2016 - Từ Samsung đến Lotte: Năm đáng buồn nhất & đáng quên nhất trong lịch sử chaebol Hàn Quốc

    PV,  

    Dưới đây là câu chuyện buồn mà những tập đoàn lớn bậc nhất Hàn Quốc phải trải qua trong năm 2016.

    Chúng tôi xin giới thiệu series "Câu chuyện kinh doanh 2016", tập hợp những sự kiện kinh doanh và nhân vật nổi bật nhất trong năm qua ở Việt Nam và thế giới.

    Bài viết đầu tiên xin được nhắc đến những biến cố lớn của những chaelbol đình đám nhất Hàn Quốc trong năm 2016. Mời quý độc giả đón đọc.

    2016 có thể xem là năm đáng quên đối với các chaebol - biểu tượng và niềm tự hào của kinh tế Hàn Quốc. Lần lượt những cái tên đình đám như Lotte, Samsung, Hyundai Motors đều chứng kiến các đợt khủng hoảng, tình hình kinh doanh tụt dốc nhanh chóng, thậm chí trên bờ vực thẳm.

    Dưới đây là câu chuyện buồn mà những tập đoàn lớn bậc nhất Hàn Quốc phải trải qua trong năm 2016:

    Đại chiến gia tộc Lotte

    Đầu năm 2016, cuộc nội chiến gia tộc sáng lập tập đoàn Lotte bị phanh phui trước báo giới. Vị thiếu gia út - Shin Dong-bin, sau khi giành chiến thắng đã gửi thông cáo đến báo chí gửi với nội dung: “Chúng tôi hy vọng rằng đội ngũ quản lý hiện tại mà đứng đầu là ngài Shin Dong-bin sẽ tạo nên một hệ thống vững chắc, cải thiện tình hình và tiếp tục đẩy mạnh sự thống nhất hơn nữa”.

    Không ít người dành những lời lẽ đầy chua cay khi cho rằng đây là cuộc chiến anh thua em, cha thua con.

    Với bê bối lần này, hoạt động kinh doanh của Lotte chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Không chỉ đối mặt với làn sóng tẩy chay các sản phẩm, tập đoàn này còn trở thành mục tiêu điều tra của chính phủ về cơ cấu sở hữu chồng chéo, phức tạp… kéo theo hàng loạt rắc rối liên quan tới vấn đề pháp lý về sau này.

    Tháng 6/2016, “đại hạn” tiếp tục giáng xuống Lotte khi tập đoàn này vướng nghi án sử dụng một công ty ma ở Việt Nam để phục vụ cho quỹ đen. Được biết đến thời điểm đó, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc và các công tố viên đã xác định được 5 hoặc 6 công ty "vỏ bọc" tham gia vào các giao dịch của Lotte.

    Cuộc khủng hoảng mang tên Galaxy Note 7 của Samsung

    Ra mắt vào đầu tháng 8/2016, Galaxy Note7 gần như đã bước chân trên con đường trải đầy hoa hồng. Samsung liên tiếp đón nhận những báo cáo tích cực liên quan tới mảng kinh doanh di động.

    Thảm hoạ ập tới vào ngày 1/9/2016 khi báo cáo cho thấy đã có 35 trường hợp Note 7 cháy nổ được phản ánh từ người tiêu dùng trên toàn cầu và sau đó Samsung đã nhanh chóng đưa ra quyết định thu hồi Note 7 trên toàn cầu.

    Theo dự đoán của Credit Suisse, Daishin Securites và Pelham Smithers Associates, có thể chi phí Samsung phải bỏ ra cho vụ thu hồi này lên tới 1 tỉ USD. Được biết, con số này chiếm khoảng 5% thu nhập ròng dự kiến của Samsung ở mức 23 nghìn tỉ won (tương đương với 20,6 tỉ USD) trong năm nay.

    Tuy nhiên, còn một tổn thất vô hình Samsung phải gánh chịu mà ít được nhiều người nhắc đến là những tổn hại về danh tiếng, hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

    Dòng Galaxy S7 và đặc biệt là ngày ra mắt chiếc Note 7 đã nhận được cơn mưa lời khen từ giới chuyên gia. Họ đánh giá Note 7 là chiếc điện thoại mang trong mình cả những tính năng mà Apple cũng “thèm muốn”.

    Tuy nhiên, ăn mừng chiến thắng chưa được bao lâu, sự cố lỗi pin của Note 7 khiến danh tiếng về chất lượng sản phẩm và tất cả những nỗ lực họ xây dựng trong thời gian qua bị sụp đổ.

    Chang See Jin – một giáo sư tới từ trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định về trường hợp này của Samsung: “Nguy cơ phá hủy danh tiếng thậm chí nghiêm trọng hơn việc mất mát về mặt tiền bạc trong ngắn hạn”.

    Các hãng xe hơi làm ăn bết bát

    Ngay từ tháng Giêng, Hyundai Motor và Kia Motors Corp, 2 hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, đã dự báo doanh số bán hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng yếu nhất trong 10 năm trở lại đây.

    Nguyên nhân được đưa ra là do lực cầu ở Trung Quốc giảm sút và đồng won tăng giá. Vài ngày sau đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch khiến thế giới chấn động.

    Dấu hiệu suy tàn của Chaebol?

    Dù luôn được xem là những tượng đài có công lớn đóng góp vào nền kinh tế đất nước nhưng các Chaebol ở Hàn Quốc vẫn gặp không ít lời chỉ trích. Tình hình ngày một trầm trọng hơn trong bối cảnh những sự thật về tham nhũng, hối lộ, tranh quyền đoạt chức như kể trên dần bị phanh phui.

    Một số hệ lụy nghiêm trọng mà Chaebol gây ra có thể kể đến như khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, những doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép, và tỷ lệ tự tử vào loại cao nhất thế giới.

    Giáo sư Kim Woo Chan, một chuyên gia kinh tế, nhận định: "Người ngoài có thể cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc thịnh vượng, nhưng thực tế là người dân bình thường rất chật vật vì các chaebol không muốn chia sẻ nhiều phúc lợi của mình".

    Trong khảo sát năm 2012 của một cơ quan nghiên cứu ủng hộ đảng cầm quyền Saenuri, 74% người dân cho rằng chaebol không hề có những nghĩa vụ đạo đức. "Họ là liều thuốc độc với kinh tế Hàn Quốc", ông Han Myeing Sook, thượng nghị sĩ đảng đối lập nói.

    Ngoài ra do quá nhiều bê bối bị phanh phui, người Hàn quay ra bất bình và thù hận các Chaebol. Những người này cho rằng trong khi con cái của họ trải qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để gây dựng sự nghiệp, thì thế hệ trưởng thành trong "nhà kính", lớn lên với chiếc "thìa vàng" của các Chaebol lại chỉ việc "ngồi mát ăn bát vàng", hưởng thành quả từ cha mẹ chúng, không có khả năng giao tiếp và cảm thông với những người xuất thân từ các hoàn cảnh khác nhau.

    Ngoài ra dù có xuất phát điểm tốt nhưng tới thời điểm này nhiều Chaebol đang có dấu hiệu suy tàn do chậm chạp trong quá trình đổi mới, tranh quyền đoạt chức, nội chiến ảnh hưởng tới công việc kinh doanh.

    Nếu tất cả những vấn đề kể trên không được giải quyết sớm, những tượng đài như Samsung, Lotte, Hyundai sẽ phải trải qua năm 2017 khó khăn bội phần.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ