Deepfake tiếp tục cho thấy mình là một công nghệ mạnh mẽ, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.
Theo BleepingComputer đưa tin, kẻ gian lại đang tận dụng "mặt tiền" của Elon Musk để lừa đảo người dùng Internet, nhằm mục tiêu chiếm đoạt tiền mã hóa. Trong video deepfake mới được đăng tải trên một số mạng xã hội, “Elon Musk” đang quảng bá nhiệt tình cho nền tảng trao đổi tiền số lừa đảo mang tên BitVex.
Vào trang chủ của BitVex, một người sẽ dễ dàng nhận ra dấu hiệu nhận biết lừa đảo. BitVex ngang nhiên tuyên bố CEO của mình là Elon Musk, với các đồng quản lý là những tên tuổi lớn của thị trường tiền số như Changpeng “CZ” Zhao, CEO của Binance và Cathie Wood, nhà sáng lập và CEO của Ark Invest.
Chiến dịch quảng bá BitVex cũng ngay lập tức khiến nhiều chân mày nhướn lên trong nghi hoặc. Một loạt những kênh YouTube có tiếng tăm đồng loạt bị hack, đồng thời đăng tải video Elon Musk tạo ra bởi deepfake, trình chiếu cảnh vị tỷ phú đang quảng cáo cho nền tảng trao đổi tiền mã hóa lừa đảo.
Deepfake, nối từ giữa "deep learning - học sâu" và "fake - giả tạo",là công nghệ sử dụng máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nội dung giả, thường là những khuôn mặt giả trong video. Xử lý bằng một mạng thần kinh nhân tạo ngày một phức tạp, những nội dung giả này đang ngày càng khó phát hiện hơn.
Deepfake có thể được dùng vào mục đích giải trí, như thay mặt diễn viên trong những bộ phim bom tấn, hay dùng vào mục đích nham hiểm như lừa đảo người nhẹ dạ cả tin.
Ngoài Elon Musk, một loạt những tên tuổi khác cũng bị giả danh bằng deepfake, trong đó có Cathie Wood, Brad Garlinghouse (chuyên gia công nghệ có thâm niên, đang là CEO của công ty tài chính công nghệ Ripple Labs) hay Michael Saylor (CEO của MicroStrategy).
Dưới đây là video quảng bá cho BitVex, cho thấy cảnh Elon Musk tuyên bố đã đầu tư 50 triệu USD vào nền tảng trao đổi tiền số lừa đảo. Những cảnh phỏng vấn trong các video deepfake đều có thực, tuy nhiên kẻ gian đã sử dụng công nghệ deepfake để điều chỉnh miệng của nhân vật, “nhét chữ vào miệng” họ theo một kịch bản được dàn dựng sẵn.
Khẩu hình của Elon Musk và nội dung những lời nói ra không hề ăn khớp, trông giả tạo đến nực cười.
Kẻ gian đã dùng công nghệ deepfake, chỉnh sửa miệng Elon Musk để nói ra lời lẽ lừa đảo.
Để sử dụng nền tảng BitVex, người tham gia cần đăng ký tài khoản trực tuyến. Một khi đăng nhập thành công, bạn sẽ thấy trên giao diện những khoản đặt cọc tiền mã hóa, đồng thời được phép chọn kế hoạch đầu tư hay rút lãi. Để tạo cảm giác “an toàn giả” cho người nhẹ dạ, BitVex cho hiển thị những khoản nạp vào, rút ra trông rất uy tín.
Tuy nhiên, các chỉ số trên đều được tạo bởi các câu lệnh JavaScript, lựa chọn ngẫu nhiên 5 loại tiền mã hóa để hiển thị (bao gồm Cardano, Ethereum, Bitcoin, Ripple và Binance Coin), đồng thời cho hiện ngẫu nhiên lượng tiền được rút. Cứ mỗi lần làm mới trang, bạn sẽ thấy một giá trị khác.
Theo những gì BleepingComputer điều tra được, màn lừa đảo chưa thực sự thành công khi mới “câu” được 1.700 USD tiền nạp. Tuy nhiên, người tham gia thị trường không thể lơ là những chiêu trò lừa gạt đang ngày một tinh vi. Hồi tháng 1/2021, một sự kiện giveaway tiền số của Elon Musk giả đã thu về cho kẻ gian 580.000 USD chỉ nội trong một tuần.
Video mới nhất nêu lên hai vấn nạn của công nghệ hiện đại. Một, là số lượng kẻ lừa đảo ngày một đông lên trong một thị trường dồi dào lợi nhuận như tiền điện tử. Thứ hai, công nghệ deepfake vẫn tiếp tục chứng tỏ mình là một công cụ lừa đảo đắc lực.
Nhưng cũng nhờ công nghệ hiện đại, ta có thể ứng dụng một mũi tên để cùng lúc triệt hạ hai mục tiêu.
Công nghệ blockchain, vốn tạo tiền đề để tiền mã hóa phát triển, có thể giải quyết vấn nạn deepfake. Khi một video được lưu trên nền tảng blockchain, người xem có thể dễ dàng truy nguồn gốc, kiểm tra tính minh bạch của những nội dung đang được trình chiếu.
Nếu nhanh chóng ứng dụng được công nghệ blockchain vào kiểm soát nội dung trên Internet, và thành công khi ranh giới video thật - video giả vẫn còn rõ ràng, blockchain có thể sớm ngăn chặn được mối nguy tiềm tàng.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải dựa vào nhận thức cá nhân để xác minh tính chân thực của nội dung. Bắt đầu từ những cách đơn giản như tiếp cận với những nguồn thông tin chính thống, soi chính tả của nội dung, hay soi khẩu hình của nhân vật trong những video “trông không được chân thực cho lắm”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming