12 lần Amazon khiến cả thế giới phải choáng váng với những ý tưởng điên rồ

    TVD,  

    Amazon của Jeff Bezos được biết đến với những ý tưởng táo bạo và điên rồ, đôi khi những ý tưởng đó thành công vượt bậc.

    Amazon được biết đến với những ý tưởng điên rồ, ngay cả khi những ý tưởng này không thực sự thành công thì nó cũng khiến cho cả thế giới phải nhớ đến. Có những ý tưởng đến nay đã trở thành mảng kinh doanh trị giá hàng chục tỷ USD như Amazon Web Services, nhưng cũng có những ý tưởng khiến cho Amazon phải hối hận.

    1. Amazon ra mắt nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services

    Năm 2006, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên của mình với tên gọi Amazon Web Services. Nền tảng này giúp cho các doanh nghiệp có thể chạy các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến mà không cần sở hữu nhưng hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ.

    AWS nhanh chóng trở nên nổi tiếng ngay sau khi được ra mắt, mặc dù điện toán đám mây vẫn còn là một khái niệm khá mới vào thời điểm đó. Và nó đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp bởi giá thành thấp, họ chỉ cần trả tiền cho những gì họ sử dụng.

    2. Amazon công bố báo cáo tài chính đầu tiên của AWS

    Báo cáo tài chính đầu tiên của mảng kinh doanh điện toán đám mây AWS thực sự đã khiến cho rất nhiều người bị sốc. Bởi có giá thành thấp, nhiều chuyên gia nhận định rằng AWS không thể đem về doanh thu và lợi nhuận ấn tượng.

    Tuy nhiên trong năm 2015, AWS đã đạt được doanh thu 7,9 tỷ USD và lợi nhuận 1,9 tỷ USD. Với tỷ suất lợi nhuận 25%, đó là những con số vô cùng ấn tượng với một mảng kinh doanh còn non trẻ.

    3. Amazon ra mắt thương hiệu tã trẻ em cao cấp

    Amazon đã ra mắt một thương hiệu tã trẻ em cao cấp của riêng mình vào năm 2014. Đây là dòng tã trẻ em cao cấp và được sản xuất từ loại nguyên liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế tốt. Tuy nhiên giá thành quá cao đã khiến người sử dụng thờ ơ, và cũng không ai cần tới một sản phẩm tã có thương hiệu cao cấp để làm gì. Chỉ 2 tháng sau, Amazon đã phải ngừng bán sản phẩm này.

    4. Amazon chi 1 tỷ USD để mua trang web stream video game Twitch

    Không ai nghĩ rằng Amazon lại có hứng thú với một trang web chuyên về stream video game như Twitch, ngay cả khi đây là một trong những nền tảng stream hàng đầu trên thế giới. Trong năm 2014, khi mà Yahoo và Google đang cân nhắc việc mua lại Twitch thì bất ngờ Amazon chốt thương vụ này với mức giá 970 triệu USD. Hiệu quả của thương vụ này vẫn chưa được tính toán, nhưng nó giúp Amazon đặt nền tảng cho dịch vụ Amazon Video của mình.

    5. Amazon mở hiệu sách đầu tiên mà không phải online

    Amazon được biết đến là gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến và hãng này không có một cửa hàng chính thức nào, tất cả các giao dịch mua bán được thực hiện online và sau đó Amazon sẽ chuyển hàng đến tận nơi cho người mua.

    Tuy nhiên vào tháng 10 năm 2015, Amazon đã đưa ra một quyết định khiến cả thế giới phải bất ngờ. Đó là mở một cửa hàng sách, với tên gọi Amazon Books đầu tiên của mình. Và Amazon sẽ không chỉ dừng lại ở một cửa hàng mà sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và bán cả những món đồ khác.

    6. Amazon mua lại hãng bán lẻ giày dép trực tuyến Zappos với giá 900 USD

    Khi Amazon cảm thấy không thể cạnh tranh được với Zappos trong mảng kinh doanh bán lẻ giày dép, gã khổng lồ này đã quyết định để thâu tóm chính đối thủ của mình. Sau khi thâu tóm Zappos, Amazon vẫn để cho công ty này hoạt động nhưng tất nhiên là lợi nhuận sẽ về tay Amazon. Đây được xem là chiến lược kinh doanh táo bạo nhưng lại rất hiệu quả của Amazon.

    7. Amazon ra mắt thiết bị đọc sách Kindle

    Năm 2007, Amazon ra mắt thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên của mình với tên gọi Kindle. Rất nhiều người cho rằng thiết bị này quá xấu và chỉ có thể hiển thị đen trắng nên nó sẽ sớm thất bại. Nhưng sự thật đã ngược lại hoàn toàn, khi mà Kindle đã trở thành một trong những thiết bị công nghệ bán chạy nhất trên Amazon.

    8. Amazon sản xuất smartphone của riêng mình

    Không phải tất cả các sản phẩm phần cứng của Amazon đều thành công được như Kindle. Chiếc điện thoại thông minh Fire do Amazon sản xuất là một thất bại lớn. Dự án này đã tiêu tốn của Amazon 170 triệu USD và sau khi nó bị khai tử còn dẫn đến sự bất hòa tại Lab126 , nơi nghiên cứu và phát triển các thiết bị phần cứng của Amazon.

    9. Vận chuyển hàng hóa bằng drone

    Đó có thể được xem là một trong những ý tưởng điên rồ nhất của Amazon, khi mà gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến này muốn vận chuyển hàng hóa đến cho khách hàng của mình bằng máy bay không người lái. Dự án này được giới thiệu từ năm 2014 và CEO Jeff Bezos dự đoán nó sẽ mất 4 đến 5 năm để có thể hoạt động thực tế.

    10. Bán sản phẩm tươi sống với dịch vụ Amazon Fresh

    Dịch vụ Amazon Fresh đã được ra mắt vào năm 2007, đây là một dịch vụ cung cấp các sản phẩm tươi sống trực tiếp tới người tiêu dùng. Đây là một dịch vụ đầy táo bạo của Amazon, khi từ một hãng bán lẻ các món đồ từ điện tử, công nghệ tới sách vở lại muốn chuyển qua bán thực phẩm tươi sống.

    11. Amazon thắng giải thưởng Emmy

    Amazon Studio, bộ phận sản xuất các chương trình truyền hình cho Amazon đã lần đầu tiên giành được giải thưởng Emmy về cho công ty. Với bộ phim truyền hình “Transparent”, Amazon Studio đã chiến thắng tại lễ trao giải Emmy năm 2015. Đây cũng là dấu mốc đáng nhớ khi mà Amazon muốn phát triển dịch vụ Amazon Video của mình.

    12. Amazon xây dựng dịch vụ chuyển phát nhanh cạnh tranh với FedEx

    Không chỉ muốn làm bá chủ mảng kinh doanh bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây, tham vọng tiếp theo của Amazon là chuyển phát nhanh, lĩnh vực mà UPS và FedEx đang thống trị. Các bằng chứng gần đây như việc Amazon thuê nhiều máy bay chở hàng, mua một loạt xe tải càng khiến cho người ta tin rằng Amazon muốn bước chân vào thị trường kinh doanh trị giá 400 tỷ này.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ