Người dùng bắt đầu gặp phiền phức khi sử dụng ứng dụng bởi những giới hạn tính năng từ Zalo.
Đầu giờ làm việc buổi sáng khá bận rộn, anh Nguyễn Đạt - chủ doanh nghiệp ở TP.HCM - thực hiện việc kết bạn với số điện thoại mới để bàn bạc công việc qua Zalo nhưng ứng dụng này báo lỗi với cửa sổ hiển thị dòng chữ: "Danh sách bạn bè của bạn quá giới hạn. Vui lòng xoá bớt bạn bè trong danh bạ, hoặc nâng cấp tài khoản Business để mở rộng danh sách bạn bè".
Sự cố khiến công việc của anh Đạt bị gián đoạn bởi anh cần kết bạn thành công với số điện thoại mới rồi mới tạo nhóm chat trong Zalo để thống nhất các đầu việc cho thành viên. Anh chia sẻ muốn nâng cấp tài khoản Business của Zalo nhưng không thấy nút "Đăng ký" hay "Thanh toán" hiển thị trên ứng dụng.
Lỗi của Nguyễn Đạt gặp phải khi sử dụng Zalo đến từ thay đổi của ứng dụng này quy định danh bạ của tài khoản bình thường chỉ chứa tối đa 1.000 liên hệ, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/8. Tuy nhiên, một số tài khoản như của anh Đạt bị giới hạn tính năng này ngay từ cuối tháng 6.
Hạn chế tính năng của người dùng phổ thông, Zalo cung cấp bổ sung 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite. Trong đó, gói Pro giá 5.500 đồng/ngày được dùng thử miễn phí đến hết ngày 30/8, với lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt phản hồi chat với người lạ mỗi tháng, hỗ trợ 3.000 liên hệ trong danh bạ, các tiện ích hỗ trợ kinh doanh như danh mục sản phẩm, trả lời tự động... Hai gói Standard (giá 2.800 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày) chưa ra mắt.
Anh Đạt cho biết đặc thù công việc là kết nối với nhiều người bằng số điện thoại qua Zalo. Trong khi các tính năng khác của gói Zalo Business không quá quan trọng với anh. Anh Đạt cho biết sẽ cân nhắc nâng cấp lên gói Pro để có 3.000 liên lạc trong danh bạ.
Bên cạnh quy định giới hạn danh bạ tối đa chứa 1.000 liên hệ, từ 1/8, Zalo hạn chế mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại mỗi tháng từ người lạ, tài khoản thường không được sử dụng username, mỗi tài khoản chỉ có 5 tin nhắn nhanh, nếu muốn thêm mới phải xóa bớt tin nhắn nhanh cũ.
Ngoài ra, thay đổi khác của Zalo từ ngày 1/8 là người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký người dùng, tài khoản Zalo sẽ có 40 lần hiển thị mỗi tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
Sau hơn 10 năm, Zalo có cộng đồng người dùng đông đảo với nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Ứng dụng của tập đoàn chủ quản VNG phục vụ cho nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ và doanh nghiệp với hệ sinh thái, tính năng mở rộng. Nhóm khách hàng là các chủ shop, cửa hàng nhỏ, buôn bán online sử dụng Zalo để giao dịch, bán hàng với hiệu quả tốt.
Nhóm còn lại là người dùng phổ thông với nhu cầu liên lạc, trao đổi thông tin bình thường.
Nhận định về khả năng Zalo thu phí người dùng phổ thông, chuyên gia công nghệ Trần Mạnh Hiệp lên tiếng ủng hộ bởi điều này giúp công ty có chi phí để tái đầu tư cho ứng dụng, từ đó phục vụ người dùng tốt hơn. Thói quen sử dụng miễn phí khiến các công ty không thể phát triển được, từ đó sản phẩm không được nâng cấp, không đem tới trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Trong khi đó, chuyên gia giấu tên khác có ý kiến ngược lại: "Zalo có thể thu phí sử dụng với một tỷ lệ nào đó của nhóm khách hàng là chủ shop, cửa hàng buôn bán online. Còn với người dùng như học sinh, sinh viên, người già, chắc chắn không thể. Nhóm này sẽ chuyển sang chọn dịch vụ tin nhắn khác để sử dụng".
Độc giả Quốc Bảo thể hiện sự phản đối với khả năng thu phí của Zalo với người dùng phổ thông: "Thông thường các dịch vụ thu phí để cung cấp thêm các tính năng nâng cao, ví dụ tự động đăng bài theo giờ cho tài khoản business, hoặc lưu dữ liệu trên server chủ để nhẹ máy... Còn đây Zalo cắt đi các tính năng cơ bản xong bắt trả phí mới được dùng tiếp".
Độc giả Nguyễn Hiếu gay gắt hơn: "Thu phí đi, tôi xoá app cho đỡ nặng... Ứng dụng lưu data hết vào máy, nặng cả chục GB mà đến lúc tìm lại data cũ thì lại bị mất. Tính năng đồng bộ của Zalo rất kém".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4