kiểm tra, bao gồm cả việc nạp sản phẩm và thu phí, và một phần doanh thu sẽ được họ thu lại.
Vì không cần phải có bất kỳ bằng cấp đặc biệt nào, ai cũng có thể dễ dàng tạo ra một nguồn thu nhập mới chỉ bằng cách lắp đặt một máy bán hàng tự động. Do đó, theo một cách nào đó, số lượng máy bán hàng tự động được lắp đặt ở nước này đã tăng lên khi các nhân viên văn phòng ở Nhật Bản bắt đầu coi đây là một công việc kinh doanh phụ.
Sự tỉ mỉ trong từng hành động nhỏ nhất
Một trong những yếu tố thiết yếu đã thúc đẩy sự phổ biến của máy bán hàng tự động là hệ thống quản lý và vận hành của chúng. Khi nhiều máy bán hàng tự động được lắp đặt, nguy cơ xả rác cũng gia tăng. Vậy Nhật Bản làm thế nào để quản lý tình trạng này và giữ cho các thành phố của họ luôn sạch sẽ?
Tất cả là nhờ vào hệ thống quản lý kỹ lưỡng được thực hiện bởi các công ty chịu trách nhiệm lắp đặt máy bán hàng tự động. Các công ty này quản lý máy móc để chúng hoạt động ổn định và hợp vệ sinh, chẳng hạn như đặt thùng rác bên cạnh máy, đổ rác định kỳ, bổ sung sản phẩm, kiểm tra và sửa chữa để đảm bảo không có lỗi hệ thống.
Không quá lời khi nói rằng máy bán hàng tự động đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản nhờ những nỗ lực vô hình của các công ty quản lý chúng và các nhân viên vệ sinh âm thầm cống hiến.
Sự ám ảnh với tiền mặt
Mặc dù là quốc gia có nhiều cải tiến, phát minh nhưng người Nhật cũng nổi tiếng với sự bảo thủ trong công nghệ khi vẫn dùng máy fax, điện thoại bàn hay hình thức thanh toán "độc tôn" là tiền mặt. Một phần lý do cho việc này là dân số già của đất nước - gần 30% dân số ở độ tuổi trên 65.
Việc này cũng được thể hiện qua số máy bán hàng tự động ở Nhật. Dù một số máy đã chấp nhận nhiều hình thức thanh toán hiện đại hơn, việc sử dụng tiền giấy và tiền xu để mua hàng vẫn là chuyện thường như cơm bữa.
Nguồn: Tsunagu, Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"