Đừng tưởng rằng cây cối là hiền lành vô hại. Cũng có những cái tên bạn không hề muốn động vào đâu!
Trong số những sinh vật sống trên Trái Đất, thực vật thuộc vào loại khá hiền hòa và phù hợp với hầu hết môi trường sống của các loài khác. Không giống như những loài động vật khác, chúng gần như hoàn toàn không có khả năng di chuyển, đồng thời mọi hành động của chúng đều diễn ra trong quá trình vô cùng chậm rãi khiến cho ít ai có thể ngờ rằng một phần trong số đó lại được mệnh danh là kẻ săn mồi thành thục.
Tạo hóa vốn dĩ công bằng, động vật có rằng và móng vuốt thì thực vật cũng có gai và lá sắc nhọn. Dưới đây là 10 cái tên nổi trội nhất trong giới cây cỏ có khả năng săn mồi điêu luyện và độc đáo đến khó tin:
1. Bẫy hút
Nhanh - Gọn - Lẹ
Ao tù nước đọng từ lâu đã được biết đến là nơi có ít chất dinh dưỡng cũng như hệ sinh thái đa dạng hơn so với những môi trường khác. Để bù đắp lại cho những yếu tố không thể thay đổi ấy, cây bong bóng săn mồi đã tiến hóa và phát triển cho mình một phương pháp săn bọ nước để có thêm nguồn dinh dưỡng bổ sung.
Các lá nhỏ dần trở thành các bong bóng chỉ có một đầu cửa. Nước ban đầu được bơm ra khỏi bên trong bóng để tạo nên sự chênh lệch áp suất, với nhiều sợi lông cảm nhận bên rìa "cửa".
Giờ thì nó chỉ việc ngồi chờ mà thôi. Ngay khi có con bọ nước nào vô tình đến gần hoặc chạm vào hệ thống lông cảm nhận nhạy bén gần "cửa", thì sẽ ngay lập tức bong bóng mở ra và hút trọn con vật vào bên trong.
Chỉ trong chưa đầy một mili-giây, toàn bộ bong bóng chứa đầy nước ngập. Từ đó, những enzyme tiêu hóa được tiết ra, phân giải cơ thể sinh vật xui xẻo bị hút vào. Một khi xong bữa ăn của mình, chiếc bẫy lại được "reset" và đón chờ con mồi tiếp theo.
2. "Khóa" chặt
Đừng nhìn kích thước mà coi thường
Đối với những nơi như rừng rậm, kiếm cho mình một không gian rộng lớn và thoải mái là một điều vô cùng khó khăn nếu chỉ tính trên mặt đất. Cây cối sống phụ thuộc nhiều vào ánh sáng mặt trời, vì vậy chúng không ngừng đấu tranh và thích nghi để tồn tại bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như sống kí gửi trên những cây cao, to hơn để đón ánh sáng.
Tuy nhiên, có một loài cây sung đặc biệt lại không thỏa mãn với những đặc tính sinh tồn thụ động như vậy. Cụ thể, khi một hạt giống của cây được phân phối đi nhờ vào những tác nhân khác như động vật, sau khi nảy mầm sống nhờ trên cành cây của loài khác, chúng sẽ dần dần mọc rễ cắm lan xuống mặt đất. Một khi đã làm chủ được tình hình, chúng sẽ liên tục phát triển rễ và "khóa" mục tiêu trong một cái lồng rễ của mình, sau đó mọc lên những cành cây và tán lá cao hơn, che khuất mặt trời khỏi cây vật chủ. Dần dần, vật chủ do thiếu ánh sáng mà chết đi, để lại một vị trí khả quan cho "kẻ sát nhân" thầm lặng tiếp tục nảy nở.
3. Chết đuối
Không còn đường thoát
Cây lá chén cũng đã tìm ra cách tiến hóa và thích nghi với tình trạng thiếu chất dinh dưỡng trong môi trường sống bằng việc tìm kiếm các loài côn trùng và cả những cá thể lưỡng cư và động vật nhỏ và dìm chúng chết đuối.
Những cọng lá đặc biệt tạo thành hình những miệng chén đón nước mưa đầy bên trong. Sau đó những chất hóa học được hòa thêm vào nước, trở nên một dung dịch tiêu hóa giúp cho loài cây này phân giải con mồi thành chất dinh dưỡng hấp thụ được. Ngoài ra, nếu đã rơi vào bên trong miệng hố này, đừng hòng tìm cách thoát ra ngoài vì bề mặt lá vô cùng trơn.
Chắc chắn rằng chỉ một thời gian là con mồi sẽ bị chết đuối, sau đó trở thành bữa ăn bổ dưỡng cho cây lá chén. Hơn nữa, trong quá trình phân hủy, nó có thể là nguồn hấp dẫn thêm nhiều loài khác "tò mò" đến gần, và nếu không cẩn thận thì sẽ lại tiếp tục trở thành con mồi ngon cho loài cây này.
4. Cạm bẫy "cảm biến"
Hàm tử thần
Cây lá gai săn mồi được mệnh danh là một trong những tên tuổi đáng nể nhất trong giới cây ăn thịt. Giờ đây chúng được con người sử dụng như những món quà độc để tặng nhau, gây sự thích thú một khi có dịp đặc biệt. Vì vậy, có thể coi đây là loài cây đang cần được bảo tồn vì nó chỉ mọc ở vùng đầm lầy ở Bắc và Nam Carolina.
Đặc điểm ở vùng đất này là rất ít chất dinh dưỡng có trong đất, vì vậy chúng phải tìm ra cách khác để tồn tại, từ đó phát triển nên cơ chế săn mồi, nhất là côn trùng và nhện. Phía rìa ngoài của lá mọc ra những răng nhọn hoắt, kết hợp với màng lông tơ nhạy cảm bao phủ bề mặt bên trong.
Khi có một con côn trùng bò vào bẫy, đó là yếu tố khiến cho cửa bẫy sập xuống và nhốt nó không đường lui thoát. Cơ chế của loài cây này đã được các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu hai sợi lông khác nhau cảm nhận thấy chuyển động trong vòng 20 giây, bẫy sẽ được kích hoạt. Càng giãy giụa, bẫy càng khép mạnh hơn. Sau khi tiêu hóa xong, con mồi chỉ còn là cái xác khô.
5. Lông dính bắt mồi
Thân lá mê hoặc
Cây gọng vó có một cách khác nhàn hạ hơn để kiếm mồi cho riêng mình. Chúng có tuyến nhầy trang bị dọc theo bề mặt lá của mình, dưới dạng các thân cuống thẳng có bong bóng ở đầu, khả năng dính rất cao, đồng thời được đi kèm với đường ngọt để dụ dỗ các loài côn trùng dễ dãi khác. Xem tư liệu dưới đây, ai cũng có thể đoán được nếu cố tình vùng vẫy thoát khỏi vòng vây, con mồi sẽ các bị dính chặt hơn vào các thân dính bên cạnh.
Vẫn chưa đủ đáng sợ ư? Những thân lông này còn có thể di chuyển, đặc biệt là khi có côn trùng bị dính bẫy, chúng sẽ dần dần chủ động tiến tới bao phủ kẹp kìm con mồi lại, không cho cơ hội nào thoát thân.
6. Acid
Ở nước Mỹ, một trong số những loài cây thống trị vùng đầm lầy là cây sậy. Hàng ngàn mẫu diện tích đầm đã bị "chiếm đóng" bởi loài cây cứng đầu, khó chịu này.
Nhiều loài thực vật nổi tiếng được biết đến với khả năng thải độc ra môi trường xung quanh để đe dọa, hạn chế những loài khác đến xâm lấn khu vực của mình. Nhưng loài sậy đầm lầy này còn kinh khủng hơn: Rễ của chúng nhả ra một loại acid có khả năng ăn mòn tất thảy những loại rễ cây khác gần đó nếu tiếp xúc. Tất nhiên là khi mất rễ thì chả có loài nào tồn tại được thêm nữa, chỉ chờ chết dần chết mòn mà thôi, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sậy được thể "bành trướng" tầm kiểm soát của mình.
7. Ngôi sao chết chóc
Cây ăn thịt cánh sao cũng có mức độ "tàn nhẫn" tương tự nói chung, nhưng lại khá lười biếng. Khác với cây gọng vó bên trên, cây cánh sao không chủ động tiến đến tiếp cận nhanh con mồi mà chỉ nhẹ nhàng chờ đợi con mồi sập bẫy.
Những phiến lá mỏng của chúng tiết ra một chất nhầy dính có ngoại hình giống nước hoặc mật hoa. Vì vậy nếu không may nhầm lẫn rồi rơi vào mặt lá chết chóc đó, càng cố thoát sẽ càng khiến lá quăn lại, và cuối cùng bao phủ toàn bộ cơ thể con vật trong chất nhầy tiêu hóa.
Bề mặt lá cũng chính là cơ quan hấp thụ dưỡng chất từ con mồi khi tiêu hóa xong, đồng thời sau mỗi lần dùng, cây sẽ thay chiếc lá đó bằng một loạt mới để tối ưu hóa hiệu suất săn mồi hơn.
7. "Bẫy tôm hùm"
Thành thực mà nói, loài thực vật với tên gọi Genlisea này không có rễ. Nếu đào chúng lên, bạn sẽ thấy những dây rợ rủ xuống bên dưới tưởng là rễ. Nhưng không phải, đó là những dây bẫy được cấu tạo từ những sợi lá cây đặc biệt.
Để tóm được những con mồi phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, những chiếc bẫy này hoạt động như một giỏ bắt tôm hùm thực thụ, chỉ có vào mà không có ra - một kết cấu hình chữ Y với cửa vào chỉ rộng 400 micromet, bao phủ xung quanh bởi các lông siêu nhỏ hướng vào phía trong. Do đó, mọi động thái của con mồi khi lỡ lọt vào bên trong sẽ chỉ đâm đầu vào chỗ chết mà thôi.
9. Đánh lừa tâm trí
Cây lá chén California không thích tuân theo những quy luật thông thường của loài thực vật săn mồi, mà lại muốn sử dụng những cách chơi đùa và đánh lừa chúng tự chui đầu vào tử thần. Cụ thể, thay vì lấy đầy nước mưa như người anh em của mình kể trên, loài cây này tự chủ động bơm nước vào, cũng bởi vì nó có một đường dẫn nối thẳng vào đó. Điều này khiến cho những con mồi ngây thơ nếu vô tình tò mò bò vào sẽ bất ngờ bị đóng cửa ra, và sau đó nước tràn đến nhấn chìm, tiêu hóa dần.
Không chỉ đơn thuần là che giấu cửa ra, loài cây này còn nham hiểm hơn, có những vùng lá trong suốt làm cửa ra giả, khiến cho con mồi chỉ tập trung loay hoay không hiểu tại sao không đi qua được màng đó, mà không để ý đến lối thoát thực sự ở nơi khác...
10. Đau đớn
Không phải mọi loài cây đều chăm chú đến việc giết con mồi ngay lập tức. Một số loại có bản năng gây ra cảm giác đau đớn để đuổi những động vật ăn cỏ khác đi nhằm bảo đảm sự tồn tại cho mình. Thông thường nó không gây nguy hại cho tính mạng động vật, nhưng chúng cũng không dại mà tiếp tục động vào loài cây này nữa.
Tuy nhiên, có một loài thực vật lại nguy hiểm đến nỗi sản sinh ra chất có khả năng khiến con người đi đến cái chết. Cây hoa tầm ma, sống tại Australia và Indonesia, có lá hình trái tim chứa đầy độc tố. Chỉ cẩn quẹt lên da thôi cũng đủ thấy đau rát, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh của con người.
Chó, ngựa ảnh hưởng phải có thể chết, và con người thì hóa điên dại. Một người thám hiểm khi vô tình dùng lá cây này làm giấy lau đã tự sát bằng súng. Nếu may mắn còn sống, nỗi đau đớn này có thể kéo dài đến hàng năm trời, và không có thuốc nào đặc trị hoàn toàn hậu quả của nó gây ra.
Tham khảo: Listverse
NỔI BẬT TRANG CHỦ
TikTok chính thức bị cấm tại Mỹ
Tuy nhiên, TikTok cho biết đang nỗ lực để khôi phục dịch vụ "càng sớm càng tốt".
Tổng thống Trump sẽ "cứu cánh" TikTok, hoãn lệnh cấm thêm 90 ngày?