18 tình huống kỳ quặc khiến Hollywood phải sử dụng hiệu ứng đặc biệt để chỉnh sửa các phân cảnh phim

    Tấn Minh,  

    Mọi bộ phim đều được chỉnh sửa trong khâu hậu kỳ. Sau khi giai đoạn quay phim đã hoàn tất, các nhà làm phim còn phải chỉnh màu, hoà âm và chỉnh sửa trước khi công chiếu.

    Công nghệ CGI ngày càng trở thành một công cụ hữu dụng trong quá trình hậu kỳ của một bộ phim. Đôi lúc người ta dùng nó cho những thứ to lớn (như một chiếc phi thuyền bay giữa các hành tinh trong Star Wars), và đôi lúc là những thứ hết sức nhỏ nhặt (xoá một chiếc micro vô tình bị lộ).

    Thông thường, CGI được sử dụng cho những mục đích khá kỳ quặc, hoặc vô nghĩa. Dưới đây là 18 tình huống đặc biệt mà kỹ xảo máy tính đã được tận dụng để thay đổi một số phân cảnh phim.

    Xoá "của quý" của Armie Hammer trong "Call Me by Your Name"

     Armie Hammer vai Oliver trong Call Me by Your Name

    Armie Hammer vai Oliver trong "Call Me by Your Name"

    Một trong những điều thú vị nhất của bộ phim này là phong cách thời trang đầu thập niên 1980, bao gồm cả chiếc quần đùi siêu ngắn của Armie Hammer. Tuy nhiên, chính vì quá ngắn nên nó khiến..."của quý" của Hammer "hình như lộ ra liên tục trong quá trình quay".

    Chính Armie Hammer cũng đùa rằng: "Có đôi lúc người ta phải xem lại và dùng máy tính để xoá đi mấy viên bi của tôi. Đấy là cái quần đùi siêu ngắn mà, mấy anh nghĩ nên làm gì?"

    Thế là những gì cần xoá đã bị xoá trong giai đoạn hậu kỳ, chỉ còn lại những khoảng trống cho sự tưởng tượng mà thôi.

    Ghép thành phố San Francisco vào hậu cảnh trong một phân cảnh của "The Room"

    Một trong rất nhiều thứ khó hiểu trong phim "The Room" - vốn được rất nhiều người bình chọn là bộ phim tệ nhất mọi thời đại - là một phân cảnh diễn ra trên mái căn hộ của Johnny, nơi mà ngôi sao Tommy Wiseau đã thực hiện đoạn độc thoại nổi tiếng "Tôi không đánh cô ta" (I dit not hit her).

    Phân cảnh này được quay với phông nền xanh, sau đó khung cảnh thành phố San Francisco đã được máy tính ghép vào hậu cảnh.

    Nhưng toàn bộ khung cảnh này là sự tái hiện khá chính xác của mái căn hộ thực ngoài đời của Wiseau. Ông này đã tái hiện lại mọi thứ với một hậu cảnh giả kỹ thuật số.

    Kevin Spacey bị xoá vai khỏi "All the Money in the World" và thay vào đó là Christopher Plummer - người sau đó đã được đề cử Oscar cho chính vai này

     Christopher Plummer trong All the Money in the World

    Christopher Plummer trong "All the Money in the World"

    Một trong những công việc chỉnh sửa hậu kỳ đáng nhớ nhất trong lịch sử hiện tại là việc thay thế Kevin Spacey trong "All the Money in the World". Sau khi Spacey bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều người vào hồi tháng 10 năm ngoái, đạo diễn Ridley Scott đã đưa ra một quyết định táo bạo là thay thế Spacey trong bộ phim vốn đã quay xong bằng diễn viên Christopher Plummer - người mà vị đạo diễn này đã chọn đầu tiên cho vai diễn.

    VỚi một số cảnh quay lại, tài năng chỉnh sửa thông minh và kỹ xảo điện ảnh "lừa tình", bộ phim đã hoàn thành vào đúng ngày ra mắt hồi tháng 12. Dù tham gia phim chưa đầy 2 tuần, nhưng Plummer đã nhận được đề cử Oscar cho năm diễn phụ xuất sắc nhất.

    Dùng máy tính tạo...lông vùng kín cho Dakota Johnson trong "50 Sắc thái"

     Dakota Johnson trong 50 Sắc thái

    Dakota Johnson trong "50 Sắc thái"

    Có rất nhiều cảnh nude trong series 50 Sắc thái, và để quay một số cảnh đó, nhiều hiệu ứng đặc biệt và thủ thuật làm phim đã được tận dụng. Ví dụ, Dakota Johnson đã đeo... mông giả cho một số cảnh quay gần. Nhưng có lẽ hiệu ứng kỹ xảo kỳ quặc nhất mà bộ phim này sử dụng là... ghép lông vùng kín cho Dakota Johnson.

    Cụ thể, nữ diễn viên này đã mang một miếng chắn bộ phận sinh dục màu da trong quá trình quay một số cảnh nóng trong phần 1 của bộ phim. Sau đó, người ta đã dùng máy tính để thêm vào một số chi tiết trong quá trình hậu kỳ.

    "Dakota đã mang miếng chắn che vùng nhạy cảm của mình. Chúng tôi đã rơi vào một tình thế khó xử, khi trong giai đoạn hậu kỳ phải thêm vào các chi tiết như vậy. Chắc chắn nó không phải là một điểm sáng trong sự nghiệp của mình, nhưng nó thực sự là một trường hợp kỳ quặc" - nhà điện ảnh Seamus McGarvey nói.

    Xoá râu của Henry Cavill trong "Justice League"

    Henry Cavill đã ký hợp đồng với điều khoản bắt buộc phải để râu khi quay "Mission: Impossible 6", do đó khi anh này phải thực hiện một số cảnh quay lại trong "Justice League", hãng phim đã phải dùng kỹ xảo để xoá bộ râu kia đi.

    Tuy nhiên máy tính lại không thực hiện tốt việc này, khiến môi trên của Siêu nhân "không thể ảo hơn", và nó đã trở thành một chủ đề bị phê bình nhiều nhất trong bộ phim này. Chưa kể, mới đây, trên Internet còn xuất hiện một đoạn video cho thấy một chương trình AI có giá chỉ 500 USD - rẻ hơn nhiều so với chi phí hậu kỳ - lại có thể xoá râu tốt hơn nhiều so với các chuyên gia hiệu ứng đặc biệt.

    Xoá toà tháp đôi trong "Zoolander"

    Sau ngày 11/9, các nhà làm phim đã từng quay phim tại New York buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn: phải làm sao với những cảnh quay có toà tháp này trong phim?

    Cuối cùng, một số bộ phim như "Glitter" vẫn quyết định để lại toà tháp đôi, trong khi một số khác như "Spider-Man" và "Serendipity" đã xoá nó đi.

    "Zoolander" cũng vậy, nhưng không may là ngày ra mắt phim chỉ vỏn vẹn 1 tuần sau sự kiện 11/9, và vụ chỉnh sửa này đã khiến dư luận...nổi điên lên khi cho rằng các nhà làm phim muốn quên đi thảm kịch quá nhanh.

    Warner Bros thêm những người trong tình trạng khoả thân vào phía trước những người đang khoả thân khác để phim được xếp hạng R trong "Eyes Wide Shut"

    Đạo diễn Stanley Kubrick qua đời chỉ một tuần sau khi trình bản cắt của "Eyes Wide Shut" cho Warner Bros, do đó ông không bao giờ còn có thể phản đối những thay đổi mà studio này đã làm với bản thương mại của phim. "Eyes Wide Shut" có một phân cảnh hỗn loạn, và bị "doạ" sẽ bị xếp hạng NC-17 nếu không chỉnh sửa.

    Thế là studio này đã thêm vào một số yếu tố để che chắn bớt những cảnh nhạy cảm, nhưng những hình ảnh mà họ thêm vào lại là hình ảnh những phụ nữ thiếu vải khác mà thôi. Dù sao so với các cảnh gốc thì cũng đỡ bớt phần nào.

    "John Wick" chi 5.000 USD để làm...phân chó CGI

     Nhìn đống phân này có giống thực lắm không?

    Nhìn đống phân này có giống thực lắm không?

    Trong một cảnh đầu phim "John Wick", chú chó của nhân vật chính đã "đại tiện" trên bãi cỏ. Nhưng thay vì để chú chó "đại tiện" thật, hoặc làm một cục phân giả, hoặc bỏ luôn cảnh đó đi, thì nhà làm phim lại chi ra 5.000 USD chỉ để render một cục phân CGI nổi lềnh bềnh trên bãi cỏ.

    Nguyên nhân vụ việc này theo lời đạo diễn Chad Stahelski là: "Người ta không cho phép chúng tôi cho chó uống thuốc nhuận tràng"?!

    Ghép ngực cho Nicolas Cage trong "Ghost Rider"

     Bộ ngực cơ bắp như cao su của Nicolas Cage trong Ghost Rider

    Bộ ngực cơ bắp như cao su của Nicolas Cage trong "Ghost Rider"

    Đầu tiên phải công nhận rằng Nicolas Cage đã tập luyện rất vất vả để có thân hình rắn chắc cho phim "Ghost Rider". Ở tuổi 40, Nicolas Cage thực sự hoàn hảo cho vai diễn.

    Nhưng trên người diễn viên này lại có một số hình xăm, và ở khâu hậu kỳ, người ta đã phải tìm cách xoá bỏ chúng đi. Có vẻ các nhà làm phim thay vì xoá hình xăm thì lại quyết định lắp luôn một bộ ngực giả cho Nicolas Cage. Trong phân cảnh bạn thấy ở trên, bộ ngực anh cứ như một miếng cao su được bơm dầu vào vậy.

    Em bé CGI trong "The Twilight Saga: Breaking Dawn - Part 2"

     Ai đã phụ trách tạo hình đứa bé này vậy?

    Ai đã phụ trách tạo hình đứa bé này vậy?

    Nếu bạn chưa đọc truyện và cũng chưa xem phim, thì đọc tiếp sẽ khiến câu chuyện bị spoil nhé: Trong phần cuối này, Bella và Edward đã có một bé gái tên là Renesmee Cullen, cực kỳ thông minh và lớn nhanh như thổi.

    Đây là một thách thức với các nhà làm phim. Đầu tiên, họ dùng một con búp bê để thay thế em bé, nhưng sau đó ý tưởng này bị gạt qua một bên vì...quá ám ảnh. Thay vào đó, em bé này đã được tạo ra bằng công nghệ CGI, và kết quả thậm chí còn kinh dị hơn ý tưởng ban đầu.

    Mark Zuckerberg thở ra khói giả trong "The Social Network"

     Không thuyết phục làm nhỉ?

    Không thuyết phục làm nhỉ?

    Trong một phân cảnh khi Jesse Eisenberg và Andrew Garfield đang thảo luận ý tưởng về Facebook ở bên ngoài một buổi tiệc tại Havard, đạo diễn David Fincher đã thêm vào hiệu ứng khói toả ra khi thở, bởi thời tiết ngoài đời và trong cảnh phim không khớp nhau lắm.

    "Hơi thở đó là giả. Không những lúc đó thời tiết không đủ lạnh, mà độ ẩm cũng không đủ để thở ra khói, và tôi cảm thấy nếu bạn đứng ngoài trời trong thời tiết như thế này mà không thở ra khói thì quả là vô lý" - Fincher nói.

    Cảnh nude được thêm vào trong phim "Machete"

     Người ta đã xoá bộ đồ trắng của Jessica Alba đi

    Người ta đã xoá bộ đồ trắng của Jessica Alba đi

    Dùng CGI để che những phần nhạy cảm thì quá bình thường. Trong "Macheta", người ta lại dùng kỹ xảo để khiến nhân vật hở hang hơn!

    Cụ thể, diễn viên Jessica Alba đã mặc một bộ đồ nhỏ trong cảnh quay nêu trên. Và ở giai đoạn hậu kỳ, được sự đồng ý của cô, bộ đồ này đã bị xoá đi và các điểm ảnh màu da được đè lên làm cho nhân vật của cô nude 100%.

    Thú vị hơn là dù đã chỉnh sửa để nhân vật nude, nhưng nó vẫn không làm lộ bộ phận nhạy cảm mà chỉ khiến nhân vật như đang không mặc quần mà thôi.

    Olivia Wilde và Leslie Mann được chỉnh sửa để trông hở hang hơn trong "The Change-Up"

    Điều tương tự cũng diễn ra trong bộ phim hài "The Change-Up" năm 2011. Cả Olivia Wilde và Leslie Mann khi quay các cảnh này đều mặc đồ bảo họ che phần trên, nhưng kỹ xảo máy tính đã chỉnh sửa để họ trông như không mặc gì. Thậm chí Olivia Wilde còn được chọn loại "hạt đậu" mà cô muốn thêm vào khi phim ra rạp nữa!

    Nhân vật Jar Jar Binks trong Star Wars

    Nếu có giải "CGI tệ nhất" thì George Lucas chắc chắn sẽ đạt giải. Ba phần 1, 2 và 3 của series Star Wars của ông đầy những phân cảnh và sinh vật thừa thải, trông gớm ghiếc không tả được.

    Nhưng tội lỗi lớn nhất của ông lại xuất hiện trong phần 1 - The Phantom Menace - với nhân vật Jar Jar Binks khiến người xem khó chịu từ đầu đến cuối.

    Điều đáng nói là nhân vật này có cũng được, không có cũng không ảnh hưởng gì đến phim. Jar Jar Binks không có một vai trò cụ thể trong cốt truyện, trừ một phân cảnh nó giúp Liam Neeson và Ewan McGregor đi từ điểm A đến điểm B ở đầu phim.

    Càng về các phần sau, đất diễn của Jar Jar càng ít đi, nhưng anh này lại đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến sự thống trị của tên ác nhân chính, khi chính Jar Jar là người bổ nhiệm tên này vào chức thượng nghị sỹ lâm thời.

    Màn trình diễn nhạc rock dở hơi trong "Return of the Jedi"

     Sinh vật CGI kỳ dị này được George Lucas thêm vào phim

    Sinh vật CGI kỳ dị này được George Lucas thêm vào phim

    Có rất nhiều sinh vật CGI giống côn trùng xuất hiện trong "Star Wars", và một số chúng xuất hiện trong một phân cảnh trình diễn nhạc rock hết sức dở hơi trong "Return of the Jedi".

    Trong phiên bản gốc, Jabba the Hut cho các ca sỹ và vũ công nhảy múa để thưởng thức. Cảnh đó đã được dàn dựng thành một màn múa rối tuyệt vời.

    Thế nhưng khi George Lucas tung ra bộ phim này lần nữa vào cuối thập niên 1990, ông đã loại bỏ tất cả và thay vào đó bằng các sinh vật CGI xấu xí, cùng một bài hát rock ngớ ngẩn của người ngoài hành tinh. Đây là đỉnh cao của những thứ thừa thãi trong Star Wars, và nó đã làm ảnh hưởng đến mọi thứ khác mà ông đã chỉnh sửa trong các bộ phim gốc.

    Wesley Snipes từ chối mở mắt trong một cảnh quay của "Blade: Trinity", và các nhà làm phim phải ghép mắt vào mặt ông

     Đấy không phải cặp mắt thực của Wesley Snipes đâu

    Đấy không phải cặp mắt thực của Wesley Snipes đâu

    Có rất nhiều câu chuyện về việc Wesley Snipes gây sự với mọi người trên trường quay của "Blade: Trinity". Nhưng vụ việc kì quặc nhất là khi Snipes từ chối mở mắt trong một cảnh đang quay. Thế là nhà sản xuất buộc phải ghép mắt giả vào thay thế.

    Con chuột giả trong "Indiana Jones"

    Một trong những cảnh bị chế nhạo nhất trong "Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull" là khi Indiana Jones thoát chết trong một vụ nổ hạt nhân bằng cách...trốn trong tủ lạnh. Và một trong những thứ bị chế nhạo nhất trong cảnh đó là chú chuột chũi CGI trồi lên từ mặt đất sau vụ nổ. Nó rõ ràng là giả, và là dấu hiệu cho một bộ phim dựa dẫm nặng vào CGI.

    Màu mắt của Vivien Leigh trong "Gone With the Wind" bị đổi

    Đây không được tính là CGI, bởi nó diễn ra trước cả thời đại của kỹ xảo máy tính. Trong bộ phim "Gone with the wind" năm 1939, nhà sản xuất David Selznick muốn trung thành tuyệt đối với cuốn sách cùng tên, do đó màu mắt xanh da trời của diễn viên Vivien Leigh phải được đổi thành màu xanh lá cho giống mắt của nhân vật Scarlett O'Hara. Bởi thời đó kính áp tròng vẫn chưa phổ biến, nên màu mắt của diễn viên này đã được thay đổi trong quá trình hậu kỳ.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ