Xu thế đồng hóa phần cứng và chuyển về gần Android gốc sẽ khiến cả thế giới Android rơi vào cái bẫy của Google
Chưa bàn tới các sự cố do khâu kiểm soát chất lượng vẫn còn quá non trẻ, rõ ràng là Google thực sự có tham vọng thống trị cả phần cứng lẫn phần mềm. Nhìn vào nỗ lực hoàn thiện phần cứng và phần mềm Android của Samsung, LG, HTC, Xiaomi, Huawei hay OnePlus, bạn sẽ thấy các hãng này sẽ sớm bị Google đưa vào một tình cảnh vô cùng khó khăn.
Trong nhiều năm liền, nhắc đến Android gốc là nhắc đến một vấn đề nan giải: không ai muốn dùng Android gốc, nhưng Android “riêng” của các hãng thì gần như luôn dở tệ. Khi HTC và Samsung thúc đẩy sự phát triển của Android trong những năm đầu tiên, độ nặng của Sense UI và TouchWiz trở thành câu chuyện “cười ra nước mắt” cho các fandroid. Tiếp bước, phần mềm của LG hay Lenovo cũng chẳng được khen ngợi.
Đến những năm gần đây, khi các hãng Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ, các bài đánh giá điện thoại về Huawei, Xiaomi hay OPPO/Vivo vẫn thường xuyên tỏ ý chê bai phần mềm.
Trước thực trạng này, thế giới Android đang đi theo một xu thế ngày càng rõ rệt: đưa Android về gần sát với Android gốc. Bất cứ một fan Samsung nào có lẽ cũng đều đồng ý rằng trải nghiệm Samsung Experience ngày nay giống với Android nguyên bản của Google hơn là với TouchWiz trước đây. Sense UI, MIUI hay Huawei cũng đang tiến theo các bước tương tự.
Thoạt nhìn, đây sẽ là một bước đi có lợi cho cả 2 bên. Lý do các nhà sản xuất muốn tạo giao diện phần mềm riêng là bởi muốn trở nên khác biệt so với các đối thủ còn lại (trong kỷ nguyên Android đầu tiên, fandroid nào cũng nhớ rõ chiếc đồng hồ “lật” trên Sense của HTC). Thế nhưng, làm phần mềm riêng “đắp” lên Android vừa khiến cho các nhà sản xuất phải tốn công sức, thời gian và tiền bạc, vừa sinh ra các vấn đề phân mảnh và bảo mật, lại vừa làm cho người dùng khó chịu.
Đẩy Android về với tầm nhìn gốc của Google, tất cả các vấn đề này đơn giản là sẽ... biến mất.
Ngày nay, các hãng chuyển dần về dùng Android gần nguyên bản: vừa rẻ, vừa được lòng người dùng.
Đáng tiếc rằng, một vấn đề mới sẽ nảy sinh với các hãng Android.
Với chiếc Pixel ra mắt vào năm ngoái, Google ra mắt một khái niệm chưa mấy ai nghĩ tới: Android của riêng Google. Không phải là Android “nguyên bản” từng được dùng cho Nexus trước đây hay Android gần nguyên bản được dùng cho dự án Android One, mà là Android thực sự của riêng Google, chỉ có mặt trên phần cứng đứng tên Google. Ví dụ, Pixel Launcher là của riêng Pixel.
Đến năm nay, tầm nhìn vô cùng nguy hiểm này của Google được đưa lên một tầm cao mới: AI. Bằng một con chip thiết kế riêng cho Android (Visual Core), Google đưa vào Pixel những thuật toán có thể tăng cường chất lượng ảnh chụp thiếu sáng hoặc thậm chí là tạo hiệu ứng bokeh đẹp hàng bậc nhất thế giới, đánh bại cả những đối thủ sử dụng phần cứng camera kép.
Năm ngoái, Pixel dù sử dụng chung 1 cảm biến nhưng đã có chất lượng chụp đẹp hơn hẳn Xiaomi 5S và BlackBerry KeyOne. Năm nay, bộ đôi Pixel 2 vẫn sử dụng một cảm biến Sony có thể sẽ có mặt trên nhiều chiếc smartphone Android khác, nhưng để đánh bại điểm DxO sẽ gần như là bất khả thi.
Những bước tiến của Google trên lĩnh vực ảnh chụp di động thể hiện một tầm nhìn ranh mãnh không hề thua kém Apple của Tim Cook.
Hãy nhìn vào thị trường phần cứng Android hiện tại. Không chỉ có cảm biến của Sony, nhiều hãng cũng đang sử dụng màn hình của Samsung/LG/Sharp, cũng đang dùng chip của Qualcomm do Samsung hoặc một hãng khác gia công, cũng đang sử dụng RAM của Samsung hoặc Intel...
Đi cùng với sự trỗi dậy của trào lưu “về nguồn cội Android gốc”, hiện trạng này khiến cho thế giới Android bị đồng hóa đáng kể. Quả thật, nếu là người dùng “sành” công nghệ, bạn sẽ thấy các thông số được các hãng công bố càng ngày càng mất ý nghĩa. Ví dụ, kẻ nào không có Snapdragon 835, kẻ đó đáng bị chê trách. Nhưng kẻ nào có Snapdragon 835 thì cũng chỉ... bình thường như bao kẻ khác mà thôi.
Làm thế nào để tạo ra phần cứng có nét riêng, đối thủ muốn học mà không học được?
Những sáng tạo về phần cứng cũng vậy. Mới chỉ năm ngoái, Apple chọn ảnh bokeh làm tính năng “hút” iFan thì đến năm nay OnePlus hay Samsung còn đưa được tính năng này xuống phân khúc tầm trung (dù dĩ nhiên là chất lượng khó có thể ngang với iPhone 7 chứ chưa nói đến iPhone 8 hay Galaxy Note8). Cũng mới chỉ vào đầu năm, Samsung và LG còn gây sốc khi đột ngột kéo dãn màn hình ra tỷ lệ 2:1 thì đến cuối năm Google, Huawei, Xiaomi, OPPO v...v.. cũng đã có 2:1.
Càng ngày, cạnh tranh bằng phần cứng càng khó khăn và càng kém hiệu quả. Giờ đây, đua cấu hình là để đỡ mất mặt chứ không phải để "ăn" được ngôi đầu. Sáng tạo phần cứng quá dễ bị "học theo".
Quan trọng nhất, Google chắc cũng không vui lòng khi nhìn thấy Android không phải là đối thủ thực sự của Apple trên phân khúc cao cấp. Tiềm năng của Android không được khai phá hết khi lợi nhuận smartphone của tất cả các hãng Android có lãi cộng lại có khi chỉ bằng... một nửa lợi nhuận Táo thu về từ iPhone. Để thu phục người dùng phân khúc giá cao (lãi "khủng"), Apple kết hợp cả phần cứng và phần mềm để xây dựng nhiều lợi thế mà không hãng nào bì kịp: chip chuyển động dòng M, khởi động cuộc đua 64-bit, mở màn kỷ nguyên vân tay, tạo ra các linh kiện phức tạp như Face ID và ứng dụng tốt với phần mềm, đưa máy học vào áp dụng trên di động v...v...
Muốn Android trở thành hệ điều hành gắn liền với cao cấp, một hãng phần cứng nào đó phải tạo ra lợi thế phần mềm tối ưu tuyệt đối cho phần cứng của riêng họ nhưng vẫn "khớp" với nguyện vọng dùng Android (gần) nguyên bản của các fan.
Còn ai ngoài Google có thể làm được điều đó? Quan trọng hơn, có ai ngoài Google có thể đánh bại Apple trên lĩnh vực "AI di động"? Hãy nhớ rằng Google thậm chí còn lấn lướt cả Amazon lẫn Microsoft trên lĩnh vực AI nói chung. Trên di động, Samsung, LG, Huawei, Xiaomi hay OPPO/Vivo/OnePlus không có cửa cạnh tranh với Pixel về mức độ thông minh.
Google đang nhìn thấy khả năng thống trị thị trường cao cấp để ăn lãi "khủng" như Apple. Ở vị trí hiện tại, không khó để nhận ra rằng Google sẽ không bao giờ chia sẻ thuật toán xử lý hình ảnh hay Pixel Visual Core; Pixel Launcher hay các tính năng siêu việt của Assistant cũng sẽ đòi hỏi phần cứng “thửa” của Google.
Từ phía còn lại, hướng đi duy nhất các hãng buộc phải theo đuổi sẽ là tự tìm hướng đi phần cứng và phần mềm riêng. Samsung đang có bút stylus và trợ lý ảo Bixby. Nhưng, như bạn đã thấy, Bixby thậm chí còn chưa bằng được Google Assistant: liệu đến khi nào thì gã khổng lồ chiếm phần lớn thị phần Android có thể đánh bại được gã khổng lồ kiểm soát Android về chất lượng phần mềm?
Vậy nên, may cho Samsung và tất cả các hãng Android khác là Google vẫn đang phải lo chuyện... chất lượng phần cứng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI