2 ngân hàng Mỹ ‘thân thiện nhất với Bitcoin’ đóng cửa trong chưa đầy 1 tuần, ngành tiền số bị ảnh hưởng đến mức nào?

    Thiên Di, Nhịp sống thị trường 

    Thất bại của bộ ba ngân hàng Mỹ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền số.

    2 ngân hàng Mỹ ‘thân thiện nhất với Bitcoin’ đóng cửa trong chưa đầy 1 tuần, ngành tiền số bị ảnh hưởng đến mức nào? - Ảnh 1.

    Hai trong số các ngân hàng thân thiện với lĩnh vực tiền số và một ngân hàng trụ cột trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ đều đã đóng cửa trong chưa đầy một tuần. Các sự kiện diễn ra trong ngành ngân hàng Mỹ đã tạo ra sự bất ổn trên thị trường stablecoin.

    Ngân hàng tiền số Silvergate Capital thông báo hôm 8/3 rằng họ sẽ ngừng hoạt động và tiến hành thanh lý. Trong khi đó, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, cũng đã sụp đổ vào ngày 10/3. Ngân hàng Signature, lớn hơn Silvergate, cũng đã bị các cơ quan quản lý ngân hàng yêu cầu đóng cửa vào tối 12/3.

    Chính phủ liên bang đã can thiệp để đảm bảo cho tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng tại SVB và Signature. Thông tin này đã khiến thị trường tiền số thắm xanh. Cả Bitcoin và Ether tăng gần 10% trong 24 giờ qua.

    Theo ông Nic Carter của Castle Island Ventures, việc chính phủ sẵn sàng hỗ trợ cả hai ngân hàng cho thấy họ đang trở lại với phương thức cung cấp thanh khoản và nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này vốn có lợi cho tiền số và các tài sản đầu cơ khác.

    Nhưng còn một lỗ hổng bất ổn trong thị trường tiền số là stablecoin, một nhánh nhỏ trong hệ sinh thái tiền số. Stablecoin được neo với giá trị của một tài sản có thật, chẳng hạn như các loại tiền pháp định (USD) hoặc vàng. Nhưng những biến động tài chính có thể khiến stablecoin giảm xuống dưới mức giá cố định.

    2 ngân hàng Mỹ ‘thân thiện nhất với Bitcoin’ đóng cửa trong chưa đầy 1 tuần, ngành tiền số bị ảnh hưởng đến mức nào? - Ảnh 2.

    Hình ảnh minh hoạ

    Mang tên là “ổn định” nhưng lại bất ổn

    Bắt đầu từ sự sụp đổ của TerraUSD vào tháng 5/2022, rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực tiền số bắt nguồn từ stablecoin. Gần đây, các cơ quan quản lý đã tập trung vào loại tiền số này. Stablecoin neo bằng USD của Binance (BUSD) đã chứng kiến dòng tiền chảy ra ồ ạt, sau khi Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) gây áp lực lên nhà phát hành Paxos.

    Cuối tuần qua, niềm tin vào đồng tiền này một lần nữa bị lung lay khi stablecoin USDC mất chốt, giảm xuống dưới 87 cent vào ngày 11/3. Lý do là vì nhà phát hành Circle thừa nhận có 3,3 tỷ USD tiền gửi tại SVB.

    Vào 11/3, một số nhà giao dịch đã bắt đầu đổi USDC và DAI để lấy Tether, stablecoin lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 72 tỷ USD. Công ty phát hành Tether không có liên quan đến SVB.

    Thị trường stablecoin bắt đầu hồi phục vào tối 12/3, sau khi Circle thông báo rằng họ sẽ “bù đắp mọi sự thiếu hụt bằng cách sử dụng các nguồn lực của công ty”.

    Hai ngân hàng thân thiện nhất với Bitcoin

    Về lâu dài, việc đóng cửa các ngân hàng thân thiện nhất với lĩnh vực tiền số có thể gây ảnh hưởng đến Bitcoin. Đây là đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới với giá trị thị trường là 422 tỷ USD.

    Silvergate Exchange Network (SEN) và Signet của Signature đều là các dịch vụ cốt lõi. Hai nền tảng này cho phép khách hàng thực hiện thanh toán tức thời 24/24 và 7 ngày trong tuần.

    Carter nói: “Tính thanh khoản của Bitcoin và tiền số nói chung sẽ bị suy giảm phần nào, vì Signet và SEN là chìa khóa để các công ty có được tiền pháp định vào cuối tuần”.

    Mike Brock đã viết trong một bài đăng trên mạng truyền thông xã hội Damus: “Đây là hai ngân hàng thân thiện với Bitcoin nhất, hỗ trợ phần lớn thanh toán tiền pháp định cho các giao dịch Bitcoin giữa các đối tác thương mại ở Mỹ”.

    “Hiện các công ty tiền điện tử có rất ít lựa chọn và ngành tiền số sẽ bị hạn chế thanh khoản cho đến khi các ngân hàng mới tham gia”, Carter đánh giá thêm.

    Theo CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ