2015: Một năm đầy hoang dại của Google

    Yến Thanh,  

    Đáng chú ý nhất, vào tháng 8 vừa qua, Google đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tuyên bố tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp.

    Bất ngờ xảy ra vào những ngày đầu tháng 8, ông Larry Page - đồng sáng lập của Google đã làm giới công nghệ phải "té ghế" khi ra quyết định tái cấu trúc gã khổng lồ tìm kiếm Google. Theo đó, Larry Page sẽ nhường lại vị trí CEO Google cho Sundar Pichai - giám đốc mảng Android, Google Chrome và có vai trò chủ chốt trong hầu hết các dịch vụ của Google hiện tại.

    Trong khi đó, Larry Page và nhà đồng sáng lập Sergey Brin sẽ cùng nhau lãnh đạo công ty mới có tên là Alphabet. Giờ đây là công ty mẹ sẽ quản lý Google và tất cả công ty con mà gã khổng lồ tìm kiếm đã thành lập trước đây. Tất nhiên, bản thân Google và Alphabet sẽ hoạt động độc lập với nhau, mỗi công ty sẽ đảm nhiệm những mảng công nghệ riêng.

    Theo giới công nghệ, đây là một quyết định kinh doanh táo bạo, liều lĩnh nhưng rất cần thiết của gã khổng lồ tìm kiếm. Trong những năm qua, giới đầu tư đang tỏ ra lo ngại khi Google có vẻ lơ là mảng kinh doanh chính của mình là dịch vụ tìm kiếm mà bị phân tán vào những công nghệ mang tính "viễn tưởng" cho tương lai như xe hơi tự lái, thuốc chống ung thư...

    Và cũng chính từ cú sốc này, người ta đã có nhiều điều để nói hơn về Google, cũng như công ty mẹ là Alphabet, về những điểm tốt và xấu của công ty này. Nhất là khi giá trị thị trường của Google đã cán mốc 527 tỷ USD, gần sát với mốc 1.000 tỷ USD như nhiều chuyên gia kì vọng. Vậy trong năm 2015 này, Google "hoang dại" đã hoạt động như thế nào?

    Điểm tốt

    Gần nhất, trong quý kinh doanh đầu tiên của Google dưới tên công ty mẹ Alphabet, tình hình kinh doanh của gã khổng lồ tìm kiếm vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng một cách ổn định. Với doanh thu tiếp tục vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích trước đây. Cụ thể, Q3/2015, Alphabet đã thu về 18,7 tỷ USD với 7,35 USD lãi trên mỗi một cổ phiếu, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Sự tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với khoản tiền mặt 72,8 tỷ USD mà Alphabet nắm giữ đã cho phép công ty này đủ tự tin để mua lại 5,1 tỷ USD cổ phiếu của mình. Điều này góp phần đẩy lượng giao dịch của cổ phiếu Alphabet lên mức kỷ lục và giúp cho giá cổ phiếu công ty tiếp tục tăng lên tới 12%, có lúc đã đẩy giá cổ phiếu Google chạm đỉnh 756 USD.

    Trong đó, mảng kinh doanh tìm kiếm và quảng cáo vẫn là cốt lõi của công ty mới, khi mà mảng kinh doanh này chiếm tới gần 90% trong tổng doanh thu, với 16,7 tỷ USD. Các mảng kinh doanh còn lại như máy tính, dịch vụ internet, xe không người lái, nghiên cứu khoa học công nghệ chỉ chiếm 1,89 tỷ USD trong tổng doanh thu.

    Giám đốc tài chính Ruth Porat cũng cho biết công ty đang tập trung vào việc kiểm soát chi phí để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Trong Q3, chi phí hoạt động của Alphabet tăng 14% lên đến 6,93 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng trưởng chi phí thấp nhất kể từ năm 2013. Cũng nhờ đó mà lợi nhuận ròng của công ty đạt 3,98 tỷ USD, tăng tới 45% từ 2,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

    Tuy nhiên trong quý tiếp theo, Alphabet sẽ chi tiêu nhiều hơn nhằm phát triển các dự án mới của mình sau khi tái cấu trúc công ty. Giám đốc tài chính Porat tiết lộ, một trong những mục tiêu phát triển và nghiên cứu của Alphabet trong năm tới sẽ là các hệ thống máy tính và trí thông minh nhân tạo. Lãnh đạo của công ty cho rằng đây sẽ là điểm khác biệt giúp Google và Alphabet vượt qua được các đối thủ của mình.

    Cơ hội?

    Thực tế, hoạt động chính của Google vẫn là các mảng cốt lõi. Đợt tái cấu trúc vừa diễn ra, Google sẽ dễ dàng tách các báo cáo tài chính ra làm 2 phần bao gồm Google và các dự án khác thuộc Alphabet. Điều này làm trấn an các nhà đầu tư khi nhìn vào các bản báo cáo bởi những khoản tiền khổng lồ dành cho nghiên cứu các dự án mới chưa có lãi sẽ thuộc về Alphabet.

    Trong khi đó bản báo cáo của Google sẽ chỉ bao gồm những mảng cốt lõi vẫn đem tiền về cho công ty và đó là điều các nhà đầu tư quan tâm. Cái tên Alphabet là 1 cách chơi chữ của từ Alpha (lợi nhuận đầu tư trên chuẩn) và bet (đặt cược) ý nói rằng những dự án mới, đang còn phát triển có thể coi như các cuộc đánh cược, có thể mất, có thể được của Google.

    Việc tái cấu trúc có thể làm cho việc hoạt động của các mảng này được riêng rẽ với các mảng chính của Google và làm an lòng các nhà đầu tư. Và thực sự, Google tin rằng những dự án "xa vời thực tế" của mình như xe tự hành hay nghiên cứu về sự bất tử cho con người sẽ một ngày nào đó thành công và mang lại hàng tỷ USD lợi nhuận.

    Nhìn chung, đợt tái cấu trúc lớn lần này của Google khá phức tạp, nhưng nó đảm bảo hoạt động lâu dài và khả năng sinh lợi trong tương lai. Họ có thể tách bạch về báo cáo tài chính, nâng cao quyền quản lý cho các công ty con, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư. Alphabet sẽ không phải lo chuyện 1 nhà đầu tư sẽ ra lệnh đóng cửa các dự án chưa có hiệu quả, bởi chúng trên lý thuyết đã trở nên riêng rẽ với Google.

    Điểm chưa tốt

    Dù đã có những kết quả kinh doanh tốt, kể từ khi Google tái cấu trúc thành Alphabet. Nhưng trên thực tế, gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ cũng vấp phải không ít khó khăn ngay từ những ngày đầu năm 2015. Khi Google chính thức bị EU buộc tội độc quyền vào tháng 4 năm nay. Trong đó, Google bị buộc tội vi phạm luật chống độc quyền bằng cách lợi dụng thế mạnh của công cụ tìm kiếm của mình.

    Theo báo cáo từ EU, gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ để đưa ra những kết quả tìm kiếm có lợi cho hãng, cụ thể là ở các kết quả tìm kiếm trong các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Nhằm răn đe ông lớn này, EU cũng đưa ra những cảnh báo rằng, Google có thể phải đối mặt với án phạt tiền cực nặng, khoản tiền phạt có thể lên tới 6 tỷ USD, tương đương với 10% doanh thu thường niên của hãng.

    Tuy nhiên đó vẫn chưa phải tất cả câu chuyện, vụ kiện này chỉ diễn ra tại châu Âu và các điều luật ràng buộc Google cũng chỉ áp dụng tại châu Âu. Do đó mà các đối thủ cạnh tranh của Google tại Mỹ như Microsoft, Oracle, Hotwire, Expedia và TripAdvisor cảm thấy không thỏa mãn. Họ đã liên kết với nhau trong một tổ chức được gọi là FairSearch.org và thuê Matt Reilly, cựu luật sư của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

    Đáng chú ý, ông Matt Reilly cũng là một chuyên gia về các vụ kiện chống độc quyền. Nhìn chung, trong những vụ kiện với Google trước đây, Microsoft và Oracle là hai công ty tham gia tích cực nhất. Cho đến nay, hai công ty này tiếp tục bắt tay với nhau trong một liên minh nhằm chống lại Google tại thị trường Mỹ. Sau châu Âu, rất có thể Google sẽ phải đối mặt với một phiên xử nữa diễn ra tại Mỹ.

    Qua sự việc này có thể thấy được Google đang ngày càng lún sâu vào những rắc rối pháp lý về chính sách thương mại của mình. Có vẻ như cả thế giới đang chĩa mũi giáo vào gã khổng lồ này, và cho dù có lớn mạnh như thế nào thì đứng trước những đối thủ cạnh tranh đông đảo như vậy chắc chắn Google sẽ gặp rất nhiều khó khăn nữa trong tương lai.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ