11 sản phẩm thất bại đáng xấu hổ của Google
"Nghĩa địa Google" lớn hơn những gì bạn nghĩ.
Chúng ta đã rất quen thuộc với những sản phẩm thành công của Google. Hầu hết mọi người đều sử dụng một trong các dịch vụ của công ty hàng ngày, có thể là Google Maps, công cụ tìm kiếm, Android Auto hoặc Chrome OS.
Nhưng gã khổng lồ này cũng có một danh sách dài gồm các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội hoặc phần cứng, vì một số lý do mà không thể đạt được tầm cao như những sản phẩm khác.
Dưới đây là chuyến đi ngược dòng ký ức về một số thất bại đáng chú ý nhất của Google.
1. Nexus Q
Nexus Q là một thiết bị hỗ trợ giải trí tại gia, với khả năng kết nối với các thiết bị sử dụng HĐH Android cũng như tự kết nối với internet để chơi những bản nhạc cũng như video ngay trên chiếc TV của gia đình bạn.
Tại sao thiết bị này lại không thành công? Vì rất nhiều lý do. Thay vì có thể điều khiển riêng biệt, Q chỉ có thể được điều khiển từ tablet hoặc smartphone Android. Tệ hơn nữa, Nexus Q chỉ có thể stream từ các dịch vụ do Google sở hữu (Google Music, Google Play và YouTube), nghĩa là thiếu hỗ trợ cho một số ứng dụng phát trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm Netflix và Spotify. Mức giá 300 USD càng khiến nó trở nên kém hấp dẫn.
2. Google Glass
Chiếc kính thông minh có giá 1.500 USD này từng được cho là sẽ thay đổi cách con người sử dụng công nghệ. Sự sụp đổ của Google Glass là do một loạt vấn đề. Trong đó, cú đánh mạnh nhất là tranh cãi xung quanh camera tích hợp, khiến mọi người lo sợ quyền riêng tư của họ bị xâm phạm. Google Glass đã bị cấm ở các nhà hát, quán bar và nhà hàng, và ít nhất một phóng viên công nghệ đã bị hành hung vì đeo kính bên ngoài quán bar.
Ngoài các vấn đề về quyền riêng tư, Google Glass quá đắt nên không thu hút được khách hàng và không cung cấp đủ chức năng. Tuy nhiên, một ngày nào đó, chúng ta có thể nhìn lại Glass với tư cách là người tiên phong cho một thứ mà cuối cùng có thể thay thế smartphone.
3. Pixel Slate
Pixel Slate là một máy tính bảng có thể tháo rời phần bàn phím tương tự như Surface Pro của Microsoft, nhưng nó là một chiếc máy Chromebook chạy Chrome OS của Google. Pixel Slate ra mắt vào thời điểm mà máy tính bảng Android đã hoàn toàn thất bại trước iPad.
Dù được mong đợi rất nhiều, nhưng Pixel Slate chỉ mang đến nỗi thất vọng khi được bán ra vào năm 2018. Nó không tạo được chỗ đứng trên thị trường và Google cho biết họ đã ngừng sản xuất chỉ trong vòng vài tháng. Trớ trêu thay, sau khi Pixel Slate bị khai tử, tablet Android lại hồi sinh bất ngờ nhờ dòng Galaxy Tab của Samsung. Điều này đưa chúng ta đến tận năm 2022, khi Google giới thiệu một chiếc máy tính bảng Pixel sắp ra mắt, chạy trên Android thay vì Chrome OS.
4. Google Tango
Đây là một ví dụ của việc đi trước thời đại, Tango là nỗ lực ban đầu của Google trong việc đưa thực tế tăng cường (AR) vào điện thoại. Vấn đề là cách tiếp cận.
Project Tango
Trong khi các nền tảng AR di động hiện đại có thể sử dụng phần cứng đã có trong smartphone của bạn, Tango yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại triển khai phần cứng máy ảnh đắt tiền để áp dụng AR. Trong khi bản thân Tango phần lớn được khen ngợi, một số điện thoại hỗ trợ nó lại bị chỉ trích là cồng kềnh, đắt tiền và chậm chạp. Tango cũng gặp phải những vấn đề tương tự với nền tảng AR hiện tại, đó là không có đủ ứng dụng hấp dẫn và không đáp ứng được những gì đã hứa hẹn.
Tango cuối cùng đã bị chấm dứt, nhưng linh hồn của nó vẫn tồn tại trong ARCore, bộ công cụ phát triển phần mềm không cần phần cứng bổ sung của Google để xây dựng các ứng dụng AR.
5. Daydream
Daydream là phiên bản tiếp nối kính Cardboard giá rẻ của Google, cho phép bạn trải nghiệm công nghệ VR mới nổi thông qua một chiếc hộp trị giá 15 USD và smartphone của mình. Daydream là phiên bản mới của Cardboard với thiết kế cao cấp và thoải mái hơn nhiều. Nó không mang lại điều gì mới mẻ về mặt chức năng: Daydream vẫn chỉ là một vật đựng điện thoại, để bạn có thể giữ nó cách mặt mình vài cm khi xem các ứng dụng VR. Tuy nhiên, 79 USD mức giá quá cao cho một thứ như vậy.
6. Buzz
Dịch vụ mạng xã hội Google Buzz được công bố vào ngày 9 tháng 2 năm 2010 và sau đó bị đóng cửa vào ngày 15 tháng 12 năm 2011. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi đó, nó đã hứng chịu một vụ kiện tập thể từ những người cho rằng việc ra mắt Buzz là vi phạm quyền riêng tư của người dùng Gmail.
Google đã nhanh chóng thực hiện các thay đổi để giải quyết một số lo ngại của người dùng, nhưng tất cả đều thất bại. Buzz đã không nhận được thiện cảm của người dùng ngay từ những ngày đầu tiên và cuối cùng bị thay thế bởi Google+.
7. Google+
Google+ là nỗ lực tham vọng nhất để đối đầu Facebook. Sự xuất hiện của nó một phần dẫn đến sự đóng cửa của Orkut (một ứng dụng xã hội không thành công khác), Buzz và Google Friend Contact. Google đã dồn toàn bộ nguồn lực của mình vào Google+ với hy vọng thu hút người dùng Android, YouTube và Chrome vào một nền tảng duy nhất.
Google+
Google+ muốn trở thành một Facebook tiếp theo, một ứng dụng cho mọi người giao tiếp với bạn bè, đăng ảnh và tìm kiếm tin tức. Ngoài ra còn có các tùy chọn cho cuộc trò chuyện nhóm video và nhắn tin văn bản nhóm. Thật không may, Google+ không bao giờ có thể mở rộng quy mô như các đối thủ cạnh tranh và lại liên quan đến hai vụ rò rỉ dữ liệu quan trọng trước khi ngừng hoạt động.
Dù cuối cùng không thành công, nền tảng này vẫn tồn tại lâu hơn những mạng xã hội trước đó của Google, Google+ biến mất vào năm 2019, sau bảy năm hoạt động. Phần còn lại duy nhất của Google+ là Google Currents, một ứng dụng dành cho liên lạc của công ty, nhưng dự kiến cũng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2023.
8. Google Video
Nếu bạn không thể đánh bại đối thủ, hãy mua họ. Google Video là một nỗ lực nội bộ nhằm đối đầu YouTube, nền tảng chia sẻ video miễn phí hàng đầu vào thời điểm đó (và vẫn là số 1 cho đến ngày nay). Ra mắt vào năm 2005, Google Video cho phép các video được tải lên máy chủ của Google và được nhúng vào các trang web khác.
Cùng với các video từ người dùng nghiệp dư, nền tảng này được dùng để lưu trữ các phương tiện truyền thông chuyên nghiệp mang tính thương mại, như các chương trình truyền hình và phim. Mặc dù cho phép tải lên miễn phí nhiều định dạng, Google Video không thể theo kịp YouTube và chỉ tích lũy được 2,8 triệu lượt tải lên trong bảy năm tồn tại.
Khi Google mua lại YouTube vào năm 2006, cái chết của Google Video đã được báo trước. Tuy nhiên, đó là một cái chết chậm chạp, đau đớn cho nền tảng này. Trong vòng vài tháng, Google bắt đầu hợp nhất Video với YouTube, nhưng phải đến năm 2009, Google mới ngừng cho người dùng tải video lên nền tảng cũ của mình. Google Video tồn tại thêm hai năm nữa trước khi ngừng hoạt động.
9. Knol
Tìm kiếm bất kỳ chủ đề nào trên Google và một trong những kết quả đầu tiên sẽ là từ Wikipedia. Giống như Wikipedia, Knol biên soạn các nội dung do người dùng viết về nhiều chủ đề và hứa hẹn trả cho những người đóng góp một phần doanh thu. Nếu bạn viết nội dung đáng đọc, bạn có thể kiếm được một số tiền từ nó. Tuy nhiên, Google không bỏ nhiều nỗ lực vào trang web, Knol dần chìm vào quên lãng khi Wikipedia vẫn tiếp tục phát triển đế chế cơ sở dữ liệu.
10. Answers
Google là cách để chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc của mình mà không tốn xu nào. Tuy nhiên, với Google Answers, bạn sẽ phải trả phí để có câu trả lời.
Đây là một một dịch vụ cho phép mọi người gửi câu hỏi cho các chuyên gia với một khoản phí. Bạn có thể gửi câu hỏi và nêu rõ số tiền bạn sẵn sàng trả cho câu trả lời (từ 2 USD đến 200 USD). Sau đó, một trong số 500 nhà nghiên cứu sẽ được Google chọn để làm việc với câu hỏi của bạn.
Dịch vụ này tồn tại trong một vài năm, nhưng Answers chưa bao giờ trở nên phổ biến như Yahoo. Mọi người thích tìm kiếm câu trả lời miễn phí từ một cộng đồng mở, chứ không phải những câu trả lời được nghiên cứu kỹ lưỡng từ những người thông thạo về một chủ đề.
11. Project Ara
Project Ara chưa bao giờ được phát hành chính thức. Tuy nhiên, sự biến mất của nó cũng đáng thất vọng và đáng tiếc. Project Ara mong muốn mang đến một chiếc smartphone module, bạn có thể nâng cấp từng thành phần riêng biệt mà không cần phải mua điện thoại mới.
Về cơ bản, nó là một chiếc smartphone được thiết kế như những mảnh Lego có thể dễ dàng hoán đổi. Ví dụ bạn có thể đã tháo một module máy ảnh để nâng cấp sang module cao cấp hơn. Lợi ích của Ara là rất hấp dẫn, tuy nhiên dù hứa hẹn sẽ gửi các mẫu thử nghiệm vào mùa thu năm 2016, nhưng Google đã quyết định ngừng phát triển dự án.
Nếu muốn, bạn có thể tham quan "Nghĩa địa Google" với nhiều sản phẩm bị khai tử khác tại đây.
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"