12 phát minh này có thể sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống

    Ngocmiz,  

    Cục sở hữu trí tuệ Châu Âu (EPO) mới đây đã thông báo danh sách đề cử các nhà phát minh hàng đầu của năm, vinh danh các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau. Cũng như năm ngoái, danh sách năm nay tràn ngập các phát minh mang tính cách mạng.

    12 người được đề cử được chia thành 4 nhóm trong đó có 1 nhóm dành cho các nhà phát minh ngoài Châu Âu. Mỗi lĩnh vực sẽ có 1 người được lựa chọn và công chúng có thể vote người thắng giải. Danh sách chính thức sẽ được công bố vào ngày 9/6 tới tại Lisbon.

    Trên thực tế, không phải phát minh nào trong số này cũng sẽ trở thành những công trình thay đổi thế giới – một số có vẻ như quá viển vông để có thể đưa vào thực tế. Danh sách đề cử năm ngoái bao gồm cả Elizabeth Holmes, CEO của Theranos – công ty khẳng định công nghệ của mình có thể chẩn đoán một loạt các loại bệnh chỉ từ một giọt máu của bệnh nhân. Tuy nhiên, công ty của Holmes hiện đang bị điều tra sau một loạt lời cáo buộc công nghệ của hãng không hề hiệu quả như CEO vẫn “chém gió”. Chính vì vậy mà cần phải nhìn nhận những phát minh này dưới con mắt khách quan và xác đáng.

    Dưới đây là danh sách đề cử năm nay:

    1. Nhóm ngành công nghiệp

    Protein không chứa gluten và protein mô phỏng gluten

    Hai nhà khoa học thực phẩm người Italia Virna Cerne và Ombretta Polenghi đã phát minh ra phương pháp chế tạo ra thứ mà EPO gọi là "protein mô phỏng gluten". Protein họ tạo ra có thể được sử dụng để nướng các sản phẩm không chứa lúa mì nhưng sau khi nướng sẽ cho ra vị như được làm từ lúa mì, không giống các hợp chất bỏ gluten trên thị trường hiện nay. Có lẽ sẽ không lâu nữa những người mang bệnh celiac hay nhạy cảm với gluten sẽ được thưởng thức các loại bánh quy, bánh ngọt và bánh mì mà không phải lo lắng về tác hại nữa.

    Mã hóa bảo mật cho smartcard

    Một nhóm các kỹ sư Pháp và Bỉ dẫn đầu bởi Joan Daemen và Pierre-Yvan Liardet đã chế ra một phương pháp mã hóa mới giúp bảo vệ các loại smartcard (như sim, thẻ nhớ, thẻ ATM,…). Theo EPO, các lỗ hổng đang tồn tại trên smartcard có thể gây ra các vụ tấn công hay lừa đảo hàng triệu khách hàng và người dùng smartcard trên toàn thế giới. Các chương trình của Daemen và Liardet sẽ giúp kiềm soát các lỗ hổng bảo mật này.

    Công nghệ hiển thị bên trong cơ thể người

    Một nhóm nghiên cứu đến từ Đức dẫn đầu bởi Bernhard Gleich và Jürgen Weizenecker đã tạo ra công cụ cho phép các bác sỹ nhìn được các bộ phận trong cơ thể người mà theo EPO thì “chi tiết đến mức chưa từng thấy”. Thiết bị này đã được đưa vào thử nghiệm thực tế từ 2014, giúp các bác sỹ nhìn được chi tiết và real-time cả mô, cơ, động mạch vành hay các bộ phận khác trên cơ thể ngoài các chi tiết máy chụp Xquang thông thường có thể chạm tới.

    2. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Giảm khí thải độc hại bằng ammoniac

    Nhóm các nhà khoa học Đan Mạch bao gồm Tue Johannessen, Ulrich Quaade, Claus Hviid Christensen và Jens Kehlet Nørskov đã thành lập công ty Amminex với sản phẩm chính là muối ammoniac 100g có thể được hợp nhất thành các bộ lọc chất thải, sử dụng trong việc loại bỏ nitơ oxit khỏi khí thải động cơ diesel.

    Bộ dụng cụ chẩn đoán bệnh nhanh cho các nước đang phát triển

    Nhà nghiên cứu Helen Lee thuộc ĐH Cambridge đã thiết kế bộ dụng cụ chẩn đoán nhanh cho phép các bác sỹ phát hiện một số loại bệnh bao gồm cả HIV, viêm gan B và virus chlamydia. Theo EPO, công ty Diasnostics for the Real World của Lee hiện đã có bệnh nhân trên toàn thế giới. Bộ dụng cụ này đã được sử dụng kiểm tra HIV trên 40.000 người. Bộ dụng cụ dễ sử dụng và không yêu cầu phải gửi mẫu về các phòng thí nghiệm nên công nghệ của Lee được kỳ vọng có thể triển khai tại bất cứ quốc gia nào.

    Sóng siêu âm giúp phát hiện các tổn thương não bộ

    Nhà khoa học người Latvia Arminas Ragauskas đã tạo ra thiết bị giúp các bác sỹ phát hiện tổn thương não bộ hay xác định vị trí các khối u não của bệnh nhân. Các phương pháp trước đây đều yêu cầu phải đục lỗ trên sọ của bệnh nhân, còn với phương pháp của Ragauskas, các bác sỹ chỉ cần gắn các cảm biến trên mắt họ rồi dùng sóng siêu âm để đo áp suất não mà không cần đục lỗ nữa.

    3. Nhóm công trình nghiên cứu

    Phương pháp chữa bệnh Parkinson

    Theo EPO, nhà khoa học não bộ kiêm nhà vật lý học Alim-Louis Benabid đã kết hợp hai nguyên lý của mình vào việc phát triển một phương pháp chữa bệnh Parkinson mang tính cách mạng. Liệu pháp này đã được sử dụng trên 150.000 bệnh nhân trên thế giới. Liệu pháp của Benabid sử dụng một mạch điện nhỏ kích thích não bộ và xử lý các chấn động co giật cơ liên quan tới Parkinson.

    Linh kiện bán dẫn làm từ giấy

    Hai nhà khoa học Bồ Đào Nha Elvira Fortunato và Rodrigo Martins đã phát minh ra một loại linh kiện bán dẫn giá rẻ làm từ giấy có thể được sử dụng trong các thiết bị điện tử. Thay vì dùng silicon như trong hầu hết các con chip máy tính hiện nay, Fortunato cùng các đồng sự phát triển các mẩu giấy có thể tự phân hủy làm cấu thành cho linh kiện bán dẫn này.

    Nhóm phát triển đã làm lại một máy in phun mực tiêu chuẩn để in ra các linh kiện điện tử trên một miếng giấy thay vì in ra mực. Họ cũng từng sử dụng thiết bị này để in các tấm pin mặt trời, màn hình hay các cảm biến sinh học. Martins cho biết linh kiện bán dẫn dùng trong các thiết bị điện tử này có thể được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp.

    Tua-bin cỡ nhỏ cho dòng nước yếu

    Kỹ sư xây dựng người Séc Miroslav Sedláček đã chế tạo ra phương pháp phát điện từ các mạch nước yếu. Hầu hết các tua-bin hoạt động trên sông hay biển hiện nay đều cần dòng nước lớn chảy qua mới có thể phát điện, nhưng phương pháp của Sedláček có thể cho phép tạo ra điện từ các lạch suối hay các đợt thủy triều. Tua-bin cỡ nhỏ này tận dụng hiệu ứng gió xoáy trong các chuyển động chảy của dòng nước mà không làm gián đoạn dòng chảy. Theo EPO, công nghệ này thậm chí có thể giúp cả các hộ gia đình. Bất cứ ai sống gần vùng có nước hay thậm chí là có một bồn tắm rỉ nước cũng đều có thể tự mình phát điện.

    4. Nhóm các sáng chế ngoài Châu Âu

    Thiết bị chân giả

    Giáo sư Hugh Herr của Học viện Công nghệ Massachusetts đã mất một phần chân trong một tai nạn leo núi từ năm 17 tuổi. Chính vì vậy, ông đã nỗ lực tạo ra các khớp nối chân giả cho phép người khuyết tật có thể gắn vào để đi lại, chạy bộ và nhảy một loạt các động tác như khi sử dụng chân thật của họ. Theo EPO, với những chiếc chân giả này, Herr thậm chí còn có thể leo núi trở lại.

    Thuốc trị ung thư

    Kỹ sư người Mỹ Robert Langer đã chế tạo ra cơ chế đưa các loại thuốc điều trị ung thư có thể tự tiêu hủy vào cơ thể bệnh nhân. Thường thì khi các bệnh nhân ung thư uống các viên thuốc trị bệnh, phần thuốc sẽ tan trong ruột và giảm hiệu quả trong quá trình di chuyển đến các bộ phận bị ung thư. Quá trình này cũng thường gây ra các tác dụng phụ khi các loại thuốc này tác động tới các bộ phận khỏe mạnh khác trong cơ thể. Viên thuốc Langer chế xuất có được cấy vào bất cứ chỗ nào cần trên cơ thể và các bác sỹ cũng có thể sử dụng nó để kiểm soát lượng thuốc được phóng thích trên bệnh nhân. Theo EPO, các loại thuốc có vỏ nhựa sinh học có thể tự tiêu biến từ thiết kế của Langer đã được hơn 1 triệu người sử dụng.

    Kết nối không dây nhanh hơn

    Giáo sư Arogyaswami Paulraj của ĐH Stanford đã phát minh ra công nghệ kết nối MIMO (miltiple-input and multiple-output). Theo Intel, đây là công nghệ cho phép các thiết bị không dây truyền và nhận dữ liệu trong một khoảng thời gian qua nhiều bộ phận nhận và phát tín hiệu trong chính các thiết bị đó cùng lúc thay vì chỉ sử dụng một bộ phận truyền – phát duy nhất như các thiết bị trước đây. Công nghệ mới này đã trở thành nền tảng của các chuẩn Wifi và kết nối 4G hiện nay. Việc bạn có thể vào mạng cả khi đang đi đường cũng chính là nhờ công sức của Paulraj.

    Giải thưởng thành tựu cuộc đời

    EPO chỉ trao giải thưởng này cho 3 nhà phát minh để vinh danh các cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu họ hoạt động. Những cái tên này bao gồm Alain Carpentier (Pháp) cho phát minh tim cấy ghép nhân tạo đang cứu sống 100.000 người cần cấy ghép tim mỗi năm; Tore Curstedt (Thụy Điển) với loại thuốc giúp trẻ sơ sinh thở đã chữa trị cho hơn 3 triệu trẻ em mắc các vấn đề về hô hấp từ khi được đưa vào sử dụng và cuối cùng là Anton van Zanten với bộ bình ổn điện áp cho ô tô đã giúp làm giảm khoảng 260,000 vụ tai nạn xe hơi chỉ tính riêng tại Châu Âu kể từ khi đi vào hoạt động.

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày