10 công nghệ tuyệt vời đã có thể thay đổi thế giới nếu không bị thất truyền (Phần 2)
Không có gì là chắc chắn hoàn toàn, và luôn luôn có một tỷ lệ xác suất (đôi khi khá lớn) là chưa từng có loại công nghệ nào như vậy đã từng tồn tại thực sự, còn chúng ta thì cứ cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi không có đáp án.
Đôi khi việc một công nghệ nào đó bị thất truyền không phải là thảm họa, bởi hầu hết những phát minh thực sự có ý nghĩa thì được "nhân bản" ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Nhưng có những công nghệ theo thời gian bị lãng quên, để lại nhiều tin đồn và truyền thuyết về siêu năng lực và công năng kỳ lạ của chúng tới mức thần thánh, gây cản trở nghiêm trọng tới việc phục hồi.
6. Bê tông La Mã
Bê tông La Mã được cho là hỗn hợp có độ bền cao nhất từng được sử dụng trong xây dựng các công trình thời La Mã cổ đại. Trải qua hơn 2000 năm với vô số tác động hóa học và vật lý nhưng những tòa kiến trúc này vẫn có thể đứng vững, trong khi bê tông ngày nay thì dễ dàng xuống cấp chỉ sau 50 năm.
Sức mạnh của bê tông La Mã
Không những thế, bê tông La Mã còn thân thiện với môi trường hơn bê tông hiện đại. Cụ thể, sản xuất xi măng ngày nay cần lượng nhiệt lớn khi đốt nhiên liệu để nung chảy hỗn hợp đá vôi và đất sét lên đến 1.450 độ C (2.642 độ F), đồng thời thải ra nhiều khí CO2. Trong khi đó, bê tông của người La Mã sử dụng ít vôi hơn và chỉ cần nung đá vôi ở nhiệt độ 900 độ C (1652 độ F) hoặc thấp hơn.
Và dù ngày nay chúng ta đã biết được thành phần của bê tông La Mã gồm có vôi và tro núi lửa, thế nhưng rất nhiều thủ thuật và bí kíp xây dựng của người La Mã tới nay vẫn còn là bí ẩn.
7. Công nghệ luyện sắt nghìn năm không rỉ của người Ấn Độ cổ
Cây cột sắt 1600 tuổi ở bang Delhi luôn xuất hiện trong các cuốn cẩm nang du lịch giới thiệu với du khách khi đến Ấn Độ. Nhìn bên ngoài thì nó chỉ là một cây cột bằng sắt nguyên khối cao 6,3m và phần đế chôn sâu 1m dưới đất. Đường kính của cột giảm dần từ 48cm ở chân cột còn 29cm khi lên đến đỉnh. Ở giữa cột là một đoạn văn tự viết bằng tiếng Phạn cổ, với nội dung ca ngợi một vị vua. Các hoa văn trên cột tuy khá tinh xảo, nhưng cũng không có gì đặc biệt.
Điểm khiến công trình "không có gì đặc biệt" này trở nên nổi tiếng khắp thế giới là ở chỗ mặc dù được làm bằng sắt từ thời cổ đại nhưng qua hàng nghìn năm, nó không hề bị gỉ sét.
Theo các tài liệu cổ của người Ấn Độ, cột sắt Delhi được tạo ra từ thế kỷ thứ IV dưới thời nhà vua Chandragupta II (từ năm 375 đến năm 413), nhằm tôn thờ các vị thần bảo hộ của người Hindu.
Chiêm ngưỡng cây cột sắt trường tồn với thời gian
Nhiều người tin rằng, cây cột bí ẩn này là sản phẩm của một nền văn minh khác, do những người ngoài hành tinh mang đến Trái đất từ thời xa xưa. Một quan điểm khác lại khẳng định, cột sắt Delhi được các thế lực siêu nhiên, các vị thần bảo vệ khỏi sự tàn phá của thời gian...
Từ năm 1990, chính quyền địa phương nơi đây đã phải dựng hàng rào bằng sắt bao quanh, ngăn không cho du khách tiếp xúc trực tiếp với cây cột này. Từ đó đến nay, họ đã nhiều lần phải thay các hàng rào này do... gỉ sét, còn đối tượng được bảo vệ thì vẫn “bền mãi với thời gian”.
8. Năng lượng không dây vĩnh cửu của Nikola Tesla
Ý tưởng về chuyển tải điện năng đã được đưa ra từ đầu năm 1900 bởi nhà phát minh người Serbi Nikola Tesla trước khi lưới điện được phổ biến rộng rãi. Ngay từ những năm này, “nhà khoa học điên” Tesla đã mơ ước một thế giới không tồn tại dây dẫn điện phức tạp mà sử dụng hệ thống một tháp truyền điện và năng lượng không dây tới mọi ngõ ngách trên thế giới. Nhằm hiện thực hóa viễn cảnh này, Tesla đã bắt tay xây dựng tháp Wardenclyffe cao 29m ở New York.
Ngọn tháp Wardenclyffe có lẽ đã thay đổi tương lai loài người
Ngọn tháp này được coi là bước cuối cùng trong hệ thống điện không dây của Tesla, và được kết hợp với phát minh máy thu năng lượng vũ trụ. Nếu thành công, thế giới sẽ được sử dụng điện miễn phí và không giới hạn chỉ bằng một chiếc ăng-ten thu năng lượng ở đầu cuối.
Tuy nhiên sau 17 năm xây dựng (1900-1917), dự án tháp đã bị đình chỉ. JP Morgan rút nguồn tài trợ của vì họ phát hiện ý đồ thật sự của Tesla không phải xây dựng tháp viễn thông.
9. Nhựa siêu chịu nhiệt
Starlite là một loại nhựa đó là có thể chịu được một lượng nhiệt đáng kinh ngạc tương đương với mức độ của vụ nổ hạt nhân nhiệt và có thể được đúc thành bất kỳ dạng nào. Loại nhựa kỳ diệu này được phát minh vào cuối thế kỷ XX bởi nhà hóa học người Anh Maurice Ward.
Loại nhựa siêu việt với những đặc tính cách nhiệt tuyệt vời bị thất truyền
Ông này đã rất lo sợ rằng thành phần của starlite sẽ bị mất cắp nên không tiết lộ cho bất cứ ai. Năm 2011 ông qua đời và đem theo bí mật về chất liệu thần thánh này xuống mồ cùng mình.
10. Thuật toán siêu nén của Jan Sloot
Thiên tài công nghệ thông tin Romke Jan Bernhard Sloot người Hà Lan đã từng sáng tạo ra thuật toán thu nhỏ dung lượng thông tin vô cùng ảo diệu: từ 10 GB dữ liệu được nén xuống chỉ còn 8 KB. Năm 1999, ông đã bảo vệ công trình nghiên cứu của mình trước những “ông trùm” giới công nghệ và thuyết phục họ mua nó. Thế nhưng chỉ hai ngày trước khi chuyển giao thuật toán lại cho đối tác, thì Sloot đột ngột qua đời một cách bí ẩn. Người ta đồn đoán rằng, Jan Sloot đã bị đau tim nhưng cũng có thể là bị ám hại để cướp ý tưởng sáng tạo. Chiếc đĩa chứa chìa khóa bí mật về thuật toán nén dữ liệu của ông đã mãi mãi biến mất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming