Con người chỉ sử dụng 10% não bộ của mình, cạo lông sẽ khiến lông mọc dày hơn và cứng hơn, con người chỉ có 5 giác quan hay tim sẽ ngừng đập khi ta hắt hơi - đó chỉ là một số hiểu lầm kinh điển nhất mà chúng ta vẫn thường nghĩ là đúng.
Có rất nhiều điều không chính xác về cơ thể con người mà chúng ta vẫn lầm tưởng ngay từ khi còn nhỏ. Một trong những hiểu lầm kinh điển phải kể đến đó là chuyện con người chỉ sử dụng 10% não bộ. Quan niệm này xuất phát từ những bộ phim Lucy (tên tiếng Việt là Bộ Não Siêu Việt), rất nhiều người lại tin vào điều này và kể từ đó, quan điểm sai lầm này cứ tiếp tục được truyền đi.
Tất nhiên, đó mới chỉ là một trong số vô vàn những điều ngộ nhận không đúng đắn khác về cơ thể con người. Hãy cùng xem đó là gì nhé!
1. Con người sẽ nổ tung hoặc bị đóng băng nếu không mặc đồ bảo hộ khi ở ngoài không gian
Những bộ phim khoa học viễn tưởng điển hình thường kể về một du hành gia chẳng may rơi ra ngoài vũ trụ mà không mặc đồ bảo hộ, anh ta sẽ bị phát nổ ngay khi tiếp xúc với không gian bên ngoài. Trên thực tế, cơ thể con người có thể chịu đựng được sự thay đổi áp lức chứ không phải là sẽ bị phát nổ ngay lập tức.
Lúc đó, cơ thể sẽ phình to ra do các loại khí thoát ra nhưng da của chúng ta đủ độ đàn hồi để giữ cho cơ thể còn nguyên vẹn. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa thể bị đóng băng ngay lập tức mặc dù nhiệt độ bên ngoài rất thấp (khoảng âm 262 độ C) bởi khi ra ngoài không gian, do thiếu chất dẫn nhiệt và sự đối lưu nên nhiệt độ cơ thể không thể hạ thấp tới mức nhanh như vậy được.
Vậy, điều gì mới thực sự xảy ra? Ở thời điểm đó, các bọt khí ngay lập tức hình thành trong huyết mạch, ngăn cản sự lưu thông máu đi khắp cơ thể, trong khoảng 10-15 giây, bạn sẽ bị thiếu oxy và da trở nên tím tái. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì chỉ 2 phút sau, chúng ta sẽ mất ý thức và không thể giữ nổi mạng sống của mình. Kết luận này được rút ra sau hàng loạt các thí nghiệm được tiến hành trên cơ thể động vật.
2. Cạo lông có khiến lông mọc nhanh và dày hơn?
Rất nhiều người nghĩ rằng khi cạo râu, lông chân thì lông sẽ mọc dày hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Cả lông và tóc đều có dạng thuôn dài về phía ngọn nên hàng ngày chúng ta chỉ nhìn thấy phần mỏng nhất của lông và tóc. Khi cạo lông tức là chúng ta đã cắt đi phần đầu mỏng đó và để lộ ra phần lông gần gốc vừa dày vừa đậm. Bên cạnh đó, lông cứng là do sợi lông ngắn và nó sẽ mềm mại trở lại khi dài ra.
3. Bẻ tay gây viêm khớp
Bạn đã bao giờ bị mẹ cằn nhằn rằng đừng có bẻ ngón tay như vậy nếu không muốn bị viêm khớp chưa? Rất tiếc, mẹ thân yêu của chúng ta đã nhầm bởi chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối quan hệ giữa bẻ ngón tay và bệnh viêm khớp cả. Khi bẻ tay, tiếng "rắc" mà chúng ta nghe thấy là do các bong bóng khí trong hoạt dịch ở xung quanh khớp bị tác động lực và nổ. Sẽ phải chờ khoảng 15-30 phút thì bạn mới bẻ lại khớp vì khi đó, các bong bóng và hoạt dịch mới quay trở lại về như cũ.
Mặc dù, bẻ ngón tay không gây bệnh viêm khớp nhưng có bằng chứng cho thấy rằng, thói quen này có thể dẫn đến sưng tay và giảm sức nắm của bàn tay. Hơn thế nữa, tiếng "rắc, rắc" phát ra khi bạn bẻ tay cũng có thể khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu. Vì thế tốt nhất là nên bỏ thói quen này đi nhé!
4. Vị trí cảm nhận của lưỡi
Nhiều thầy cô dạy sinh học vẫn thường nói với chúng ta rằng, các cảm giác về vị đắng, chát, chua, cay, mặn và ngọt được hình thành ở các vùng lưỡi khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết: Trên thực tế, không có sự khác biệt nào khi cảm nhận về các vị khác nhau ở các vị trí khác nhau trên lưỡi.
Trung bình lưỡi người có khoảng 10.000 tế bào vị giác, mỗi tế bào có khoảng 100 thụ thể vị giác và không hề bị giới hạn ở bất cứ vị trí nào trên lưỡi. Điều này giải thích tại sao nếu bạn đặt một lát chanh lên bất cứ vị trí nào trên lưỡi thì mặt bạn đều nhăn lại.
5. Đọc sách/xem TV trong bóng tối rất có hại cho mắt
Từ nhỏ, chắc chắn bạn đã được cha mẹ nhắc nhở về việc không nên đọc sách hay xem TV trong bóng tối bởi điều này sẽ gây hại cho mắt. Quan niệm y tế sai lầm này đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài và đi sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ học sinh.
Mặc dù đọc sách trong bóng tối có thể khiến chúng ta cảm thấy đau đầu hoặc căng thẳng mắt nhưng mắt sẽ không hề bị thương tổn vĩnh viễn. Tương tự như vậy, ngồi quá gần TV cũng không làm ảnh hưởng đến thị lực của chúng ta. Giảm thị lực là do tác động của di truyền và độ tuổi chứ không phải do độ sáng của đèn học hay ánh sáng màn TV.
6. Tim sẽ ngừng đập khi ta hắt hơi?
Đừng tin nhé. Nhịp tim của bạn có thể sẽ thay đổi trong thời gian hắt hơi nhưng trái tim của bạn thì không bao giờ ngừng đập chỉ vì những cái hắt hơi thông thường đâu.
7. Nước tiểu sẽ làm giảm bớt độc tố của nọc sứa
Nhiều người cho rằng khi bị sứa đốt thì có thể dùng nước tiểu để trị vết sứa đốt. Tuy nhiên, thực tế nếu dùng nước tiểu bôi lên vết thương thì có thể làm cho vùng da đó bị tổn thương nặng hơn. Nguyên nhân là do các tế bào sứa tiêm vào cơ thể sẽ bị kích thích bởi nước ngọt có trong nước tiểu và tiết ra nhiều chất độc hơn nữa ngấm vào cơ thể.
8. Con người chỉ có 5 giác quan
Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường được dạy rằng con người chỉ có 5 giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và vị giác. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài 5 giác quan kể trên, chúng ta còn có một giác quan thứ 6 được biết đến với tên gọi proprioception (giác quan cơ thể). Giác quan này giúp chúng ta nhận biết được vị trí của chân tay cũng như các bộ phận khác trên cơ thể mà không cần nhìn.
Đó là lý do tại sao mà khi nhắm mắt lại, bạn vẫn có thể chạm ngón tay vào mũi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thêm một giác quan nữa với tên gọi equilibrioception (giác quan cân bằng), nociception (giúp cảm nhận nỗi đau), thermoception (cảm nhận nhiệt độ) và nhận thức về thời gian. Thật không may, telekinesis (khả năng di chuyển đồ vật) và thần giao cách cảm vẫn chưa được công nhận là một giác quan.
9. Phải mất đến 7 năm mới có thể tiêu hóa hết kẹo cao su
Khi còn nhỏ, hầu như ai cũng ít nhất một lần vô tình nuốt phải kẹo cao su và cũng từng mất ăn mất ngủ vì những lời đồn rằng sẽ bị dính ruột hay phải mất đến 7 năm thì mới có thể tiêu hóa hết kẹo cao su. Mặc dù cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa được kẹo cao su nhưng bã kẹo cũng sẽ không cư ngụ mãi mãi trong bụng mà cơ thể sẽ đào thải nó ra ngoài cùng các loại hạt khó tiêu khác.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể nuốt bao nhiêu kẹo cao su vào bụng cũng được bởi vì với số lượng lớn bã kẹo tích tụ trong dạ dày hay trong ruột thì bạn có thể bị tắc đường tiêu hóa.
10. Uống rượu sẽ giúp làm ấm cơ thể
Một trong những cách hay ho để những kẻ FA vượt qua cái lạnh của đêm đông là nhâm nhi vài ly rượu vang cùng một bản nhạc không lời. Quan niệm này có phần chưa đúng lắm bởi rượu có thể làm cho bạn cảm thấy bớt lạnh nhưng không có nghĩa là nó giúp bạn cảm thấy ấm hơn đâu.
Cơ thể con người phản ứng với rượu bằng cách tăng cường lượng máu đến da. Khi uống rượu, chúng ta có cảm giác ấm lên là do nhiệt đang được di chuyển từ trung tâm cơ thể đến các cơ quan khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming