Ngày 20/12/2020 – Tại hội thảo Zalo AI Summit 2020, Zalo đã chính thức ra mắt trợ lý ảo tiếng Việt Kiki, đánh dấu giai đoạn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam.
Đến với Zalo AI Summit lần thứ 4, các diễn giả đến từ Zalo AI Lab, AWS, JAIST đã tập trung thảo luận các chủ đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tế cuộc sống, làm thế nào để AI trở nên gần gũi hơn với người Việt.
Sau 3 năm gia nhập làn sóng AI, hội nhập cùng các cường quốc công nghệ trên thế giới, AI của người Việt đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Zalo AI Summit 2020 chính là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của AI tại Việt Nam, khi sử dụng chính những thành tựu nghiên cứu này để phục vụ người Việt, tận dụng trí tuệ nhân tạo giúp cuộc sống thường nhật trở nên dễ dàng hơn.
Chia sẻ về chặng đường ấp ủ giấc mơ trợ lý ảo tiếng Việt, do người Việt tự chủ và phục vụ cho chính người Việt, anh Vương Quang Khải, Chủ tịch Zalo cho biết: "Với tốc độ truyền tải thông điệp mà không có bất kỳ cách nhập liệu nào có thể so sánh, phương tiện giao tiếp hiệu quả nhất giữa con người và máy tính chính là giọng nói tự nhiên. Trong 5-10 năm tới, giọng nói sẽ trở thành công cụ để con người giao tiếp chính với máy tính."
Anh Vương Quang Khải, Chủ tịch Zalo chia sẻ mở màn tại Zalo AI Summit 2020
Trực tiếp lần đầu tiên trải nghiệm Kiki trên xe ô tô Maserati Levante, anh Trần Mạnh Hiệp, admin diễn đàn công nghệ Tinh Tế chia sẻ: "Điểm mình thích nhất ở Kiki chính là ngôn ngữ vô cùng tự nhiên, cảm giác như trò chuyện với một người thật và không hề cảm thấy xa lạ".
Trong phần ra mắt Kiki, anh Hiệp cũng đã demo các tính năng của trợ lý ảo này trên xe ô tô. Một số tính năng rảnh tay nổi trội đã được anh thử nghiệm trong phần trình bày là dẫn hướng, chơi nhạc và hỏi các câu hỏi kiến thức.
Anh Trần Mạnh Hiệp, admin diễn đàn Tinh Tế là người trải nghiệm Kiki trên xe ô tô đầu tiên
Tại sự kiện, anh Nguyễn Khánh Duy, người đã đặt những dòng code đầu tiên cho Kiki bộc bạch: "Tâm huyết lớn nhất của đội ngũ phát triển là làm thế nào để trợ lý ảo Kiki có thể hiểu được phương ngữ tiếng Việt tự nhiên từ câu lệnh của người dùng Việt Nam đến từ các vùng miền khác nhau".
Anh Nguyễn Trường Sơn, đại diện nhóm phát triển Kiki chia sẻ về hệ thống hỏi đáp của trợ lý ảo này, với mục tiêu là trả lời nhiều câu hỏi một cách chính xác, linh hoạt và cập nhật, vượt qua các thách thức như: đa dạng các loại câu hỏi, thiếu dữ liệu huấn luyện, ngôn ngữ phức tạp và không có bộ máy tìm kiếm tích hợp.
Anh Nguyễn Trường Sơn và anh Nguyễn Khánh Duy demo loa Kiki tại sự kiện
Sự kiện năm nay cũng đón tiếp hai khách mời đến từ Amazon Web Services (AWS) và Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Học viện JAIST), là những chuyên gia đã trực tiếp triển khai AI trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và đời sống. Chị My Nguyễn, đại diện AWS chia sẻ cách vận hành hệ thống máy học, một trong những khía cạnh quan trọng của AI.
Từ đầu cầu Nhật Bản, Giáo sư Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm AI Giải thích, Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST) chia sẻ về giải pháp sử dụng hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) giúp các nhà khoa học thu nhận thông tin tốt hơn, đóng góp vào việc chống đại dịch Covid-19, như nghiên cứu sâu về vi rút, tìm hiểu các triệu chứng của bệnh, các vấn đề tâm lý xảy ra khi bị cách ly, chống lại nạn tin giả…
Giáo sư Nguyễn Lê Minh, JAIST và chị My Nguyễn, AWS chia sẻ tại Zalo AI Summit 2020
Anh Nguyễn Thọ Chương đến từ Zalo AI Lab đã chia sẻ về ứng dụng của AI trong lĩnh vực truyền thông và báo chí. Các ứng dụng nổi trội có thể kể đến như kiểm duyệt nội dung văn bản và hình ảnh không phù hợp, lọc bình luận hoặc cải thiện nội dung tự động. Các ứng dụng này hiện nay đã được tích hợp trong các sản phẩm của hệ sinh thái Zalo, ví dụ như Báo Mới.
Trong khuôn khổ của Zalo AI Summit 2020, các đội về nhất của Zalo AI Challenge cũng đã chia sẻ về các giải pháp giúp họ giành chiến thắng đầy thuyết phục. Các đội quán quân và nhì bảng của cuộc thi cũng đã nhận được phần thưởng xứng đáng với thành quả nghiên cứu AI nghiêm túc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời